NHÂN NGÀY MEMORIAL DAY 27/5/2019
GỬI LẠI BÀI VIẾT NĂM 2013
người lính già oregon
1. Việc vinh danh các tử sĩ Mỹ bởi Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Virginia, Maryland và Washington DC vào chính ngày Memorial Day 27/5/2013 (không phải vào ngày 30/4, như lời đề nghị ngớ ngẩn, tầm bậy của ông cựu đại tá nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, San José) rất đáng ca ngợi và cần phải làm, để tưởng nhớ công ơn và sự hy sinh to lớn của những quân nhân Mỹ đã bỏ mình trên mảnh đất Việt Nam xa lạ, nhỏ bé, khốn khổ vì nạn Cộng sản. Họ đã chết cho quê hương Miền Nam chúng ta được tự do, văn minh, trường tồn. Và điều đó, cùng với các chiến sĩ kiêu dũng QLVNCH chúng ta, họ đã làm như một nhiệm vụ cao cả của những anh hùng thời tao loạn, không cần biết những mưu toan và phản bội đê hèn, phía sau hậu trường sân khấu chiến tranh và chính trị bẩn thỉu của các lãnh đạo và chính trị gia vô luân, phản chiến Mỹ.
Cái chết cao cả của những tử sĩ Mỹ, trên mọi chiến trường, từ thế chiến I đến Cao Ly đến Việt Nam đến Afghanistan đến Iraq… cho chính nghĩa và lý tưởng tự do, nhân bản, và truyền thống hiệp sĩ của nhân dân Mỹ đã chịu nhiều hy sinh, mất mát, đều được muôn đời ca tụng, tưởng nhớ, trọng vọng. Dù ghét Mỹ đến đâu, không ai –kể cả Charles de Gaulle, tổ sư kỳ thị, ganh ghét Mỹ– có thể phủ nhận công lao của Hoa Kỳ trong thế chiến I, và nhất là thế chiến II, đã hy sinh bao nhiêu tài vật và sinh mạng để cứu Âu Châu, đặc biệt nước Pháp, và thế giới, ra khỏi bàn tay của Sự Ác. Vậy mà một tổng thống Mỹ, chưa một ngày đi lính, chưa có một thân nhân nào chết cho đất nước Mỹ, đã cúi rạp người xin lỗi thế giới về sự “ngạo mạn (arrogance) của người Mỹ chúng tôi”.
2. Sáng ngày Memorial Day, tưởng niệm Những Chiến sĩ Trận Vong Mỹ, Portland chợt mưa trở lại. Mưa giăng kín khung trời xám, như những dòng nước mắt khóc thương những linh hồn tử sĩ Mỹ cũng như, cho riêng chúng ta, Việt Nam Cộng Hòa. Quả vậy, dù 38 năm đã trôi qua, Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn hải ngoại vẫn chưa có một ngày chính thức dành cho những tử sĩ Nam Việt Nam. Tại sao? Tôi thức dậy sớm, lòng nghĩ về họ, về những người thân, bạn bè, đồng đội, đã nằm xuống vĩnh viễn, ở một nơi nào bên trời cũ, trên đồi, trong rừng, ven sông… Lệ không tuôn rơi, nhưng hồn sao bỗng thấy rưng rưng.
Và ngậm ngùi, xúc động, tôi mở xem lại phim truyện Saving Private Ryan, 1998, do Steven Spielberg đạo diễn và Robert Rodat viết lời.
Chuyện xảy ra trong đệ nhị thế chiến, tại Normandie, Pháp quốc, sau cuộc đổ bộ ngày 6/6/1944. Binh nhì Nhảy Dù James Ryan (Matt Damon) là con út trong gia đình có bốn anh em ruột đều là quân nhân. Trong một ngày, người mẹ nhận được ba điện tín báo tin ba người con của bà đã tử trận cách nhau vài hôm, hai ở Pháp, một người bị quân Nhật bắn chết ở New Guinea. Bộ Quốc Phòng biết tin, đã ra lệnh cho đại úy thuộc Tiểu đoàn 2 Dù tên John Miller (Tom Hanks) dẫn một toán gồm sáu quân nhân và một thông dịch viên tiếng Pháp và Đức đi tìm cho bằng được James Ryan, được ghi là mất tích (MIA) trên nước Pháp, để gửi về Mỹ, trả cho bà mẹ. Cuộc tìm kiếm rất gian nan, nguy hiểm, vì không ai biết Ryan ở đâu và toán Miller đã phải vài lần đụng độ với quân Đức, và hai toán viên bị bắn sẻ chết.
Qua nhiều tình tiết gây cấn, hồi hộp, kể cả việc tìm lầm một James Ryan khác, cuối cùng thì Miller cũng gặp được James Ryan thật đang giữ một cây cầu cùng với một tiểu đội Dù. Ryan rất đau buồn nghe tin ba người anh đã tử trận, nhưng từ chối trở về. Ngước nhìn những đồng đội của anh đang chống giữ cây cầu, anh nói: “Về? Không có nghĩa gì hết, không có nghĩa gì hết, thưa đại úy. Tại sao… tại sao tôi lại đáng được rời mặt trận? Tại sao không phải bất cứ ai trong đám người kia? Tất cả họ đều chiến đấu cũng gian khổ như tôi… (It doesn't make any sense. It doesn’t make any sense, sir. Why...why do I deserve to go? Why not any of these guys? They all fought just as hard as me)”. Đại úy Miller hỏi: “Đó có phải là điều họ sẽphải nói với mẹ anh khi họ gửi đến cho bà một lá cờ Mỹ nữa, được xếp lại không? (Is that what they're supposed to tell your mother when they send her another folded American flag?)”. Ryan đáp ngay: “Xin đại úy hãy nói với mẹ tôi rằng khi đại úy gặp tôi, tôi đã ở đây và tôi ở đây với những người anh em duy nhất còn lại của tôi. Và rằng không có cách chỉ tôi bỏ họ mà đi. Tôi nghĩ bà sẽ hiểu điều đó. Không có cách chi tôi bỏ cây cầu này (Tell her that when you found me, I was here and I was here with the only brothers that I have left. And that there was no way I was gonna desert them. I think she'll understand that. There's no way I'm leaving this bridge)”…
Áp lực địch trên cây cầu càng lúc càng mạnh. Toán Miller sáp nhập chiến đấu cùng với toán Ryan, gây tổn thất nặng cho quân Đức, bảo vệ được cây cầu cho đến khi máy bay đồng minh tới giải cứu. Thêm một người nữa trong toán Miller gục ngã, tổng cộng ba trong số bảy người. Và chính Miller, cuối cùng, cũng bị địch bắn trọng thương. Trước khi chết, Miller thều thào nói với Ryan đang cúi sát mặt ông: "James... earn this. Earn it." (James... anh hãy xứng đáng với điều này [sự hy sinh của ông và đồng đội]. Hãy xứng đáng với nó). Oan nghiệt thay, người đi tìm thì chết, người được đi tìm, tưởng chết lại còn sống, nhưng đó cũng là một phần trong văn hóa rất nhân bản, nhân đạo của Mỹ.
Truyện phim kết thúc, có hậu: Nhiều năm trôi qua, giờ đây, James Ryan, trở thành một cựu chiến binh luống tuổi, cùng với gia đình, gồm đông đủ con cháu, một lần ghé viếng Nghĩa Trang Lính Mỹ tại Normandie, ở Colleville-sur-mer. Đứng trước mộ Miller, Ryan yêu cầu vợ mình hãy nói
với ông và xác nhận rằng anh đã cố gắng hết sức để sống một cuộc đời tốt và để trở thành một người tốt, và như vậy, anh xứng đáng với sự hy sinh của Miller và những người khác, đúng như lời ông đã dặn dò anh trên cây cầu, trước khi vĩnh viễn rời bỏ cuộc chiến. Rồi Ryan đứng nghiêm, giơ tay chào mộ của đại úy Miller.
3. Những Việt kiều hải ngoại bây giờ, những đồng hương thân mến của tôi, những người một thời là học sinh, là sinh viên đại học, là thương gia, là công tư chức, là văn sĩ, ca nhạc sĩ… rồi một thời là thuyền nhân, là tỵ nạn, đã nhận biết bao ơn nghĩa từ những chiến binh và tử sĩ VNCH, nay trở thành những Mỹ Giấy, Tây Giấy, Úc Giấy v.v..., công thành danh toại, hay không, tôi xin phép được lặp lời của đại úy Miller trong phim truyện: "Earn this... Earn it." Hãy xứng đáng với sự hy sinh cao cả, phi thường của những anh hùng tử sĩ VNCH đã bảo vệ quê hương Miền Nam cho đến giờ phút cuối. Cho dù quê hương hiện nay tức tưởi nằm trong tay giặc. Cho dù tất cả chúng ta chưa làm trọn lời thề với Mẹ Việt Nam yêu dấu, vì đã bại trận, qua lời than não nuột của thi sĩ Hà Huyền Chi trong bài thơ xin lỗi chính mẹ mình:
Mẹ ơi con mẹ đã già
Giữ quê quê mất, giữ nhà nhà tan…
“Earn this…Earn it” không có nghĩa phải thực hiện những việc phi thường, đội đá vá trời, đem quân về diệt giặc thù chẳng hạn. Mà chỉ cần không có thái độ trở cờ, bỏ cờ, không phản bội quê hương, chính nghĩa, không trở thành Việt Gian –ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, suốt đời hèn mạt, ngu muội. Như thế cũng đủ trở thành người tốt, xứng đáng với niềm tin yêu của biết bao anh hùng đã chết thay cho chúng ta.
Portland, Memorial Day
ngày 27 tháng 5 năm 2013