Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Vấn đề an toàn của người cao niên trong đời sống ngảy


 

Nhà ở, theo thường lệ, là chốn an toàn của con người. Thế mà oái ăm thay nhà ở cũng là nơi nguy hiểm cho con người. Đặc biệt là người già, nếu nội thất không được sắp xếp chu đáo.

Phần lớn tai nạn xẩy ra cho người già là ở nhà. Thí dụ như trượt té vì sàn nhà ướt, té vì vấp phải thảm trải trên sàn, vấp phải giây điện trên lối đi; té trong bồn tắm vì vấp phải cục xà phòng,;bị chén bát, chai lọ rơi trúng đầu trong lúc với tay lấy chúng ở tủ cao; đi vấp phải tường, bàn ghế vì không đủ ánh sáng; té từ thang lầu xuống; uống nhầm thuốc; té vì vấp phải con mèo con chó trong phòng khách, phòng ngủ; té vì leo thang hay đứng trên ghế với lấy đồ trên kệ cao; té vì vừa ngủ dậy bước khỏi giường thấy chóng mặt.

 

Bản kiểm điểm an toàn

Về an toàn trong nhà,chúng tôi xin đề nghị một bản kiểm điểm dưới đây để bảo đảm tránh tai nạn cho người cao niên ở nhà:
1- Cần lau khô ngay khi sàn nhà nhà bị ướt vì bất cứ lý do gì. Chờ sàn nhà khô mới đi qua.
2-Cần giữ sàn nhà và cầu thang không bị các vật linh tinh nằm vương vãi cản trở bước đi.
3-Giữ cất các dụng cụ cần thiết ở các tầng tủ vừa tầm tay với tới.
4-Khi đánh bóng sàn nhà, nên dùng loại sáp không trơn trượt.
5-Thảm nhỏ trải trên sàn nhà phải là loại bám vào sàn, không trượt khi bước lên.
6-Không nên trải tấm thảm nhỏ ở đầu và cuối thang lên lầu.
7- Không dùng những tấm thảm đã rách, có xơ làm vướng chân.
8- Ơ buồng tắm: trải thảm cao su hay dán những miếng cao su nhỏ trong bồn tắm để tránh trợt té khi đang tắm; dựng tay vịn ở thành bồn tắm; để xà phòng nơi dễ với tay lấy.
9- Không có vật cản trở ở hành lang thông từ phòng này sang phòng khác, nhất là từ phòng ngủ sang phòng tắm.
10- Giây điện thoại, giây điện nối nguồn điện với máy truyền thanh, truyền hình cần được thu gọn trong mép tường, không cản trở lối đi.
11- Cần có đầy đủ ánh sáng trong các phòng. Nút mở-tắt đèn nên đặt gần cửa ra vào cho tiện dùng; có đèn mờ suốt đêm trong phòng tắm, hành lang, cầu thang.
12- Thang lầu có tay vịn suốt chiều dài của thang, tay vịn to vừa bàn tay nắm; bậc thang không lung lay; nếu có trải thảm thì thảm phải được gắn chặt vào bậc thang.
13- Việc xử dụng thang bước cao và ghế đẩu: Thang và ghế phải ở tình trạng tốt, vững chắc, đặt trên mặt phẳng, rắn chắc, thăng bằng. Khi leo lên thang thì mặt phải đối diện với bậc thang; không đứng trên bậc cao chót của thang.
14- Xử dụng giầy dép: giầy phải có đế bám sát trên mặt sàn hay mặt đường. Không nên mang tất khi đi đứng trên sàn nhà gỗ hay đá hoa vì trơn trượt.
15- Cần luôn luôn cảnh giác các nguy cơ bất chợt có thể xẩy ra. Coi chừng đồ chơi trẻ con vung vãi trong nhà hay chó mèo luẩn quẩn vướng bước chân.
16- Khi ôm vác đồ vật cồng kềnh đừng để chúng cản tầm nhìn cuả ta.
17- Khi nghe tiếng chuông điện thoại hay chuông gọi cửa, không hấp tấp vội chạy đến trả lời.
18- Khi đứng lên hay ngồi xuống, nên chậm rãi, tránh té ngã vì chóng mặt, mất thăng bằng.
19- Nếu sống một mình, thì nên thường xuyên tiếp xúc với người thân hay hàng xóm để họ rõ mình còn đâu đó.
20- Ngoài sân, vườn: quét sạch lá, rác rưởi trên lối đi. Dụng cụ làm vườn cất dọn vào kho an toàn. Nên có thảm chùi chân ở ngưỡng cửa.
21- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, giờ uống.
22- Xử dụng gậy chống: Chiều dài của gậy phải vừa tầm. Khi đứng thẳng người, tay buông thõng, cán gậy phải ngang với cổ tay, khi nắm cán gậy thì khuỷu tay phải cong từ 15 tới 20 độ. Nếu cần dùng gậy vì đau chân trái thì cầm gậy bằng tay mặt và ngược lại. Khi bưóc đi thì gậy và chân đau phải chuyển động cùng một lúc. Bước lên cầu thang bằng chân không đau trước, rồi chống gậy và bước chân đau lên bậc thang, liên tiếp như vậy cho đến cuối bậc thang. Đi xuống thì làm ngược laị, nghĩa là chống gậy và đặt chân đau xuống bậc thang trước rồi mới di chuyển chân không đau. Nhiều người thích gậy có cán cổ ngỗng hơn loại cán cong , vì với loại trên, trọng lượng người xử dụng được thân gậy chịu đựng nhiều hơn.
23- Nhiệt độ trong nhà vừa phải. Nếu quá lạnh, phản ứng cuả ta chậm lại, dễ té ngã.
24- Viết số điện thoại khẩn cấp cạnh mỗi máy điện thoại: cảnh sát, bác sĩ gia đình, cứu hoả, xe cấp cứu, thân nhân hoặc bạn thân ở gần. Nhớ cách xử dụng số cấp cứu 911.

Sự té ngã trong nhà.
Đôi khi, dù với tất cả các đề phòng trên ta vẫn có thể ngã. Té ngã có thể đưa đến những hậu quả trầm trọng cho cơ thể, dẫn tới tình trạng nguy hiểm cho sinh mạng người tuổi cao. Mỗi năm, cứ 3 vị trên 65 tuổi thì có 1 vị bị té ngã ít nhất một lần, đặc biệt là khi họ sống trong viện dưỡng lão. Bất kể điều kiện ăn ở ra sao, tai nạn là nguyên nhân tử vong thứ sáu ở người cao tuổi , mà té ngã chiếm đa số trong những tai nạn này.

Ngã gây gẫy xương hông nhiều nhất (90%), rồi đến các chấn thương khác. Hàng năm có đến gần 200,000 người cao tuổi gẫy xương hông vì ngã, nhiều người chết trong khi nằm ở nhà thương. Số tử vong sau 5 năm lên tới 50%, đặc biệt là đàn ông và có kèm thêm bệnh hoạn.
Sau khi ngã, dù không có thương tích, họ rất sợ di động, trở nên mất tự tin, mất độc lập, đời sống thể xác và tâm thần cuả họ suy giảm mau lẹ, dễ đưa tới tàn phế.

a-Nguyên nhân
Những nguyên nhân gây té ngã có thể là từ môi trường bên ngoài, như đã kể trên, hoặc từ trong cơ thể với các bệnh như :
1- Các bệnh kinh niên: tiểu đường, tai biến mạch máu não, Parkinson, phong thấp, bệnh tim, cao huyết áp.
2- Gây ra do dược phẩm: các loại thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim, thần kinh tâm trí, hoặc do dùng nhiều dược phẩm một lúc.
3- Té ngã do sự thay đổi chức năng của tuổi già: kém thính giác thị giác, cảm giác ngoài da, khớp xương cứng, cơ bắp teo yếu, dáng đi không vững, mất thăng bằng cơ thể
.
b- Đối phó
Khi bị té ngã, hãy bình tĩnh đối phó. Nếu thấy rằng ta có thể bị thương ở chân hay xương sống thì không nên cố ngồi dậy. Trái lại, nếu không có đau đớn ở cơ thể, ta có thể cố ngồi dậy theo cách sau đây:
1- Nếu té nằm ngửa, hãy chuyển sang thế nằm sấp bằng cách sau: quay mặt về phía định lăn, đầu gối và khuỷu tay hướng về phía đối nghịch, rồi đồng thời chuyển chúng qua thân mình về phía định lăn .
2- Khi đã nằm sấp rồi, dùng bàn tay và đầu gối để nhổm người lên, bò tới phía trước một cái ghế ở gần đâu đó.
3- Đặt bàn tay lên mặt ghế, ngả người xuống để thân mình được tay chống đỡ.
4- Co đầu gối nào mạnh, dùng bàn chân phía đó đẩy người nhổm lên, đầu gối bên kia chống dưới sàn, quay nhẹ người rồi ngồi xuống ghế. Sau khi nghỉ thở một lúc ta sẽ kêu cấp cứu.

Nhiều người lớn tuổi sống riêng rẽ một mình vì hoàn cảnh hay vì ý thích, không muốn phụ thuộc vào con cháu, gia đình.Trong trường hợp này, nên sắp xếp một hệ thống cắp cứu khi có tai nạn.
Thân nhân hay hàng xóm để theo dõi ta hay để ta kêu điện thoại vào giờ đã định. Thí dụ như thường ngày ta lấy báo mỗi buổi sáng, hôm nay đến trưa ông hàng xóm vẫn thấy tờ báo nằm trước cửa, ông ta bèn ghé gõ cửa hỏi thăm.



Với sự tiến bộ cuả truyền tin, ta có thể đặt một hệ thống báo động điện tử. Các hệ thống này nối nhà với phòng cấp cứu bệnh viện. Hệ thống có ba bộ phận : một máy phát tín hiệu nhỏ cầm vừa trong tay, không giây, có nút bấm để phát tín hiệu, và được chỉnh giờ theo lịch trình định trước; một máy thu tín hiệu gắn với điện thoại trong nhà, và máy nhận tín hiệu ở nhà thương. Khi người bị tai nạn bấm nút trên máy phát tín hiệu cầm tay, máy chuyển tín hiệu ở điện thoại sẽ chuyển tín hiệu cấp cứu này tới nhà thương dù ta không quay số điện thoại. Máy phát tín hiệu cầm tay có thể tự động phát tín hiệu cấp cứu mỗi 6 hay 12 giờ.
Nếu người xử dụng bình an, họ sẽ điểu chỉnh nút tự động theo thời gian kể trên. Ngược lại nếu vì bất tỉnh, không điều chỉnh nút phát tín hiệu tự động thì tín hiệu cấp cứu sẽ phát vào giờ đã định và nhà thương sẽ liên lạc ngay để giúp đỡ. Nhờ vậy, người gặp tai nạn không bị lãng quên quá 6 giờ.

Hoặc ta cũng có thể giao ước với hàng xóm để được cấp cứu lẫn nhau mỗi khi đèn mầu xanh trước cửa sổ bật lên, dấu hiệu báo có chuyện chẳng lành xẩy ra.
Vừa giản dị, đỡ tốn tiền, lại tăng thêm tình tương thân tương trợ lối xóm.

BS Nguyển Ý Đức