Nhói buốt, đau âm ỉ khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi ở những vị trí: cổ, gáy, thắt lưng là những biểu hiện thường gặp ở người bị thoái hóa cột sống. Tuy đây là tình trạng mà chúng ta rồi sẽ gặp phải nhưng chúng ta vẫn có thể làm chậm tiến trình thoái hóa cột sống bằng 4 cách sau.
Thoái hóa cột sống là tình trạng xương khớp bị lão hóa tự nhiên theo thời gian. Tốc độ lão hóa phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng, thói quen sinh hoạt… và có thể gây nên nhiều hệ lụy như: Thoát vị đĩa đệm, đau nhiều vị trí, gai cột sống cùng nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể. Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra cách trẻ hóa cột sống, vì vậy, việc chủ động làm chậm tiến trình thoái hóa cột sống là điều vô cùng cần thiết.
Không chỉ người già mà ngay đến người trẻ cũng có khả năng bị thoái hóa cột sống nếu có lối sinh hoạt không đúng
1. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe
Trung bình từ 35 tuổi trở đi, xương khớp của chúng ta bắt đầu tăng nhanh tốc độ lão hóa. Điều này có nghĩa bạn cần đến bệnh viện kiểm tra tình trạng sức khỏe thường xuyên hơn để bác sĩ có thể giúp bạn kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường cũng như hướng dẫn bạn cách sinh hoạt, ăn uống, tập luyện đúng cách để giữ cột sống khỏe mạnh.
2. Bổ sung các chất dinh dưỡng
Một chế độ ăn uống thích hợp, tăng cường chất xơ và hạn chế chất béo sẽ giúp bạn duy trì vóc dáng ở mức hoàn hảo, tránh để cột sống phải chịu áp lực lớn do trọng lượng cơ thể gây ra.
Ngoài ra, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm:
- Các loại thịt, đặc biệt nước hầm xương luôn chứa nhiều glucosamin và chondroitin có tác dụng bổ sung canxi cho cơ thể.
- Đậu nành chứa hoạt chất Genistein, được xem như là hormone estrogen thực vật góp phần làm xương chắc khỏe, phòng ngừa loãng xương.
- Trái cây: ổi, đu đủ, dứa, cam, chanh, bưởi... là nguồn cung ứng men kháng viêm và vitamin C dồi dào.
- Rau xanh và các loại củ màu đỏ: Điển hình như súp lơ xanh chứa nhiều vitamin K và C giúp xương khớp chắc khỏe. Cà rốt giàu vitamin A và E giúp bảo vệ bao khớp và đầu xương. Cà chua có tác dụng chống viêm khớp và giảm đau.
Chế độ ăn đầy dinh dưỡng sẽ giúp cột sống của bạn khỏe mạnh
3. Thay đổi tư thế thường xuyên
Thay đổi tư thế thường xuyên là điều vô cùng quan trọng để xương khớp được khỏe mạnh. Ngồi hay đứng quá lâu tại một vị trí khiến tuần hoàn máu đến các cơ quan bị giảm, dây chằng ở các bộ phận như: bàn tay, cổ tay, cánh tay... phải chịu sức ép lớn do phải làm việc liên tục.
Ngồi lâu trên hai tiếng cũng làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống khiến chúng ta vô thức gù lưng ra trước, dẫn đến căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau cột sống, tổn thương các đốt sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống.
Vì vậy, cứ cách 1 tiếng, bạn nên thay đổi tư thế và thực hiện vài động tác vận động các khớp nhẹ nhàng.
Đặc biệt với những nhân viên văn phòng phải ngồi nhiều, bạn nên dành khoảng 5-10 phút khi giải lao để thực hiện vài động tác đơn giản như xoay cổ, xoay eo, vươn vai...
Ngoài ra, ghế làm việc phải có độ cao thích hợp so với bàn làm việc và máy tính. Nên sử dụng máy tính có màn hình lớn, tối thiểu 17 inch giúp các cơ cổ không bị căng, mỏi. Ngồi cách màn hình vi tính 50 – 66 cm và đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 10 - 20 độ. Khi ngồi gần nên chỉnh ghế sao cho 2 cẳng tay song song với nền nhà. Luôn giữ thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng.
Ngay cả khi ngủ bạn cũng cần cố gắng tránh nằm lâu một tư thế bởi sẽ rất dễ bị vẹo cổ. Nên nằm gối có độ dày vừa phải sao cho cơ thể khi nằm sẽ được thẳng, cổ không bị ưỡn hoặc cúi gập.
4. Tập thể dục đều đặn
Vận động thường xuyên và vừa sức sẽ giúp các cơ xương khớp dẻo dai, linh hoạt và đĩa đệm giữ nước. Điều này giúp cho cơ thể có thể làm chậm quá trình thoái hóa của xương.
Những môn thể thao nhẹ nhàng như: đi bộ, thể dục dưỡng sinh, bơi lội, yoga... cũng là sự lựa chọn tập luyện tuyệt vời để giúp xương khớp, đặc biệt là xương cột sống luôn được khỏe mạnh. Đặc biệt, các động tác trong yoga có tác dụng xây dựng sức mạnh và sự chịu đựng của cơ thể, giúp cơ thể dẻo dai hơn, kéo giãn xương cột sống, giải phóng căng thẳng, mệt mỏi tích tụ nơi lưng và cổ...
Khi đã quen dần với việc tập luyện, bạn có thể nâng cường độ lên để các khối cơ được tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai, cột sống được cân bằng tốt hơn, giảm các cảm giác đau, mỏi...
Tập thể dục đều đặn sẽ giúp cơ thể dẻo dai, làm chậm tiến trình thoái hóa cột sống
Phòng bệnh vẫn luôn tốt hơn chữa bệnh. Hãy áp dụng đều đặn 4 cách làm chậm tiến trình thoái hóa cột sống này để sống khỏe mạnh hơn bạn nhé.