Một người bạn nơi xa đề nghị hãy post lại bài Độc cư/ Thiền định/ Kham nhẫn/ Tri túc… để nhắc nhau . Nên 3 chén sắc còn 7 phân vậy.
Thân mến
BS Đỗ Hồng Ngọc
Độc Cư
Lúc dịch bệnh tràn lan như vầy thì lời khuyên tốt nhất là nên “ở nhà một mình” (Home Alone, nhớ không?). Mọi người nên “Stayhome” trong “Homestay” của mình. Bất đắc dĩ mới phải ra đường khi thật sự cần thiết.
Độc cư nhiều khi dễ căng thẳng, buồn chán, dễ gây lộn, dễ “phá thành sầu” bằng chai alcool (không phải để sát khuẩn) mà để sinh sự cho sự sinh.
Phật giảng một bài rất hay trong kinh “Người biết sống một mình”. Đó là người sống với cái Tâm tĩnh lặng, trong sáng, không bị “trôi lăn” (cuốn) vào dĩ vãng hay tương lai bởi “dĩ vãng đã qua rồi/ tương lai thì chưa tới”. An nhiên tự tại với “ở đây và bây giờ” (here and now).
Một người chui vào phòng kín, nhập thất, hoặc lên núi cao cất cái chòi nhỏ… để sống mười năm chưa chắc đã là “độc cư” khi trong lòng còn mang mang : quân tử trả thù mười năm chưa muộn…
Thiền định
“Nếu không đi ra ngoài được thì hãy đi… vào trong”
Lục tổ Huệ Năng bảo: Ngoài không dính mắc là Thiền/ Trong không lay động là Định.
Vậy thì đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền cũng định.
Còn Trần Nhân Tông thì bảo:
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Trước cảnh mà tâm vẫn an, vẫn tịnh, thì chẳng cần hỏi chi tới Thiền!
Cho nên để có thể có tâm an tịnh, thiền là một cách thế trong rất nhiều cách thế. Ngày nay, y học và tâm lý trị liệu… cũng nghiên cứu ứng dụng Thiền để chữa trị những thứ bệnh thời đại. S.A.D (Stress: căng thẳng; Anxiety: Lo âu, sợ hãi; Depression: trầm càm), nghiện ngập, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn hành vi… đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Dĩ nhiên, đó chỉ mới là một phần ứng dụng của Thiền, chưa phải là thiền Phật giáo.
Dù sao, thiền cũng là cách giúp mình được an nhiên, tự tại… trong tình hình đầy hoang mang căng thẳng lúc dịch bệnh đang hoành hành.
Kham nhẫn
Kham là chịu, nhẫn là nhịn.
Trong các yếu tố khiến “kham không nổi” thì “khẩu” (Lời nói) là yếu tố quan trọng nhất. Đã đành “ý dẫn các pháp”, nhưng ý chưa thể hiện thành hành vi. Khẩu mới ầm ỉ, náo nhiệt, là đầu mối sinh sự, gây chiến! Cho nên Phật dạy con mình là La Hầu La rất kỹ về “khẩu nghiệp”: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời hung ác… Rồi dạy con phải học hạnh của Đất để “nhẫn”: ném một thỏi vàng hay một đống rác xuống đất, đất vẫn « như như bất động »…
Nhưng “kham nhẫn” trong lời khuyên của Phật thì không chỉ là sự chịu đựng, “nhịn nhục” với cái đáng giận, đáng ghét mà còn phải “kham nhẫn” cả với những đường mật, mê say vì dễ dẫn ta tới tham ái, chấp thủ.
“Kham nhẫn” với giận với hờn còn dễ hơn kham nhẫn với nhớ, với thương, phải không?
Tri túc
Tri túc là Biết đủ. Nhưng thế nào là đủ? Làm sao để biết đủ?
Lòng tham vốn không đáy. Lúc nào cũng muốn muốn muốn. Nào vạn tuế vạn vạn tuế, nào muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ, trường sanh bất tử…
Mà càng tham thì càng thấy thiếu. Người đẹp muốn đẹp hơn. Người giàu muốn giàu nữa. Người quyền chức thì muốn càng cao thêm mãi.
Nguyễn Công Trứ bảo: Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc? Biết đủ thì đủ! Đợi đủ bao giờ mới đủ? Bao giờ nghĩa là… còn lâu!
Ưng Bình Thúc Giạ Thị thì bảo:
Biết đủ dầu không chi cũng đủ
Nên lui đã có dịp thì lui…
Cho nên Tri túc luôn đi đôi với Thiểu dục. Thiểu dục Tri túc. Bởi người it ham muốn thì may ra mới thấy là đã đủ, nghĩa là thôi, đủ rồi đó!
Nhưng, nói thì dễ, mà làm thì không dễ chút nào bạn ơi!
Đỗ Hồng Ngọc.