Theo bác sĩ Đông y Tế Nam, Trung Quốc – Nhuận Khang, quan sát rêu lưỡi là một nội dung quan trọng của phương pháp thiết chẩn bệnh. Bình thường đây là phần do khí Vị bốc hơi sinh ra. Do đó, sự thịnh suy của khí Vị có thể được phản ánh từ sự thay đổi tại đây. Bệnh lý hình thành, một là do khí đục khi ăn uống ứ đọng tăng lên mà sinh ra, hai là do tà khí hình thành.
Vọng, văn, vấn, thiết là bốn phương pháp khám bệnh của Đông y gọi là tứ chẩn. Thiệt chẩn tức xem lưỡi thuộc về ‘vọng chẩn’ (quan sát để chẩn đoán), đây chính là thước đo sức khỏe của cơ thể. Lưỡi có thần khí hay không, có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của nội tạng, khí huyết, tân dịch thịnh suy. Nó liên quan đến việc tiên đoán tình trạng và đóng vai trò chính trong chẩn đoán bệnh. Chỉ cần thè lưỡi, những ẩn dấu về sức khỏe đều bộc lộ ra. Hãy học cách chẩn đoán lưỡi, bởi sẽ có thể tự kiểm tra và nhận biết để tránh được hậu quả xấu nếu được phát hiện kịp thời.
Lưỡi là khối cơ cử động uyển chuyển trong miệng. Mặt trên chứa nhiều gai vị giác với các cấu trúc đặc biệt gọi là nụ nếm. Nó được chia ra hai phần: chất lưỡi và rêu lưỡi. Chất lưỡi là cấu trúc cơ bản của lưỡi. Rêu lưỡi là phần bám trên mặt lưỡi. Theo Đông y, tất cả các tạng phủ, kinh lạc đều có mối quan hệ và biểu hiện ra ở lưỡi. Vì vậy, thiết chẩn được xem là một phương pháp thăm khám hiệu quả, khiến nhiều người giật mình khi thấy thầy lang chỉ cần nhìn lưỡi có thể phán đoán ra bệnh bên trong.
Lưỡi đối ứng với ngũ tạng
Đầu lưỡi tương ứng với tạng Tâm. Bên trái và phải đối ứng với phủ Đảm và tạng Can. Ở nửa phần từ đầu lưỡi trở lên đối ứng với tạng Phế. Trung tâm của lưỡi đối ứng với với Tỳ, Vị. Cuống lưỡi đối ứng với tạng Thận.
Lưỡi của người khỏe mạnh bình thường có hai chỉ số một là màu sắc, hai là độ dày và kích thước. Bạn có thể nhìn vào gương và lè lưỡi ra tự quan sát. Màu lưỡi của người khỏe mạnh thường có màu từ đỏ nhạt đến hồng nhạt. Nếu nó quá nhạt hoặc trắng, có thể do nhiễm lạnh hoặc thiếu máu, nếu bị đỏ hoặc xuất hiện các sợi máu màu đỏ, có thể là biểu hiện cơ thể bị nóng, nếu có màu tím đậm, là minh chứng đang bị ứ huyết.
Độ dày và kích thước của lưỡi nên vừa phải.
- Lưỡi quá to, là do Tỳ hư; lưỡi có dấu răng là do Tỳ hư mạnh
- Nếu lưỡi quá nhỏ, là biểu hiện khí uất; nếu vừa nhỏ vừa mỏng là biểu hiện của thiếu khí huyết
- Nếu lưỡi xuất hiện vết đốm, là do ứ huyết
- Nếu đầu lưỡi bị sưng đỏ, là biểu hiện của hội chứng nhiệt; nếu giữa lưỡi xuất hiện vết nứt, là biểu hiện thiếu khí ở Tỳ Vị.
Nhận biết bệnh qua rêu lưỡi
Thiết chẩn là cơ sở quan trọng để các bác sĩ chẩn đoán, quan sát tình trạng, quyết định điều trị và đánh giá tiên lượng bệnh trạng. Tiếp theo, bác sĩ Nhuận Khang sẽ chia sẻ cách phân biệt các màu khác nhau của rêu lưỡi, tương ứng với các loại bệnh như thế nào.
1. Rêu lưỡi trắng
Rêu lưỡi trắng xuất hiện ở những bệnh nhân có thủy thấp ngưng lưu hoặc đàm ẩm ứ đọng trong cơ thể. Bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, cổ trướng, viêm thận mãn tính và hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, giãn phế quản… cơ thể có thấp trọc hoặc đàm ẩm tích tụ sẽ làm lưỡi xuất hiện rêu trắng dày.
Rêu trắng, ngoài xuất hiện ở những người bình thường không có bệnh, thường gặp ở những người mắc các bệnh nhẹ, giai đoạn đầu và đang thời kỳ phục hồi. Các loại bệnh ở giai đoạn đầu hoặc ổ bệnh cục bộ, không ảnh hưởng đến tổn thương toàn thân, chẳng hạn như bướu cổ tuổi dậy thì, ngoại thương, nấm chân, ung thư vú giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung…
2. Rêu lưỡi vàng
Nhìn nhận từ góc độ bệnh lý, hầu hết rêu lưỡi vàng có liên quan đến chứng nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm: Các bệnh truyền nhiễm cấp tính như bệnh dịch não, viêm nào Nhật Bản (JE), leptospirosis, thương hàn, bạch hầu và lỵ trực khuẩn, viêm phổi nặng, viêm gan nặng, nhiễm trùng đường ruột, viêm bể thận cấp tính, bệnh viêm vùng chậu, nhiễm trùng huyết do tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn, viêm tụy cấp, viêm ruột thừa, tắc ruột, vỡ do thai ngoài tử cung, viêm phúc mạc cấp tính, sỏi đường tiết niệu kết hợp với nhiễm trùng.
Nếu bị cảm lạnh, sốt và xuất hiện rêu lưỡi vàng, đi kèm khô miệng, đau họng, ho và vàng da, Đông y gọi là cảm mạo loại phong nhiệt. Sốt 2 ngày sẽ xuất hiện chứng này, vì vậy sốt và rêu vàng cũng có mối quan hệ mật thiết. Khi điều trị, chủ yếu sử dụng thuốc làm mát là chính, tránh các đồ ăn cay và thuốc bổ, để không thêm dầu vào lửa.
3. Rêu lưỡi đen xám
Chủ yếu là do sự tăng sinh như hình dạng sợi tơ ở đầu lưỡi, biểu hiện có có màu nâu đen, xám đen và nám đen cho tới khi đen sạm ở mức độ sâu. Đông y nhìn nhận, bệnh nhân có biểu hiện rêu lưỡi này, nhất định thời gian mắc bệnh đã lâu, phức tạp và phức tạp nghiêm trọng.
Y học cổ truyền nhìn nhận, đây là do nhiệt cực hóa hỏa gây ra. Người có vấn đề về đường tiêu hóa, dễ sinh hàn ẩm, rêu lưỡi sẽ trở nên dày, nhớt. Ban đầu là màu trắng, dần dần chuyển sang màu vàng hoặc đen. Trên lâm sàng, có một số loại bệnh mãn tính, chẳng hạn như urê huyết và khối u ác tính, khi tình trạng xấu đi, cũng sẽ xuất hiện dạng rêu lưỡi này. Đây là dấu hiệu của bệnh hiểm nghèo. Khi này, nên đến bệnh viện để thăm khám và kịp thời trị liệu.
Rêu lưỡi đen cũng xuất hiện khi tinh thần ở trạng thái căng thẳng cao độ. Thường xuyên thức khuya, hút thuốc quá nhiều là các nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ngoài ra, một số thực phẩm, chẳng hạn như mận chua, mè đen… hoặc các loại thuốc, chẳng hạn như viên cam thảo hỗn hợp, sắt… cũng dễ xuất hiện tình trạng này, tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng tạm thời, không cần lo lắng.
4. Rêu lưỡi đỏ
Lưỡi người khỏe mạnh thường mềm và hoạt động uyển chuyển. Lưỡi có màu đỏ nhạt, rêu trắng mỏng, các hạt nhỏ phân bố đều. Nếu lưỡi tối màu hơn hoặc sáng hơn, là biểu hiện cơ thể xuất hiện chứng nhiệt nóng, cũng chính là ‘thượng hỏa’. Thông thường đầu lưỡi có màu đỏ. Đầu lưỡi đỏ phản ánh Tâm kinh có nhiệt và có thể đi kèm với các vấn đề như mất ngủ, ngủ mơ và phiền muộn…
5. Lưỡi màu tím đậm hoặc sợi đỏ
Nếu lưỡi xuất hiện các sợi đỏ (lưỡi đỏ và màu tối) hoặc tím đậm, rêu lưỡi vàng, dày, khô hoặc không có rêu, là biểu hiện của tà khí thâm nhập vào cơ thể, ứ huyết hoặc đàm trọc nội sinh… Có thể xuất hiện các triệu chứng như thần chí không tỉnh táo, đại tiểu tiện không tự chủ. Trường hợp nghiêm trọng, sẽ thường xuyên tái phát, cần điều trị kịp thời.
Rêu lưỡi dày và nhớt là biểu hiện của đàm thấp, đàm nhiệt thịnh bên trong. Việc điều trị chủ yếu giáng trọc hóa đàm là chính. Chất lưỡi màu tím thâm là biểu hiện của ứ huyết, cần lấy hoạt huyết hóa ứ là chính để trị liệu.
6. Lưỡi không có màu sắc của máu
Lưỡi có màu hơi nhạt cũng phản ánh sức khỏe của cơ thể. Đây là biểu hiện thiếu máu ở lưỡi hoặc nhìn như không có màu máu. Đây là hiện thân của khí hư, huyết hư hoặc dương hư. Nhìn một cách tổng thể, người trung niên và người già dễ xuất hiện hơn người trẻ tuổi.
Biểu hiện của bệnh thông qua sắc thái và tình trạng lưỡi
Thông qua màu sắc lưỡi có thể tự phán đoán tình trạng sức khỏe. Nếu rêu lưỡi từ trắng chuyển thành vàng, là biểu hiện tà bệnh từ ngoài đi vào trong, bệnh tình chuyển từ nhẹ sang nặng, tính chất chuyển từ hàn thành nhiệt. Ngược lại, từ vàng thành trắng là biểu hiện bệnh đang tiến triển tốt.
1. Lưỡi hình dấu răng
Ngoài việc nhìn vào màu sắc của rêu lưỡi, có thể đánh giá sức khỏe của cơ thể thông qua hình dạng và kích thước cơ quan này.
Theo bác sĩ Đông y Nhuận Khang, lưỡi hình dấu răng xuất hiện ở nhóm người Tỳ hư, khí hư. Nó cũng phổ biến ở những người Can khí bất thư, đặc biệt là phụ nữ. Những người thường bị sưng và đau đầu, cổ họng cảm giác tắc nghẽn, ngủ không ngon, dễ nổi cáu, tức giận là hiện Can khí bất thư. Nhóm người này nên cố gắng không ăn các loại hoa quả và đồ uống lạnh, vì sẽ làm tổn hại tới Tỳ dương, dẫn đến tình trạng Thủy thấp nặng hơn. Cũng có thể uống trà hoa hồng thay nước, mỗi lần 3 bông là đủ.
2. Nứt lưỡi
Theo Biện thiệt chỉ nam – Biện thiệt chi chất bản, lưỡi của người bình thường không có vết nứt, đây là do huyết hư, độ nông sâu của vết nứt là phản ánh mức độ nặng nhẹ của huyết hư. Nứt lưỡi cũng là một trong những biểu hiện bất thường ở lưỡi. Nứt ở thân lưỡi ngoằn ngoèo, chi chít, hằn sâu còn có thể do di truyền. Nếu do di truyền, chỉ cần được vệ sinh lưỡi sạch sẽ, tránh để thức ăn bám vào gây viêm loét. Lưỡi bị nứt không phải do di truyền, thì tùy trường hợp mà được chỉ định thuốc. Các vết nứt nông trên bề mặt chủ yếu là do teo niêm mạc lưỡi, và các vết nứt sâu là tổn thương teo nghiêm trọng có tính bệnh biến.
3. Lưỡi mặt gương
Lưỡi không có rêu và bóng trơn như gương. Nhẹ là biểu hiện của suy dinh dưỡng nhẹ, hoặc thiếu chất sắt hoặc vitamin B2. Nặng thì biểu hiện là thiếu tân dịch, bệnh tình đã rất nghiêm trọng. Nếu bệnh lâu ngày, cần đề phòng nhiễm trùng huyết. Nếu lưỡi của người già có hiện tượng này, hai tĩnh mạch dưới đáy lưỡi dày lên và kéo dài, có thể là biểu hiện bệnh lý ở tim và phổi.
4. Lưỡi lệch
Hầu hết độ đây là dấu hiệu của đột quỵ. Lưỡi lệch về bên trái, khuynh hướng là do huyết ứ. Nếu lệch về bên phải, có xu hướng là do khí trệ. Người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh béo phì, nếu thấy tê ở cuống lưỡi, ngón trỏ và ngón giữa, phần lớn là tiền thân của đột quỵ do thiếu máu não. Nếu ở tình trạng này, nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
5. Lưỡi ứ đọng dạng điểm
Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, nếu có nhiều đốm máu ở hai bên lưỡi, kèm theo nôn nóng khó chịu, nguyên nhân là do rối loạn bài tiết, làm các sắc tố trong cơ thể lắng đọng gây ra. Đây cũng là biểu hiện thường gặp của người mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
6. Gân xanh dưới lưỡi
Dưới lưỡi xuất hiện các đường gân xanh cần phải chú ý. Đây là biểu hiện của huyết ứ, tức huyết quản bị tắc nghẽn, là thủ phạm dẫn đến các bệnh tim mạch và mạch máu não. Các mạch máu vận chuyển khắp cơ thể, vận chuyển nước và máu đi khắp nơi và hỗ trợ nuôi dưỡng các cơ quan khác nhau. Do đó, mạch máu của bất kỳ bộ phận nào bị hư tổn, đều sẽ mang tới hậu quả nghiêm trọng.
7. Lưỡi điểm thích
Nếu lưỡi xuất hiện nhiều gai đỏ trên mặt giống như nấm mốc. Những nốt này xuất hiện trên đầu hoặc cạnh lưỡi, là biểu hiện nhiệt thịnh. Có thể thấy xuất hiện ở người mắc bệnh truyền nhiễm, sốt hoặc bỏng nặng. Chúng xuất hiện ở lưỡi, chủ yếu là do nhiệt độc tăng lên hoặc nhiệt đi vào máu, dễ dẫn tới bị sốc, hôn mê. Mất ngủ, táo bón hoặc những người làm việc căng thẳng vào ban đêm, thiếu vitamin, suy dinh dưỡng và rối loạn chức năng vỏ não, cũng có thể xuất hiện điều này.
8. Cử động của lưỡi
Những người khí hư nhược và thiếu âm và tân dịch, Can phong nội động đầu lưỡi sẽ hay bị run rẩy. Lưỡi của một người bình thường rất linh hoạt. Một số người khi thè lưỡi ra rất vất vả, phải từ từ khó khăn mới làm được, đây là biểu hiện chính khí bị tổn thương nghiêm trọng hoặc thậm chí bị bệnh nặng.
Lưỡi là cửa sổ phản ánh tình trạng sức khỏe. Bằng cách quan sát màu sắc và hình dạng của nó, có thể tự theo dõi sức khỏe của chính mình. Khi lưỡi xuất hiện những màu sắc và hình thái như mô tả bên trên, hãy chú ý cẩn trọng.
Kiên Định
Theo kknews.cc/dkn.tv