Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

10 loại thực phẩm có độc chất tự nhiên nên cẩn trọng khi chế biến

Nhiều loại thực phẩm có chứa sẵn những độc tố tự nhiên dễ gây ngộ độc nếu người tiêu dùng không thận trọng. Dưới đây là những loại bạn nên cẩn thận khi chế biến thành thức ăn.

1. Độc tố từ mật cá trắm
Trong mật cá có một chất alcohol steroid là 5α-cyprinol, chất này sau khi vào dạ dày, được hấp thu vào máu đi tới gan, thận gây ra suy gan và suy thận cấp. Triệu chứng xuất hiện 1 – 2 giờ sau khi uống mật cá: Người bệnh thấy khó chịu, đau bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy, 1 ngày sau thấy đái ít dần rồi vô niệu, có thể phù hai chân, đau đầu, tăng huyết áp, vàng da nhẹ, dần tới suy thận, suy gan và có thể tử vong nếu không đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện để lọc máu. Lưu ý không nên uống hay nuốt loại này.
2. Chất độc trong măng
Xyanua là chất gây độc có trong măng. Một nghiên cứu trên 3 loại măng cho thấy: măng trắng (được bào từ củ măng), măng trắng ngâm nước nửa ngày, khi đó, măng đã ra nước hơi chua và măng vàng là măng đã qua luộc và ngâm nước bán trên thị trường đều có hàm lượng xyanua rất đáng lo ngại. Chất xyanua có sẵn trong măng sẽ giảm dần khi tiếp xúc với nước. Nhưng đối với măng chua, trong quá trình ngâm, chất xyanua có thể kết hợp với một số enzym hoặc kết hợp với một số chất trong ruột người gây ngộ độc cấp tính. Do đó, khi chế biến măng, bạn nên làm theo kinh nghiệm dân gian là rửa kỹ, ngâm măng trong nước nhiều giờ và luộc qua 1 – 2 lần trước khi ăn để tránh bị ngộ độc.
Trong măng chứa Xyanua gây ngộ độc. Cần lưu ý khi chế biến. (Ảnh: news4.vnay.com.vn)
3. Khoai tây mọc mầm
Khoai tây mọc mầm chứa solanine, một loại glycoalkaloid đắng và độc, có tính gây mê. Ngoài ra, lá và thân cây khoai tây có hàm lượng glycoalkaloid tự nhiên cao. Khi khoai tây có màu xanh tức là hàm lượng solanine đạt mức có nguy cơ gây nguy hiểm. Vì vậy, không nên ăn phần củ có màu xanh. Solanine cũng tạo vị đắng cho khoai tây sau khi nấu chín. Ăn với lượng ít, solanine và alpha-chaconine trong khoai tây gây những vấn đề ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Ngộ độc nặng hơn, bạn có thể bị mê sảng, tê liệt, chậm chạp, đau bụng, giảm khả năng nhìn và nôn. Hàm lượng lớn solanine trong cơ thể có thể dẫn đến tử vong.
Khoai tây mọc mầm chứa chất solanine. (Ảnh: kknews.cc)
4. Cà chua xanh
Giống như khoai tây, cà chua xanh chứa chất độc solanine, gây ngộ độc. Các triệu chứng phổ biến sau khi ăn cà chua xanh là đau đầu chóng mặt, nôn ói… Các chuyên gia khuyến cáo nên bỏ hạt cà chua khi chế biến. Ăn cà chua sống không tốt cho sức khỏe.
5. Hạt điều mốc
Hạt điều là thực phẩm ngừa ung thư, nuôi dưỡng tóc và da, tốt cho xương, giảm cân, ngăn chặn sỏi mật và nhiều lợi ích sức khỏe khác. Tuy nhiên, hạt điều không bảo quản cẩn thận, để tiếp xúc với không khí trong thời gian dài gây nấm mốc, các axit béo bị oxy hóa, sinh ra các chất độc, tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Hạt điều thô chứa urushiol – một độc tố, khi ăn hạt điều có chứa chất độc với số lượng lớn có thể gây tử vong. Khi mua cần chú ý xem hạt điều đã được hấp lên hay chưa. Bạn chỉ mua và dùng làm thực phẩm hạt điều thô đã được xử lý bằng cách hấp lên.
6. Cá ngừ
Histamin là chất gây dị ứng thường có trong thịt, cá. Nồng độ histamin trong cá ngừ nhiều hơn thực phẩm khác. Cá ngừ không còn tươi thì histamin càng phát sinh nhiều hơn, khi ăn có nguy cơ bị ngộ độc. Các triệu chứng là phù người, nhức đầu, nôn mửa, ngứa đỏ ngoài da, thậm chí tử vong nếu nồng độ histamin quá cao.
7. Củ cải trắng
Củ cải trắng chứa độc tố furocoumarins. Chất độc này thường cao nhất trong lớp vỏ, có thể gây đau dạ dày hoặc phản ứng rát bỏng trên da khi tiếp xúc. Do đó, khi chế biến món ăn, bạn cần gọt bỏ sạch vỏ và phần hư hỏng trên củ để tránh độc. Khi được nấu chín, nướng, gia nhiệt trong lò vi sóng, củ cải cũng hết độc.
8. Nấm mốc trong lạc
Lạc (đậu phộng) tươi là thực phẩm có chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Nhưng nếu bảo quản không tốt, để trong môi trường ẩm ướt… lạc dễ bị mốc. Nấm mốc trên lạc rất độc, người ăn phải sẽ bị ngộ độc với các triệu chứng: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy… Phòng tránh bằng cách phơi khô, bảo quản tốt, tránh để ẩm mốc; không ăn những hạt lạc đã bị mốc, thâm đen hoặc những hạt bất thường.
9. Mộc nhĩ tươi chứa độc
Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng – chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời, chúng ta rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù thũng, đau nhức; có người bị phù nề thanh quản sẽ dễ gây nên tình trạng khó thở. Vì vậy, chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu lên thì mới an toàn.
Không nên ăn mộc nhĩ tươi vì trong chúng có chất độc không tốt cho sức khỏe. (Ảnh: kknews.cc)
10. Chất độc từ nấm
Trên thực tế, có rất nhiều loại nấm: có loại nấm lành và có loại độc. Nấm độc thường có ở rừng bắt đầu vào mùa mưa hoặc nấm dại mọc ở ven đường.
 
Nấm độc được chia làm 2 nhóm: nấm xuất hiện triệu chứng ngộ độc sớm trước 6h sau khi ăn, điển hình là nấm amanita muscaria, anipantherina, nấm đỏ hay nấm mặt trời. Người bị ngộ độc có triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co giật cơ, đau cơ, ảo giác… thường không gây tử vong.
Nhóm nấm độc lực cao, gây tử vong cao, điển hình là nấm amanita phalloides, A. ocreata, A. verna… Người bị ngộ độc có các triệu chứng xuất hiện muộn sau khi ăn nấm từ 6 – 24h hoặc 48h sau với các biểu hiện buồn nôn, nôn, cơn đau quặn bụng, tiêu chảy, tiểu ít, nước tiểu vàng thẫm, vàng mắt, suy gan và suy thận cấp.
Nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, chỉ nên mua và ăn những loại nấm mà bạn biết chắc chắn là ăn được. Không bao giờ mua hay ăn nấm lạ để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình.
Kiên Định Nguồn tham khảo: Kknews, suckhoedoisong