Benjamin Franklin, vị Cha Lập quốc của Hoa Kỳ, từng nói: “Tiền bạc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ khiến con người hạnh phúc, bởi từ bản chất nó không thể tạo ra hạnh phúc. Người càng sở hữu nhiều tiền thì lại càng ham muốn nhiều tiền hơn”. Doanh nhân Hoa Kỳ nổi tiếng Phineas Taylor Barnum cũng từng nói: “Tiền là một người chủ tồi tệ nhưng lại là kẻ đầy tớ xuất sắc”, và rõ ràng là không ai muốn có một ông chủ tồi tệ chi phối cuộc sống của mình. Bởi vậy, cổ nhân lựa chọn sống bần hàn vui vẻ còn hơn giàu sang phú quý mà nội tâm không thể an tĩnh.
Con người ta nếu có thể kiềm chế được ham muốn, dục vọng của bản thân và biết thế nào là đủ thì dù sở hữu bao nhiêu tiền cũng không ngại, bởi vì lúc đó “người làm chủ tiền”. Ngược lại nếu để cho “tiền làm chủ người” thì thảm họa chắc chắn sẽ nảy sinh. Người chạy theo tiền thì không biết điểm dừng, thậm chí có thể mất đi đạo đức, bất chấp tất cả.
Cổ nhân giảng tiền bạc vật chất kỳ thực là thứ không thuộc về mình, “khi sinh không mang đến, khi tử chẳng đem theo”. Hà cớ gì con người phải tranh đấu, dùng thủ đoạn hoặc bất chấp đạo lý để có được? Người ta dẫu có được thế rồi thì cũng không thể cảm thụ tới hạnh phúc nhân sinh, lại càng khó mà có được cảnh cuộc sống gia đình vui vẻ, vợ chồng yêu thương, con cái hiếu thuận.
Bức “Thu giang ngư ẩn đồ” thời Tống tại Bảo tàng quốc gia Đài Loan. (Họa sĩ: Mã Viễn, Public Domain)
Sách “Liệt nữ truyện” có ghi lại một câu chuyện cổ về vợ của Vu Lăng Tử Chung như vậy. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở nước Sở có một người nổi tiếng nhân nghĩa là Vu Lăng Tử Chung. Vua Sở nghe danh bèn sai sứ giảng mang ngàn vàng đến để mời ông về phụng sự cho triều đình.
Tuy nhiên khi đón sứ giả và nghe chiếu chỉ, Vu Lăng Tử Chung không hề mừng rỡ, lại nói thác với sứ giả rằng: “Ở nhà tôi còn có vợ, để tôi bàn bạc với vợ đã”. Nói rồi Vu Lăng Tử Chung đi vào nhà.
Ông vào nhà xong liền nói với vợ: “Sở Vương muốn phong ta làm Tể tướng, sai sứ giả mang ngàn vàng. Làm Tể tướng thì có nhiều ngựa xe, tùy tùng, của ngon vật lạ. Nàng nói xem có nên đồng ý không?”.
Vợ Vu Lăng Tử Chung là người hiền hậu đức hạnh, vốn đã biết ý chồng, bèn trả lời rằng:
“Hai vợ chồng bện giầy cỏ vẫn đủ sống, làm bạn với đàn và sách vở. Trong đó vốn đã có niềm vui. Ngựa xe tùy tùng nhà cửa dẫu nhiều thì người ta vẫn chỉ ở trong một cái buồng nhỏ. Của ngon vật lạ có đầy thì người ta vẫn chỉ cần một miếng thịt là thấy ngon. Chỉ vì cái buồng và miếng thịt mà lo thay cho nước Sở giữa thời loạn, tính mạng của hai vợ chồng cũng khó bảo toàn.”
Vu Lăng Tử Chung nghe vợ nói rất vừa ý, ra ngoài khước từ sứ giả.
Sứ giả đi về rồi, cả hai vợ chồng cũng nhanh chóng rời bỏ chỗ ở. Sau này Vu Lăng Tử Chung nhận làm thuê chăm sóc vườn tược cho người, cùng vợ sống cuộc đời giản đơn, vui vẻ như thế.
Duyệt qua khắp sử sách thời xưa, không thiếu những người hiền tài lựa chọn cuộc sống thanh bần lạc đạo, dẫu có nghìn vàng trước mắt, dẫu có vua quan cầu kiến cũng không lay động được chí hướng ấy. Họ thỏa mãn với niềm vui bình dị, tự mình làm ra lương thực để ăn, hàng ngày có thể đọc sách, đánh đàn, sống gần gũi với đất trời… Họ vui với những thú vui tao nhã, thuận theo tự nhiên, không truy cầu ham muốn vật chất.
Ngẫm ra, niềm vui ấy tưởng chừng giản đơn, nhưng trong thời hiện đại kỳ thực lại rất đỗi “xa xỉ”. Bởi vì trong xã hội truy cầu vật chất này, tâm con người ta khó có thể an tĩnh lại. Tâm bất an thì ăn sẽ không cảm thấy ngon, ngủ sẽ không cảm thấy yên, dần dần sẽ sinh nhiều bệnh tật. Sống như vậy có phải quá ư vất vả, mệt nhọc hay không? Đời người hiếm khi quá được trăm năm, có người chỉ được vài chục. Nếu giành thời gian ấy để theo đuổi và truy cầu vật chất thì cái được không bằng cái mất.
Cổ nhân dạy rằng người vì danh lợi mà mất đi lý trí, gây tổn hại cho người khác thì chính là “thất đức”. Phúc đức cứ tiêu hao rồi thì tai họa sẽ nảy sinh. Nhà Phật còn dạy rằng làm việc ác sẽ tạo ra “ác nghiệp”, phải hoàn trả trong “ác báo”, hơn nữa không chỉ cá nhân hoàn trả mà con cháu cũng phải hoàn trả. Đó chính là: tặng hoa cho người, lưu lại dư hương, tặng gai cho người, tay mình chảy máu.
Hạnh Nhi / Trithuc VN/anle20