Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

7 dấu hiệu cảnh báo bạn có thể có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim (cơn đau tim)


 Một chàng trai đang đi trên đường, cảm thấy hoàn toàn bình thường — thì anh ta đột nhiên ôm ngực và gục ngã.

Đó là cách những cơn đau tim ở nam giới thường được miêu tả trong phim, nhưng không phải lúc nào nó cũng xẩy ra như vậy trong đời thực.

Mặc dù các cơn đau tim có thể xảy ra mà không có bất kỳ cảnh báo nào, nhưng trường hợp đó ít phổ biến hơn là như bạn nghĩ. Các cơn đau tim thông thường đi kèm với các dấu hiệu cảnh báo.

James Park, M.D., FACC, giám đốc Chương trình Tim mạch tại Texas Health Dallas, cho biết: “Hầu hết bệnh nhân đều có các triệu chứng trước khi cơn đau tim (heart attack) xẩy ra. Chỉ là đôi khi, đàn ông sẽ bỏ qua các triệu chứng hoặc cho đó là dấu hiệu của một số bệnh lý khác."

Hãy nghĩ về điều đó: Nếu bạn cảm thấy tức ngực quá mức, rất có thể bạn sẽ đi kiểm tra. Nhưng có thể bạn sẽ dễ dàng bỏ qua các triệu chứng tinh vi hơn của một vấn đề về tim.

Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng mình khá khỏe mạnh, nhưng các vấn đề về tim mạch lại phổ biến hơn bạn nghĩ. Theo thống kê mới của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, khoảng 50% người Mỹ mắc một số dạng bệnh tim mạch nào đó. Tổ chức này cảnh báo là các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong nhất trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, số ca tử vong liên quan đến bệnh tim đã tăng lên tới 840.678 vào năm 2016 từ con số 836.546 vào năm 2015. Sự tăng vọt này được cho là do các hướng dẫn cập nhật về huyết áp cao đã hạ thấp mức  đọc huyết áp xuống 130/80 mm Hg, so với mức đo cũ là 140 / 90 mm Hg. Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ lớn của bệnh tim mạch và các cơn đau tim.

Đây là lý do tại sao điều quan trọng là bạn phải tìm hiểu các dấu hiệu bất thường của cơn đau tim một cách nghiêm túc để có thể biết được trước khi nó xảy ra.

Dưới đây là bảy dấu hiệu bất ngờ cần theo dõi, kèm theo những việc bạn nên làm nếu có.

1. Bạn bị kiệt sức về thể chất

Bác sĩ Robert Segal, người sáng lập ra Manhattan Cardiology, cho biết nếu bạn cảm thấy khó khăn bất thường trong   việc thực hiện các công việc theo thói quen  hay các buổi tập thể dục hàng ngày --hoặc bạn quá mệt mỏi để làm các công việc bình thường của mình, thì đã đến lúc bạn cần  đi gặp bác sĩ.

Theo bác sĩ Segal thì cảm thấy quá mệt mỏi có thể báo hiệu sự suy yếu của tâm thất trái ( left ventricle)của tim, tức là cơ chính chịu trách nhiệm bơm máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Nếu cơ này ngừng hoạt động, tim sẽ không thể bơm đúng cách và có thể dẫn đến cơn đau tim.


Và nếu tâm thất trái không bơm máu mạnh như bình thường, tim của bạn có thể không thể chuyển đủ máu ra khắp cơ thể hoặc nạp đầy máu tươi vào giữa các nhịp tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, để bù đắp, cơ thể sẽ phải chuyển máu ra khỏi cơ bắp và đưa nó đến các cơ quan quan trọng hơn như tim và não. Điều này sẽ khiến bạn kiệt sức — ngay cả sau một đêm ngủ trọn vẹn, vì các mô trong cơ thể không nhận đủ máu oxy-hóa tươi (fresh oxygenated blood)

2. Sự cương cứng của bạn bị chững lại


Cương cứng (erection) xảy ra khi nhiều máu chảy vào dương vật làm cho nó trở nên chắc và cứng . Nhưng nếu các mạch dẫn máu tới dương vật bị tổn thương, lưu lượng máu sẽ yếu đi và bạn sẽ mất bớt khả năng cương cứng hoặc duy trì sự cương cứng khi bị kích thích. Đó là nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn cương dương (erectile dysfunction).

Như bác sĩ Segal giải thích, nếu các mạch máu ở dương vật  bị tổn thương thì rất có nhiều khả năng các mạch máu gần tim cũng có thể bị tổn thương.

Nguyên nhân chính gây ra tổn thương mạch máu nói trên là sự tích tụ mảng bám (plaque build-up). Khi điều này xảy ra trong các mạch dẫn máu tới tim thì bạn có thể có nguy cơ bị lên cơn đau tim.

Nếu bị trục trặc cường dương chỉ một đôi lần thì cũng không có gì đáng lo vỉ có thể vỉ bạn đang bị mệt mỏi hoặc căng thẳng. Nhưng nếu vấn đề tiếp diễn sau nhiều lần thì đó có thể là dấu hiệu của một điều gì đó nghiêm trọng hơn.

3- Chân hoặc hông của bạn bị chuột rút khi bạn đi bộ

Cảm giác chuột rút hoặc nóng rát ở bắp chân từ từ lan chuyển lên đùi và hông có thể là một tin xấu. Đó là dấu hiệu phổ biến của bệnh động mạch ngoại vi (peripheral artery disease-PAD) — làm cho các động mạch thu hẹp lại và hạn chế lưu lượng máu đến các chi, dạ dày và đầu.

Cảm giác khó chịu nói trên là do không có đủ máu chảy qua chân. Bác sĩ Park cho biết: “Hầu hết các bệnh nhân sẽ chấp nhận không thể đi được quãng đường bình thường mà không có triệu chứng, hoặc phải dừng lại nghỉ ngơi trước khi họ có thể đi tiếp mà không có triệu chứng”.

Cảm giác khó chịu nói trên có nghĩa là tim của bạn cũng có nguy cơ mắc các vấn đề tiềm ẩn. Bệnh động mạch ngoại vi  (PAD) tương tự như bệnh động mạch vành, (coronary artery disease) gây ra do sự tích tụ của các mảng trên thànhcác mạch máu chính của tim. Vì vậy, theo Mayo Clinic, sự tích tụ mảng bám góp phần làm hẹp động mạch ở tay chân cũng có thể xảy ra cho động mạch tim. Và sự tích tụ đó có thể làm tăng đáng kể nguy cơ xẩy ra cơn  đau tim, 


4- Bạn ngủ ngáy như cưa máy

Ngáy như cưa máy, thức dậy thở hổn hển hoặc cảm thấy mệt mỏi mặc dù đã ngủ vào giờ hợp lý đều có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị bệnh ngưng thở khi ngủ (sleep apnea), một chứng rối loạn giấc ngủ gây ngừng thở trong khi ngủ. Nếu không được điều trị, căn bệnh này có thể làm tăng khả năng bị lên  cơn đau tim


Bác sĩ Segal cho biết những khoảng ngừng thở đó có thể khiến cơ thể bạn căng thẳng nghiêm trọng, làm tăng huyết áp, khiến tim bạn đập bất thường và tăng nguy cơ lên cơn đau tim. Và tất cả những điều đó có thể làm cho cơn đau tim dễ dàng xẩy ra.

5. Bạn cảm thấy đau bụng

Đôi khi buồn nôn, khó tiêu hoặc cảm giác “ợ hơi” không biến mất chỉ là dấu hiệu của bệnh dạ dày. Nhưng nó cũng có thể báo hiệu trái tim của bạn có vấn đề.

Bác sĩ Park nói: “Hệ thống thần kinh đôi khi nhầm lẫn các tín hiệu đến từ các bộ phận khác nhau của cơ thể. Các dây thần kinh trong đường tiêu hóa của bạn liên kết chặt chẽ với các dây thần kinh từ tim. Do đó, một vấn đề tiềm ẩn trong tim đôi khi có thể được hiểu là khó chịu ở dạ dày.

Tuy nhiên, có một cách để phân biệt một khó chịu ở dâ dày với một vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Thật vậy thông thường ra cảm giác buồn nôn báo hiệu cơn đau tim sắp xảy ra trở nên tồi tệ hơn khi bạn gắng sức và giảm bớt khi bạn nghỉ ngơi.

6: Bạn cảm thấy lo lắng lạ thường

Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ thường hay lo lắng có nhiều khả năng hơn bị giảm lưu lượng máu đến tim so với những người không hay lo lắng. Và mặc dù điều tương tự như vây chưa được hiển thị cho nam giới, nhưng điều quan trọng là các đàn ông vẫn phải để ý tới mối quan hệ giữa sự lo lắng và nguy cơ lên cơn đau tim.


Lý do là vì nhiều triệu chứng lo lắng — như đau ngực, khó thở và tim đập nhanh — cũng là dấu hiệu của cơn đau tim, đặc biệt khi mà bạn đang không phải đối mặt với một tình huống căng thẳng mà thông thường có thể gây ra những loại triệu chứng này .

Bác sĩ Segal giải thích: “Điều này có thể che giấu các vấn đề về tim ở nhiều bệnh nhân và dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong chẩn đoán và điều trị. Nói cách khác, có thể bạn sẽ không gọi cấp cứu 911 nếu bạn cho rằng  tim của bạn đang loạn nhịp chỉ là vì tâm trạngcủa bạn

Lo lắng cũng có thể gây thêm áp lực lên tim của bạn. Đó là bởi vì cảm giác căng thẳng khiến các mạch máu của bạn co lại và tăng tốc độ nhịp tim, cả hai đều có thể gây ra một cơn đau tim.

6: Bạn bị đầy hơi

Đầy hơi là phổ biến - đặc biệt là sau khi ăn một bữa ăn quá mặn - nhưng nó cũng có thể do suy tim xung huyết ( congestive heart failure)gây ra. Điều này là do tim quá yếu để có thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách thích hợp, khiến chất lỏng tích tụ trên toàn cơ thể.


 

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bạn sẽ nhận thấy bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc bụng xưng phù. Thậm chí bạn có thể tăng cân bất ngờ hoặc nhận thấy rằng đôi giày của bạn quá chật. Nếu bạn đột nhiên bị đầy hơi (và kéo dải không dứt) thì, có thể đã đến lúc bạn cần đi gặp bác sĩ.

7. Phải làm gì nếu bạn gặp các triệu chứng báo hiệu nhồi máu cơ tim (cơn đau tim)

Không giống như những cơn đau thắt cổ điển nơi ngực  (traditional crushing chest pain), các triệu chứng nói trên đây không báo hiệu rằng tim của bạn đang gặp nguy hiểm ngay lập tức. Nhưng chúng có thể chỉ ra rằng rắc rối có thể đang tiếp diễn cho tim của bạn, vì vậy bạn hãy lấy hẹn gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Park nói: “Nếu bạn đủ may mắn để có các triệu chứng báo trước cơn đau tim , bạn hãy lắng nghe cơ thể của bạn và đi gặp bác sĩ ngay để đươc kiểm tra."


Nếu bác sĩ của bạn nghi ngờ rằng một cơn đau tim có thể sẽ xảy ra, bác sĩ sẽ cho chạy điện tâm đồ (EKG), để đo hoạt động điện của tim và  biết tim của bạn có bị tổn thương hay không. Bác sĩ  cũng có thể yêu cầu chụp tia X mạch vành (coronary angiogram) để dò tim xem các động mạch có bị tắc nghẽn hay không


Và nếu bạn có bất kỳ triệu chứng cổ điển nào báo hiệu cơn đau tim đang xẩy ra cho bạn thì bạn hãy gọi cấp cứu 911 càng sớm càng tốt. Các triêu chứng này bao gồm tức ngực hoặc đau thắt ngực, khó thở, choáng váng, đổ mồ hôi lạnh hoặc khó chịu ở cánh tay, cổ hoặc hàm.

Tất nhiên, cách tốt nhất để ngăn ngừa cơn đau tim là cải thiện sức khỏe tổng thể bằng cách hạ giảm cao huyết áp, duy trì một trọng lượng cơ thể bình thường và tránh hút thuốc.

Theo “7 Warning Signs That You May Be at Risk of a Heart Attack-Marygrace Taylor & Melissa Matthews - 05/27/2019” NBNtintuccaonien