Dưới đây là bài viết của tác giả họ Lưu 70 tuổi người Trung Quốc có cuộc sống hưu trí như ý sau khi rút ra những kinh nghiệm từ chính bản thân mình và quan sát người cao tuổi xung quanh.
Sau khi nghỉ hưu, tôi nhận ra sự thật rằng ai rồi cũng sẽ già đi, sẽ có nhiều nỗi lo và cả những lúc cô đơn, muộn phiền. Để tuổi hưu trí có thể hạnh phúc hơn, nhất định phải có sự chuẩn bị trước. Mỗi người sẽ có cách tận hưởng tuổi già riêng tùy theo hoàn cảnh sống của bản thân.
Với tôi, sau 10 năm nghỉ hưu, tôi ước mình nên làm những việc sau sớm hơn, như vậy mới có sức khỏe và tài chính ổn định, mối quan hệ gia đình hòa thuận – nền tảng quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống.
Khám sức khỏe định kỳ
Tuổi già là lúc cơ thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Điều này khiến tôi lo ngại mỗi khi đi khám sức khỏe định kỳ, sợ rằng sẽ mắc thêm bệnh, tốn kém chi phí điều trị và phải ở trong bệnh viện một cách cô đơn, buồn chán.
Thế nhưng khi nhận ra nhiều người bạn xung quanh mắc bệnh đến giai đoạn gần cuối mới nhập viện, có người còn quá muộn để cứu chữa thì tôi mới hiểu sức khỏe là khoản bản thân không nên tiếc. Không tránh được bệnh tật nhưng tôi nghĩ bản thân có thể phòng ngừa và kiểm soát ở mức độ nhất định.
Tôi tự đi khám sức khỏe định kỳ, tự theo dõi các chỉ số như huyết áp, đường huyết, nhịp tim đều đặn cũng như lựa chọn chế độ ăn ít gia vị, ít chất béo. Nhờ vậy mà 70 tuổi các chỉ số sức khỏe của tôi được bác sĩ nhận xét ổn định hơn so với người cùng tuổi, nền tảng thể lực cũng tốt hơn so với thời gian trước.
Chú ý đến giấc ngủ
Tôi vẫn thường nghe mọi người nhắc nhở về việc nên chăm vận động khi về già nhưng không phải ai cũng chú ý đến cách nghỉ ngơi đúng. Tuổi càng cao, tôi càng thấy khó ngủ, điều này dẫn đến tình trạng uể oải khi thức dậy, ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất trong suốt cả ngày dài.
Ban đầu tôi không quá để tâm, chỉ nghỉ có thể ngủ trưa bù. Trên thực tế giấc ngủ trưa kéo dài quá 1 tiếng chỉ làm cơ thể thêm phần mệt mỏi. Ngủ đều đặn mới có thể giúp người cao tuổi duy trì sự ổn định của đồng hồ sinh học, phục hồi thể lực và tăng cường khả năng miễn dịch.
Khi bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ, tôi không xem tivi hay điện thoại ít nhất 1 tiếng trước khi ngủ. Thay vào đó tôi đọc sách hoặc ngồi thiền, ngâm chân nước ấm, thư giãn cơ thể để dễ ngủ hơn. Ngoài ra tôi duy trì ngủ trưa 20-30 phút để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ tối. Ăn tối trước 18h cũng giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tránh cảm giác đầy hơi, khó tiêu khi đến giờ lên giường.
Sống độc lập với con cái
Vừa nghỉ hưu, tôi và vợ liền chuyển đến nhà con trai sống. Tuy nhiên tôi nhanh chóng hiểu rằng đây không phải cách nghỉ hưu phù hợp với bản thân. Người cao tuổi và người trẻ có nhiều khác biệt trong suy nghĩ, thói quen sinh hoạt dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có, gây sứt mẻ tình cảm.
Vậy nên để tránh hiềm khích, tôi lựa chọn trở về quê, cùng vợ sống tự do tự tại theo ý mình. Tôi cũng tiết kiệm lương hưu mỗi tháng để không cần phụ thuộc tài chính vào con cái. Các con tôi cũng có sự độc lập, không ỷ lại bố mẹ trong chuyện chăm cháu, làm việc nhà còn chúng tôi được thảnh thơi, không cần lo bị con cái ghét bỏ do quan điểm sống khác nhau. Tôi ước mình nhận ra điều này sớm hơn để không còn khoảng thời gian căng thẳng với con cháu.
Trân trọng từng giây phút bên người bạn đời
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, tôi cảm thấy may mắn khi luôn có người đồng hành đáng tin cậy là vợ bên cạnh. Tuy đến tuổi này vẫn có những lúc mâu thuẫn nhưng tôi không còn cố tranh cãi đến cùng với vợ như trước mà chọn cách giải quyết bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo hơn mỗi khi nói để tránh làm vợ buồn.
Chúng tôi dành thời gian đi du lịch mỗi khi có điểm đến cả 2 hứng thú, cùng làm vườn, tập thể dục, nấu ăn, trò chuyện mỗi ngày. Có sở thích riêng, đời sống tinh thần phong phú cũng là cách vợ chồng tôi vui khỏe tuổi già không dựa vào con cái. Sinh, lão, bệnh, tử để quy luật không tránh khỏi, tôi lo lắng một ngày một trong hai ra đi trước, bản thân tôi sẽ hối tiếc vì không trân trọng những phút giây bên người thân yêu nhất.
(theo soha)