Bệnh tiểu đường là một căn bệnh mạn tính nguy hiểm và có ảnh hưởng nhiều đến người cao tuổi.
Mặc dù đây là bệnh mạn tính phổ biến nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe do biến chứng của nó gây nên.
1. Bệnh tiểu đường là gì?
Cơ thể con người tiêu hóa thức ăn thành đường, được gọi là glucose. Lượng đường này sẽ cung cấp năng lượng cho các hoạt động thường ngày. Để có thể chuyển hóa glucose thành năng lượng thì cơ thể cần đến insulin. Insulin là một loại hormone giúp glucose đi vào tế bào.
Khi cơ thể không tạo đủ insulin, hoặc không thể dung nạp insulin đúng cách sẽ gây ra bệnh tiểu đường, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Thực tế đã chứng minh rằng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nói chung và tiểu đường loại 2 nói riêng sẽ tăng lên theo tuổi tác.
2. Tiền tiểu đường ở người cao tuổi
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh âm ỉ và có thể phát triển trong nhiều năm. Vì lý do này, việc kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên có thể giúp xác định sớm liệu bạn có đang gặp vấn đề trong việc kiểm soát lượng đường trong máu hay không.
Tiền tiểu đường là tên gọi khi tình trạng nồng độ glucose trong máu có thể cao hơn bình thường do rối loạn chuyển hóa glucose, nhưng vẫn chưa đủ cao để vượt qua ngưỡng chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Tiền tiểu đường không có bất kỳ triệu chứng nào. Đa phần những người bị tiền tiểu đường đều là người cao tuổi và họ có nhiều khả năng phát triển thành bệnh tiểu đường loại II , đau tim hoặc đột quỵ. hơn những người khác.
3. Các loại bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường được chia thành 2 loại chính bao gồm tiểu đường loại I và tiểu đường loại II. Trong đó:
- Đối với tiểu đường loại I, cơ thể không thể tạo ra insulin. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ em và thanh niên.
- Với tiểu đường loại II, cơ thể không tạo ra đủ hoặc không đáp ứng với lượng insulin mà nó tạo ra. Đây là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất và thường thấy nhất ở người trung niên và lớn tuổi.
4. Tại sao người cao tuổi có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?
Nguyên nhân có thể lý giải cho câu hỏi tại sao người lớn tuổi có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường hơn là do yếu tố gây bệnh chính bao gồm tuổi tác, thừa cân và tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, tuyến tụy của người lớn tuổi hoạt động kém dần, kèm theo sự giảm khối lượng cơ, thừa cân và giảm hoạt động thể chất cũng là yếu tố khiến bệnh tiểu đường ở người già dễ xảy ra hơn.
Nếu bạn là một trong những đối tượng sau đây, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn những người khác:
- Người trên 45 tuổi và bị bệnh cao huyết áp.
- Người trên 45 tuổi và thừa cân.
- Người trên 55 tuổi.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường.
5. Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở người già là gì?
Một vấn đề quan trọng đối với bệnh tiểu đường ở người già là đôi khi các triệu chứng có thể không rõ ràng. Những thay đổi do lão hóa có thể che dấu các triệu chứng của bệnh tiểu đường hoặc khiến chúng khó phát hiện hơn. Thông thường, nếu lượng đường trong máu tăng nhẹ đến vừa phải sẽ không gây ra các triệu chứng.
Một số triệu chứng bệnh tiểu đường ở người già như đi tiểu nhiều hơn, mắt nhìn mờ và cảm thấy đói, khát quá mức sẽ không biểu hiện rõ ràng ở người lớn tuổi như ở người trẻ và chúng thường xảy ra khi lượng đường trong máu đã tăng khá cao. Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường type II , chẳng hạn như cảm thấy mệt mỏi và thờ ơ hoặc tăng cân dần dần thường bị hiểu nhầm là do tuổi tác cao, cơ thể lão hoá.
Chính vì vậy, người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường loại II có thể không được phát hiện kịp thời mà chỉ có thể chẩn đoán khi các tổn thương đã xảy ra khá nặng.
6. Các biến chứng của bệnh tiểu đường ở người già
Nếu tình trạng tiểu đường ở người cao tuổi không được kiểm soát, glucose tích tụ với nồng độ cao trong máu có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho hầu hết các cơ quan chính trong cơ thể, bao gồm:
- Tổn thương thận, tổn thương động mạch. Những biến chứng này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim.
- Tổn thương mắt dẫn đến giảm thị lực.
- Tổn thương thần kinh, có thể dẫn đến chấn thương và nhiễm trùng, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến cắt cụt chi.
Tuy rằng các tổn thương do tiểu đường gây ra ở người cao tuổi có thể không được chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu có thể kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả sẽ có thể giúp giảm thiểu tác động của bệnh tiểu đường trong tương lai. Do đó, việc ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường mà không làm tổn hại thêm đến sức khỏe của người bệnh là điều vô cùng quan trọng.
7. Tại sao bệnh tiểu đường ở người già có ảnh hưởng xấu hơn nhiều so với người trẻ?
Những người cao tuổi thường có nhiều khả năng mắc các tình trạng sức khỏe khác ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường và khiến việc kiểm soát bệnh trở nên khó khăn hơn. Các căn bệnh có thể gặp bao gồm huyết áp cao, bệnh tim và bệnh mạch máu ngoại vi .
Hơn thế nữa, những người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường có lượng đường huyết cao trong thời gian dài, sự lão hóa khiến cơ thể yếu và dễ mắc bệnh dẫn đến tổn thương mạch máu và biến chứng nhiều hơn, các biến chứng có thể khó quản lý hơn.
Bên cạnh đó, người cao tuổi thường Ít di chuyển và ít vận động hơn, do đó khó áp dụng các biện pháp lối sống lành mạnh để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Các tình trạng y tế khác ở người già như viêm khớp cũng có thể là lý do ảnh hưởng đến khả năng động thể chất.
Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường cũng có khả năng dễ bị tổn thương thị lực, mắc bệnh thận và có nguy cơ phải cắt cụt chi nhiều hơn so với người trẻ. Người già mắc bệnh tiểu đường loại II có nhiều khả năng phải nhờ giúp đỡ trong các công việc trong cuộc sống, có thể phải nhập viện hoặc thậm chí là tử vong.
8. Các tình trạng sức khỏe ở người già ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào?
Huyết áp cao hoặc mỡ máu cao có thể đẩy nhanh sự tiến triển các biến chứng thông thường của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như các vấn đề về thận, mắt, chân và các vấn đề về tim, mạch máu.
Những người mắc bệnh tiểu đường loại II thường có mức cholesterol HDL (tốt) thấp và mức chất béo trung tính Triglyceride cao. Chất béo trung tính được tạo ra khi tiêu hóa và cơ thể sẽ chuyển đổi bất kỳ năng lượng dư thừa nào thành chất béo trung tính để sử dụng sau này. Khi mức độ chất béo này cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và gan nhiễm mỡ. Chúng cũng có thể gây tắc nghẽn động mạch.
9. Xét nghiệm bệnh tiểu đường
Để chẩn đoán bệnh tiểu đường, các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại xét nghiệm máu bao gồm:
- Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên (RPG) - phương pháp này có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào trong ngày.
- Xét nghiệm A1C là một xét nghiệm máu để đo lượng đường trung bình trong máu trong 2–3 tháng, được đưa ra bất kỳ lúc nào trong ngày.
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói - được thực hiện sau khi bệnh nhân không ăn ít nhất tám giờ.
- Thử nghiệm dung nạp đường uống - được thực hiện sau khi nhịn ăn qua đêm và sau đó lặp lại hai giờ sau khi uống đồ uống có đường.
10. Làm thế nào để kiểm soát bệnh tiểu đường ở người già?
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường loại II có thể kiểm soát lượng đường huyết của họ chỉ bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Những trường hợp khác sẽ cần thuốc tiểu đường hoặc tiêm insulin kết hợp với thuốc để kiểm soát các bệnh lý khác như huyết áp cao và cholesterol cao. Theo thời gian, một người mắc bệnh tiểu đường có thể cần cả thay đổi lối sống và phương pháp sử dụng thuốc.
Người cao tuổi mắc tiểu đường cũng cần theo dõi mức đường huyết thường xuyên. Mức đường huyết rất cao (được gọi là tăng đường huyết) hoặc mức đường huyết rất thấp (được gọi là hạ đường huyết) có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân. Các bác sĩ sẽ đưa ra tần suất bệnh nhân nên kiểm tra đường huyết và tần suất làm xét nghiệm A1C. Nếu bệnh nhân đang kiểm soát bệnh tiểu đường mà không dùng insulin, họ có thể không cần kiểm tra lượng đường thường xuyên.
Lựa chọn thực phẩm lành mạnh cũng là một điều đáng lưu ý đối với bệnh nhân cao tuổi mắc tiểu đường. Thực phẩm được đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến lượng đường, do đó cần phải tìm hiểu loại thực phẩm nên ăn, ăn bao nhiêu và khi nào nên dừng lại. Nếu bị thừa cân, hãy đưa ra kế hoạch giảm cân để kiểm soát tình trạng bệnh dễ dàng hơn.
Đi bộ và các hình thức tập thể dục hàng ngày khác có thể giúp cải thiện mức đường huyết ở những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân cũng nên dùng thuốc đúng theo chỉ định ngay cả khi đã cảm thấy tốt hơn. Hãy thông báo ngay đến bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào hoặc gặp khó khăn khi dùng thuốc hoặc theo dõi lịch dùng thuốc.
Một số biện pháp khác giúp kiểm soát tốt tình trạng tiểu đường ở người già có thể kể đến như:
- Quản lý huyết áp, kiểm tra huyết áp thường xuyên.
- Quản lý mức độ cholesterol. Ít nhất mỗi năm một lần cần đi xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol và chất béo trung tính để chẩn đoán sớm các nguy cơ mắc bệnh về tim.
- Bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm đau tim và đột quỵ.
- Khám mắt hàng năm nhằm phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về mắt.
- Kiểm tra thận định kỳ, xét nghiệm nước tiểu và máu để chẩn đoán các bệnh về thận do bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến thận.
- Tiêm phòng cúm hàng năm và chủng ngừa viêm phổi.
- Chăm sóc răng và nướu để tránh các vấn đề nghiêm trọng.
- Giữ da sạch sẽ và sử dụng các chất làm mềm da để tránh tình trạng khô da. Chăm sóc các vết thương nhỏ và vết bầm tím để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Theo dõi và quan sát bàn chân mỗi ngày xem có mảng đỏ nào không. Nhờ người khác kiểm tra bàn chân nếu bạn không thể tự làm. Nếu nhận thấy các vết lở loét, phồng rộp, vỡ da, nhiễm trùng hoặc tích tụ vết chai, hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
- Thực hiện các tầm soát ung thư dựa trên tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh nhân.
11. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân cao tuổi mắc tiểu đường
Nguyên tắc cơ bản cần ghi nhớ trong chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường là hạn chế gluxit (chất bột đường) để tránh tăng đường huyết. Song song với đó là hạn chế vừa phải chất béo, nhất là các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hoá.
Tuy nhiên, người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường hoàn toàn không phải kiêng tuyệt đối một loại thực phẩm nào bởi có thể dẫn tới thiếu chất nếu kéo dài và làm giảm chất lượng cuộc sống. Bữa ăn khoa học của các bệnh nhân này cũng nên đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như glucid, protein, lipid, chất xơ,...
- Nhóm thức ăn người bệnh nên dùng bao gồm các loại bánh mì không pha phụ gia, gạo, mì sợi với số lượng vừa phải. Có thể sử dụng sữa tách béo, lòng trắng trứng gà, các loại thịt nạc, thịt gà bỏ da, các loại cá ít béo, các loại rau xanh có lượng đường thấp.
- Cần hạn chế các nhóm thức ăn như bánh mì trắng, ngọt, các loại cá béo, thịt dê, cừu, rau quả đóng hộp, các loại quả chín, cà phê, chè, các chất ngọt nhân tạo, muối khoáng có đường. Bệnh nhân cũng nên tránh hoặc ăn rất ít đường, các loại mật, bánh ngọt, kẹo, mứt, các loại nước ngọt, nước quả có đường... Sữa béo, thịt nhiều mỡ, thức ăn chế biến sẵn và các loại đồ uống như rượu, bia, nước ngọt.
(theo baomai)