“Bữa nọ rảnh rỗi chị giúp việc mon men hỏi chuyện. Chị bảo ngẫm thấy già, trẻ sao đến một lúc lại giống hệt nhau! Hơn nửa đời người chị mới hiểu, mới thấy thương cha, thương mẹ. Hồi còn độc thân mỗi lần nghe cha mẹ rầy: ‘Chừng nào có con đi rồi mới biết thương cha, thương mẹ’ là chị ngúng nguẩy bỏ đi”… 

Sinh đứa con đầu lòng đúng một tuần lễ chị được xuất viện. Cháu nội về nhà được tám tuần thì ông nội lại vào viện. Thằng bé con được ba tháng tuổi thì ông nội được về nhà. Ba tuần nằm viện bố chồng sụt mất 3kg.
Vậy là nhà có hai thế hệ cần phải chăm sóc: người già và trẻ em. Cả hai đều quan trọng như nhau. Anh bảo nhà cửa bề bộn quá chắc phải tìm một người giúp việc.
Ảnh minh họa: NHS.
Ngay hôm sau anh đưa về nhà một người giúp việc. Chị nhẹ nhàng chia việc: “Chị giúp giùm việc quét dọn nhà cửa, chén bát, quần áo. Còn lại để tôi lo”. Chị giúp việc ngạc nhiên vì nhà có trẻ sơ sinh, người già đau bệnh. Cứ nghĩ phần nặng nhọc nhất sẽ thuộc về mình. Ai dè…
Thằng bé con chưa đến tuổi ăn dặm. Bố chồng nhạt miệng nên làm biếng ăn, thức gì không phải nhai, dễ uống, dễ húp thì chịu. Vậy là cái bàn nước được chia làm hai nhóm. Bên phải là sữa và thức uống người già. Bên trái là sữa và thức uống trẻ em. Cái bình thủy đặt ngay chính giữa.Mỗi ngày mấy bận chị cứ xoay vòng khi bên tả, khi bên hữu. Có khi chị làm cùng một lượt. Sinh tố đu đủ, cam, bơ… phần người già ly lớn, phần trẻ em cốc nhỏ. Nhiều lần chị giúp việc thấy chị quay túi bụi liền tới giúp, lần nào chị cũng gạt ra.
Thằng bé đến tuổi ăn dặm. Chế độ dinh dưỡng già, trẻ em chị thay đổi cùng một lượt. Giảm sữa trẻ em, giảm luôn sữa người già. Nồi cháo nấu xong chị múc ra hai bát. Bát mang lên “dỗ” người già trước, xong bát kia quay qua dỗ trẻ em.
Ảnh minh họa: Shutterstock.
Nhiều hôm ăn không tiêu, vừa ăn vào được một lúc ông cụ đã nôn thốc hết ra ngoài. Chị cặm cụi lau dọn. Vừa xong quay thằng bé cũng ọc hết thức ăn ra, làm nhầy nhụa cả áo quần. Chị lại lui cui lau dọn. Vừa làm chị vừa ứa nước mắt!
Tám tháng. Thằng bé tập đứng. Buổi sáng ra khỏi nhà, anh bảo hôm nay sẽ mua về cái xe tập đi. Chị liền với theo bảo anh ghé cửa hàng dụng cụ y tế mua luôn một chiếc cho bố. Dạo này ông cụ đi đứng thấy yếu ớt quá. Vậy là những thứ không cần thiết, gây choán chỗ trong nhà được dọn cho gọn lại để dành hành lang thông thoáng cho người già, trẻ em.
Có bữa chị ngồi nhìn thằng bé con nhún nhảy trong chiếc xe tập đi, trườn hết nơi này sang nơi khác. Rồi chị nhìn sang bố chồng cũng đang từng bước chậm chạp ngoài hành lang với chiếc khung inox có gắn bánh xe. Hai dòng nước mắt chị lăn dài!
Bữa nọ rảnh rỗi chị giúp việc mon men hỏi chuyện. Chị bảo ngẫm thấy già, trẻ sao đến một lúc lại giống hệt nhau! Hơn nửa đời người chị mới hiểu, mới thấy thương cha, thương mẹ. Hồi còn độc thân mỗi lần nghe cha mẹ rầy: “Chừng nào có con đi rồi mới biết thương cha, thương mẹ” là chị ngúng nguẩy bỏ đi.
Hồi đó chị nghe vậy thôi, chứ chị có thèm nghĩ ngợi gì. Giờ có con, hiểu ra thì cha mẹ đã không còn. Hối hận thì đã muộn. Bởi vậy cha mẹ chồng chị thương như cha mẹ mình.
Chị giúp việc vỗ tay cái “bép”:
“Chị nói giờ tui mới hiểu ra. Hèn chi có nhiều bữa tui thấy chị vừa chăm con… vừa khóc…!”.
dkn.tv