Từ cầu rễ cây giữa rừng rậm đến cầu cáp treo hiện đại, sự tồn tại của những cây cầu độc đáo là bằng chứng cho sức sáng tạo tuyệt vời của con người
Leonardo Da Vinci vẽ phác thảo cây cầu vào năm 1502 cho hoàng đế Sultan Bajazet II của Đế quốc Ottoman (1453 – 1922). Nhưng 500 năm sau, thiết kế này mới trở thành hiện thực nhờ công của họa sĩ Na Uy Vebjørn Sand. Theo Popular Mechanics, cây cầu dành cho người đi bộ khánh thành năm 2001 và chạy ngang qua đường cao tốc E18 ở Na Uy. Trong nhiều thế kỷ, bản vẽ phác thảo của Da Vinci được đánh giá là không khả thi. Phần chân cầu uốn cong rất mỏng khi tiếp giáp với mặt cầu, nhưng lại loe rộng khi chạm đến mặt đất. Kế hoạch lúc đầu của Da Vinci là xây dựng cây cầu dài gần 220 m. Tuy nhiên, Sand và đồng nghiệp đã rút ngắn xuống còn 90 m. Ảnh: Broer.no.
Cầu Eshima Ohashi, Nhật Bản
Cầu Eshima Ohashi ở Nhật Bản nối liền hai thành phố Matsue và Sakaiminato, trải dài 1,6 km ngang qua hồ Nakaumi. Theo Independent, cây cầu có độ dốc 6,1 % ở bên thuộc tỉnh Shimane và 5,1 % ở bên thuộc tỉnh Tottori, khiến nó trông giống như đỉnh tàu lượn siêu tốc. Ảnh: Infoamazing.
Cầu Henderson Waves, Singapore
Cầu dành cho người đi bộ Henderson Waves nằm ở Singapore. Cây cầu có hình ngọn sóng được xây từ 7 dải thép uống cong phía trên và dưới mặt cầu. Chúng tạo nên những hốc nhỏ để làm nơi nghỉ chân với ghế ngồi bên trong. Mặt cầu làm từ gỗ chò chỉ, một loại cây ở Đông Nam Á. Cầu Henderson Waves được thắp sáng bằng đèn LED mỗi đêm. Theo Hub Pages, đây là cầu đi bộ cao nhất ở Singapore với chiều cao 36 m, dài 274 m, nối giữa công viên Mount Faber và Telok Blangah Hill. Ảnh: Fun Buzz Time.
Cầu sống, Ấn Độ
Người dân ở làng Meghalaya, Ấn Độ, tạo những cây cầu đặc biệt bắc qua sông suối bằng cách bện rễ cây đa dai quanh thân cau hoặc tre. Một số cây cầu ở đây có thể đã tồn tại hơn 500 năm. Theo Inhabitat, thời gian để cây cầu trở nên hoàn thiện là 15 năm. Khi cầu sống trở nên chắc chắn, nó có thể chịu được sức nặng của 50 người đi trên cầu cùng lúc. Ảnh: Inhabitat.
Cầu Millau Viaduct, Pháp
Millau Viaduct là cầu cạn dây văng bắc qua thung lũng sông Tarn, gần Millau ở miền nam nước Pháp. Cầu do kỹ sư công trình người Pháp Michel Virlogeux và kiến trúc sư người Anh Norman Foster, thiết kế. Theo Amusing Planet, đây là cây cầu cao nhất thế giới, chiều cao của cầu, tính từ chân trụ tháp cao nhất tới đỉnh cột chống dây văng là 343m. Vào những ngày sương mù, cây cầu dài 2.460 m này như nằm lơ lửng giữa không trung. Ảnh: fosterandpartners.
Cầu Moses, Hà Lan
Cây cầu rẽ nước này là con đường độc đáo dẫn vào một pháo đài thế kỷ 17 ở Hà Lan. Cầu Moses tác phẩm thiết kế của công ty RO & AD Architects. Hai bên thành cầu lót gỗ Accoya trong khi mặt cầu sử dụng một loại gỗ cứng khác. Gỗ Accoya được xử lý hóa chất không độc hại, giúp ngăn chặn nấm mốc và tăng độ bền của cầu. Ảnh: RO & AD Architects.
Cầu Nanpu, Trung Quốc
Cầu Nanpu bắc ngang sông Hoàng Phố là một trong những cây cầu chính ở Thượng Hải, đồng thời là cầu dây cáp đầu tiên có nhịp cầu dài hơn 400 m tại Trung Quốc. Theo Amusing Planet, hai cây cột hình chữ H cao 150m được xây dựng 2 bên thành cầu, bao gồm 22 cặp dây cáp bằng thép sắp xếp theo hình quạt để nâng đỡ các dầm cầu. Một điểm đặc biệt của cây cầu là thiết kế hình xoắn ốc, giúp giảm độ dốc cho các phương tiện khi lưu thông. Với tổng chiều dài 8.346 m, cầu Nanpu giống một con rồng nối khu Thượng Hải cũ với khu Phố Đông đang phát triển nhanh chóng. Ảnh: Shanghai.
Phương Hoa