Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Thoái hóa cột sống

thoái hóa cột sống

Bệnh thoái hóa cột sống đang có xu hướng trẻ hóa và gây ra nhiều biến chứng khó lường như đau nhức, tê bì các chi, rối loạn tiền đình, thoát vị đĩa đệm, teo cơ, liệt tứ chi, thậm chí tàn phế,... Vì vậy, cần phát hiện, điều trị bệnh sớm để ngăn chặn, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh

.

1. Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống là tình trạng xương cột sống bị thoái hóa, gây ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của cột sống. Bệnh gây ra bởi tình trạng tổn thương ở sụn, xương dưới sụn, dịch khớp,...

Thoái hóa cột sống hay gặp ở người cao tuổi, tài xế, nhân viên văn phòng, tiểu thương, công nhân bốc vác,... Bệnh tuy không đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân nhưng nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng cách thì có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm, thậm chí là tàn phế.

Biểu hiện của thoái hóa cột sống gồm: Đau nhiều hoặc cứng cơ lưng, cổ, vai gáy,... vào lúc sáng sớm; sốt, mệt mỏi, khó thở, co thắt dạ dày,...; cơn đau ở vùng cổ, vai, gáy, thắt lưng, lan dần xuống các chi,... kéo dài trên 1 tháng; ngày càng bị đau nhiều ở khu vực cột sống bị thoái hóa, cơn đau tăng khi vận động mạnh, làm việc quá sức, ho, hắt hơi,... Trong một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất cảm giác nửa người, tê liệt các chi, mất khả năng lao động,...

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống chủ yếu là:

    Tuổi tác: Tuổi càng cao càng nhanh bị thoái hóa cột sống do tác động của môi trường sống, các bệnh trên cơ thể,...;

    Đặc thù công việc: Người thường xuyên mang vác vật nặng, làm việc quá sức,... có nguy cơ cao gặp tình trạng thoái hóa cột sống;

    Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể lớn sẽ tạo áp lực lên sụn khớp và đĩa đệm, theo thời gian sẽ gây tổn thương sụn khớp, xương dưới sụn, đĩa đệm,... gây thoái hóa cột sống;

    Thiếu chất: Người bị thiếu hụt canxi, glucosamine, collagen tuýp II, Proteoglycan,... nằm trong nhóm nguy cơ cao bị thoái hóa cột sống.

Một số biến chứng có thể gặp phải ở bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng:


     Gây biến dạng cột sống: Người bị thoái hóa cột sống lâu ngày sẽ bị đau dữ dội khi thay đổi thời tiết, dẫn tới không thể làm việc hoặc vận động được, giữ một tư thế xấu quá lâu, khiến cột sống thắt lưng bị gù hoặc cong vẹo,... Biến chứng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, lao động bình thường của bệnh nhân;

    Chèn ép các dây thần kinh: Tình trạng thoái hóa cột sống thắt lưng gây chèn ép các dây thần kinh, dẫn tới các cơn đau lan xuống vùng mông, tứ chi,... Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây đau nhức, co cơ, gây khó khăn khi vận động, tê liệt, lâu ngày có thể gây bại liệt;

    Đau ngực: Bệnh nhân bị đau bầu ngực, đau dai dẳng một bên cơ ngực. Nguyên nhân do gốc thần kinh của cột sống cổ số 6 - 7 chịu sức ép của các gai xương;

    Trở ngại thị lực: Bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng có thể gặp tình trạng suy giảm thị lực, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, mắt sưng đau, tầm nhìn bị thu nhỏ lại, thậm chí bị mù;

    Tổn thương đĩa đệm và cột sống: Gây bệnh thoát vị đĩa đệm và gai cột sống;

    Chèn ép tủy thắt lưng cùng: Bệnh tiến triển đến giai đoạn mãn tính có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tàn phế, bại chân.

Biến chứng thoái hoá cột sống cổ


 

Thoái hóa cột sống cổ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

    Mất ngủ: Bệnh nhân bị đau nhiều cả khi nghỉ ngơi, dẫn tới mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, thậm chí gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ;

    Thoát vị đĩa đệm: Khi các dây thần kinh chèn ép tới rễ thần kinh sẽ gây tê liệt ở 1 hoặc 2 bên cánh tay. Dần dần, những phần bị thoái hóa có thể tiến triển thành thoát vị đĩa đệm, mất khả năng kiểm soát vận động, thậm chí bị teo cơ, bại liệt,... nếu không có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời;

    Gây hội chứng tăng - giảm huyết áp: Bệnh có thể khiến huyết áp giảm xuống hoặc tăng cao, thường là tăng huyết áp;

    Rối loạn tiền đình: Người bị thoái hóa cột sống cổ thường bị hạn chế lượng máu và oxy lưu thông tới não, dễ dẫn tới tình trạng rối loạn tiền đình;

    Thiếu máu não: Quá trình thoái hóa cột sống cổ có thể chèn ép động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu tới các tế bào thần kinh - thiếu máu não. Tình trạng này gây ra một số triệu chứng như khó phát âm, yếu liệt tay chân, tê nửa người, chóng mặt, hoa mắt, suy giảm trí nhớ, méo miệng thậm chí dẫn tới ngất xỉu, đột quỵ hoặc xuất huyết não,...;

    Gai cột sống cổ: Thoái hóa cột sống cổ làm bề mặt sụn ở cột sống mỏng dần, xương dưới sụn bị biến đổi hình dạng, dễ hình thành và phát triển các gai xương. Khi bệnh nhân cử động, các gai xương sẽ cọ xát vào cơ, gân, dây chằng hoặc chèn ép các dây thần kinh gây đau nhức;

    Hội chứng cổ - tim: Đốt sống cổ bị thoái hóa, lệch khỏi vị trí ban đầu khiến cấu trúc cột sống cổ bị thay đổi, chèn ép dây thần kinh chi phối tim, gây đau tim, rối loạn nhịp tim;

    Bại liệt nửa người: Khi hệ thống dây thần kinh bị chèn ép quá lâu thì áp lực của cột sống sẽ làm ứ trệ khí huyết, các dây thần kinh dần mất đi chức năng vận động, lan từ các chi tới nửa người, dẫn tới bại liệt.

Phòng tránh thoái  hóa cột sống

1. Các thói quen tốt nên có:

- Lao động với cường độ và thời gian hợp lý. Đối với những công việc yêu cầu ngồi hoặc đứng một chỗ, tránh để cột sống ở tư thế không đổi quá lâu, cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hoặc tập các động tác di chuyển nhẹ tại chỗ.

- Tư thế ngồi học, ngồi làm việc và nâng vác vật nặng đúng.


Khi ngồi nên thả lỏng vai, cổ thẳng trục với cột sống, thẳng lưng (tốt nhất dùng ghế có thành tựa với những người phải ngồi làm việc lâu).

- Không nằm, ngồi một chỗ xem ti vi, đọc báo quá lâu, đặc biệt là ngồi hoặc nằm sai tư thế.

- Gối nằm ngủ có độ dày thích hợp. Không ưỡn cổ quá mức hay kê gối cứng (như kê đầu lên thành giường). Khi ngủ, nên nằm ngửa, thẳng người để cột sống được nghỉ ngơi, ít chịu lực đè nén.

- Tránh các chấn thương vào đầu và cột sống

- Xoa bóp thường xuyên vùng cổ, gáy, vùng lưng sau ngày làm việc vất vả sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, cơ thể thoải mái dễ chịu và ngủ tốt hơn.

2. Dinh dưỡng hợp lý:

- Chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là canxi đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh thoái hóa cột sống và các bệnh về xương.

- Nên cung cấp đủ nhu cầu canxi cho cơ thể với các nguồn thực phẩm giàu canxi như sữa, các sản phẩm từ sữa (bơ, phomat), trứng, cá, tôm, cua, các loại hải sản. Các loại rau củ quả chứa canxi như cải, tỏi tây, chuối, các loại đậu (đặc biệt là đậu nành), ngũ cốc,… rất tốt cho xương nên được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.

- Nếu chế độ ăn uống không bảo đảm đủ canxi, đặc biệt là phụ nữ mang thai thì nên sử dụng các viên thuốc hoặc các thực phẩm chức năng bổ sung canxi cho cơ thể.

3. Vận động thể lực đều đặn:

- Thường xuyên vận động sẽ tăng hấp thu canxi, giúp cho xương chắc khỏe và một sức khỏe tốt.

- Tập thể dục khoảng 30 – 50 phút mỗi ngày, với cường độ thích hợp rất tốt cho sức khỏe, giúp phòng ngừa loãng xương và bệnh thoái hóa cột sống. Ngoài ra, tập thể dục ngoài trời như ở công viên, vườn xanh giúp tận hưởng không khí tươi mát và tạo điều kiện cho da được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giúp tăng tổng hợp vitamin D – là vitamin có lợi cho quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi trong cơ thể (ở trẻ em, thiếu vitamin D là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng còi xương).

- Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, dưỡng sinh,… cũng rất tốt cho phòng tránh thoái hóa cột sống, không gây chấn thương, đặc biệt ở những người lớn tuổi.

(sưu tầm)