Xe lăn đạp chân được dùng không chỉ hỗ trợ di chuyển cho người bệnh mà còn được sử dụng trong phục hồi chức năng. Đây là một phương tiện hữu ích và mang lại hiệu quả cao, giúp người bệnh di chuyển an toàn và độc lập trong sinh hoạt hàng ngày cũng như hòa nhập dễ dàng hơn với cộng đồng.
1. Xe lăn đạp chân là gì?
Xe lăn đạp chân là kiểu xe lăn có ba bánh, cấu tạo bao gồm 2 bánh trước và 1 bánh sau. Bánh trước là bánh có chức năng truyền chuyển động (lực từ bàn đạp truyền động cho bánh trước bên phải, không tác động lên bánh trước phía bên trái), bánh sau có tác dụng là bánh lái.
Xe lăn đạp chân sẽ tiến lên phía trước nếu người sử dụng đạp bàn đạp về phía trước và sẽ lùi về phía sau nếu đạp bàn đạp về phía sau. Sử dụng xe lăn sẽ giúp người khiếm khuyết di chuyển 1 cách thoải mái mà không cần tới sự trợ giúp của người khác bên cạnh.
Xe lăn đạp chân cũng có ý nghĩa rất lớn trong hỗ trợ phục hồi chức năng hiệu quả cho những bệnh nhân khiếm khuyết vận động chi dưới như bị liệt nửa người, di cứng của tai biến mạch máu não, tai nạn như chấn thương cột sống, viêm đa dây thần kinh, ...
Có nhiều bệnh nhân bị liệt hai chi dưới không hoàn toàn, khó có thể vận động, đi lại như trước, tuy nhiên sau khi sử dụng xe lăn đạp chân để tập luyện từ 3 tới 6 tháng, người bệnh đã có thể tự đứng lên đi lại. Vì vậy đây là một dụng cụ phục hồi chức năng vận động giúp hỗ trợ cho người bệnh khả năng di chuyển độc lập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
2. Chỉ định phục hồi chức năng bằng xe lăn đạp chân khi nào?
2.1 Phục hồi chức năng bằng xe lăn đạp chân sử dụng khi:
Liệt 2 chi dưới không hoàn toàn.
Bị liệt nửa người.
Bại não.
Bị bệnh Parkinson.
Bệnh lý đám rối, rễ, dây thần kinh.
Bệnh khớp (giai đoạn cấp hoặc mạn): viêm khớp, bệnh Gout,...
Chấn thương: giai đoạn không có khả năng chịu tì đè trọng lượng như sau gãy xương, sau đứt gân, cơ, dây chằng,...
Các bệnh lý mạn tính khiến hạn chế khả năng đi lại: Mắc bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người già, ...
2.2 Không áp dụng trong các trường hợp
Bệnh nhân bị rối loạn nhận thức sẽ khiến khó khăn trong điều khiển xe lăn đạp chân.
Bị loét vùng mông, loét vùng cùng cụt do nhiều yếu tố
Bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng
(theo vinmex.com)
Xe lăn đạp chân Cogy Profhand