Hình minh họa: EVARISTO SA/AFP/Getty Images
Nhiều người lầm tưởng, hai trái thận nằm ở khoảng hai bên hông. Thật
ra vị trí của hai trái thận nằm hơi cao hơn, giữa lưng, phía bờ dưới của
khung xương sườn và dựa sát vào bắp thịt lưng phía sau. Do vậy, lắm
lúc, khó cho bệnh nhân phân biệt giữa đau thận và đau lưng.
Để phân biệt nguồn gốc cơn đau đến từ hai quả thận hay chỉ vì đau
lưng, ta cần biết: vị trí của chỗ đau, mức độ và tính cách của cơn đau,
cũng như các triệu chứng đi kèm.
Trước hết hãy nói về đau thận
Hai trái thận có nhiệm vụ giải độc, loại trừ các chất phế thải cũng
như lượng nước thặng dư ra khỏi cơ thể. Vì là một máy lọc chất độc, chất
dơ từ trong máu, trái thận dễ bị nhiễm trùng và bị hư hại. Sự thặng dư
của các khoáng chất calcium, oxalate, và phosphorous có thể ứ đọng trong
thận và hình thành sạn thận, làm cho đau và bị nghẽn đường tiểu.
Ở đây xin mở ngoặc, nói thêm về việc uống thuốc “bổ xương” calcium
không cần thiết. Ngoài việc làm tăng nguy cơ bị sạn thận, còn làm tăng
nguy cơ bị ung thư các loại, dựa trên một nghiên cứu mới đăng trên tờ
báo y khoa Annals of Internal Medicine, Anh Quốc.
Do vị trí của trái thận, cơn đau thận có thể xuất phát từ phía dưới
xương sườn, sau lưng, hai bên cột sống. Đau thận cũng có thể thấu buốt
từ phía bên trong trung tâm của cơ thể, chạy ra ngoài lưng. Ngoài ra,
cơn đau còn chạy ra hai bên lưng hay một bên tùy theo một hay hai trái
thận có vấn đề.
Một người đang chờ để thay thận. (Hình minh họa: Getty Images
Cơn đau thận còn có thể chạy lan ra phía bụng trước, chạy từ lưng xuống háng hay đùi phía trước.
Sạn thận nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài mà không làm đau. Tuy
nhiên, cục sạn lớn có thể làm đau buốt co thắt theo từng cơn do cục sạn
chạy trong ống dẫn tiểu. Trong khi đó, nhiễm trùng thận chỉ làm đau ê ẩm
nhưng không có tính cách co thắt.
Một số triệu chứng đi kèm với đau thận gồm có: nước tiểu bị đục hay
có máu, đau buốt khi đi tiểu, muốn đi tiểu nhiều lần, nôn mửa, táo bón
hay tiêu chảy bất thường, bị sốt, bị mệt mỏi hay bị chóng mặt.
Trong trường hợp trái thận bị hư hại nặng, triệu chứng có thể làm cho
hơi thở bị hôi thối, khó thở, bị phù thũng chân tay, bị rối loạn nhịp
tim, bị đau nhức bắp thịt, và trí óc mù mờ thiếu minh mẫn.
Một số nguyên nhân gây ra đau thận gồm có: bị nhiễm trùng tiết niệu,
bị sạn thận, bị nhiễm trùng thận, bị máu đông nghẽn trong thận, hay bị
tai nạn, chấn thương đến hai trái thận.
Bây giờ hãy bàn về đau lưng
Đau lưng rất thường xuyên xảy ra. Có thể nói, trên 80% người lớn đã
từng bị đau lưng ít nhất là vài lần trong đời. Đau lưng có thể xảy ra
từ các vấn đề ảnh hưởng đến bắp thịt, xương sống hay hệ thống thần kinh.
Đau lưng cũng tùy thuộc vào vị trí, mức độ đau, và các triệu chứng đi kèm bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau.
Đau lưng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào sau lưng, nhưng thường hay
xảy ra ở phần dưới của lưng, ngang hông, phía trên xương chậu một chút.
Đau lưng từ bắp thịt thường là chỉ ê ẩm, nhưng nếu bắp thịt hai bên lưng bị co thắt không đều làm trẹo xương sống thì cơn đau sẽ rất là khốc liệt, có khi làm bại liệt tạm thời. Một số cử động, xoay chuyển có thể làm cho cơn đau nặng thêm, và mức độ đau cũng tăng theo mức độ co giãn của bắp thịt lưng.
Đau lưng còn do đường dây thần kinh chạy từ cột sống bị kẹt hay bị đè nén, gọi là sciatica, làm cho cơn đau chạy từ lưng xuống mông.
Đau xương sống do bị thương tích đến cột sống, hay cột sống bị cong
vẹo, không thẳng. Loại đau nầy có thể xảy ra bất thình lình và cũng trở
nặng theo mức độ di chuyển.
Các triệu chứng đi kèm với đau lưng gồm có: bắp thịt đau nhức hay bị cứng dọc theo xương sống, đau như bị đâm từ phía sau cổ, khó khăn khi phải đi hay đứng thẳng do bắp thịt bị co thắt, bị tê hay yếu chân, và có khi bị khó khăn khi đi tiểu, không kiểm soat được vòi tiểu.
Những nguyên nhân làm cho đau lưng gồm có
1- Bắp thịt, “gân” lưng bị yếu cho thiếu tập thể dục, thiếu vận động
hay do tuổi tác. Khi bắp thịt bị suy yếu sẽ khiến cho lưng dễ bị vẹo và
gây ra cơn đau.
2- Đau lưng cũng xảy ra khi vói cao, hay cúi nhặt vật nặng không đúng cách, đi xa quá trọng tâm của cơ thể.
3- Do tư thế đứng ngồi không thẳng, hay bị khòm lưng, nhất là khi ngồi hay đứng trong thời gian dài không đúng cách.
4- Do bị thương tích, té ngã hay do bị hư hại bể đĩa sụn trong xương sống.
5- Xương sống cong quẹo, dị tật.
Ngoài ra một số bệnh như thấp khớp, ung thư xương, nhiễm trùng xương, hay đàn bà bị kinh chảy ngược cũng làm cho đau lưng.
Tóm lại không phải lúc nào đau lưng cũng là đau thận, và nhất là đau thận không liên quan gì đến việc yếu sinh lý của đàn ông.
Đau thận thường xuất phát từ phía trên giữa lưng, dưới bờ xương sườn
và chạy xuống phía dưới, có khi vòng ra phía trước. Cơn đau thường co
thắt và hay đi kèm với ói mửa. Đau thận thường liên hệ đến các bệnh của
thận như bị sạn thận hay nhiễm trùng thận.
Trong khi đó, đau lưng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào sau lưng nhưng
thường là phía dưới ngang hông. Đau lưng thường xảy ra do bắp thịt lưng
bị yếu do thiếu vận động, đứng ngồi không đúng tư thế. Đau lưng còn do
chấn thương hay các bệnh liên hệ về xương.
Trong cả hai trường hợp, nếu tình trạng đau kéo dài, không bớt sau
khi uống thuốc giảm đau, hay xoa bóp, nghỉ ngơi, thì nên tham khảo ngay
với bác sĩ.
BS. Hồ Ngọc Minh/nguoiphuongnam