Hạnh phúc không làm cho bạn sống lâu hơn và nỗi buồn có liên quan đến stress cũng sẽ không rút ngắn tuổi thọ của bạn, theo kết quả một nghiên cứu mới.
Giáo sư Richard Peto – đồng tác giả của nghiên cứu. (Ảnh: Nytimes).
Nhiều người tin rằng nỗi buồn gây ra bởi điều kiện làm việc, quan hệ căng thẳng hay bất mãn với đồng nghiệp hoặc những người xung quanh, có thể làm giảm tuổi thọ. Một số nghiên cứu trong quá khứ cũng đã góp phần khiến chúng ta ngày càng tin vào điều đó. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học đến từ trường Đại học Oxford, quan niệm này không đúng.
Một nghiên cứu có sự tham gia của không quá 1 triệu phụ nữ khoảng 60 tuổi ở Anh, được công bố trên tạp chí y học Lancet, cho thấy chính tình trạng sức khỏe kém khiến con người buồn bã. Nghĩa là nguyên nhân khiến tuổi thọ giảm thật chất phụ thuộc vào sức khỏe. “Bệnh tật làm cho bạn không vui, nhưng nỗi bất hạnh tự nó không làm cho bạn bị bệnh”, tiến sĩ Bette Liu hiện đang làm việc tại Đại học New South Wales, Australia cho biết. “Chúng tôi nhận thấy không có ảnh hưởng trực tiếp của nỗi buồn hay sự căng thẳng đến tỷ lệ tử vong, ngay cả đối với 1 triệu phụ nữ trong nghiên cứu kéo dài suốt 10 năm qua”.
Nguyên nhân khiến tuổi thọ giảm thật chất phụ thuộc vào sức khỏe.
Giáo sư Richard Peto của Đại học Oxford – đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Những tuyên bố nỗi buồn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong đều vô nghĩa. Sự buồn bã có thể khiến cho mọi người cư xử không lành mạnh, chẳng hạn như ăn/uống quá nhiều hoặc tự làm tổn hại bản thân. Nhưng nếu bạn hỏi có phải nó là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong hay không thì câu trả lời là không”, ông nói.
Các nghiên cứu gần đây tập trung vào những câu trả lời của hơn 700.000 phụ nữ được hỏi về tình hình sức khỏe, hạnh phúc, sự căng thẳng, kiểm soát cảm xúc và tâm trạng thoải mái. 44% tình nguyện viên cho biết họ thường cảm thấy vui vẻ, 39% cho rằng họ luôn hạnh phúc và 17% nói họ không vui. Một năm sau đó, các câu hỏi trên được lặp lại đã cho thấy những con số này thay đổi không đáng kể. Những người nói ngay từ đầu rằng sức khỏe của họ kém rất có thể cũng nói họ thường xuyên cảm thấy không vui vẻ, nghiên cứu tìm thấy. Trong 10 năm theo dõi, hơn 31.000 người tham gia qua đời (4%). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở những người hay buồn không cao hơn so với những ai cho biết họ luôn hạnh phúc.
Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tình hình sức khỏe của những phụ nữ, bao gồm cả việc điều trị một số chứng bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm khớp, trầm cảm hoặc lo âu. Sự khủng hoảng và lối sống có khả năng làm giảm suy giảm tuổi thọ như hút thuốc, thiếu ăn và béo phì, cũng được các nhà khoa học quan tâm. Sức khỏe kém và lối sống bất lợi (chẳng hạn như thường xuyên hút thuốc) có thể rút ngắn cuộc sống của bạn, nhưng sau khi đã tính đến những thứ đó, “nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không có bằng chứng vững chắc nào để kết luận hạnh phúc có thể làm giảm các nguy cơ bệnh tim, ung thư hoặc tử vong”.
“Nhiều người vẫn tin rằng sự căng thẳng hay nỗi buồn có thể trực tiếp gây bệnh, nhưng dường như họ đang có sự nhầm lẫn giữa nguyên nhân và kết quả”, giáo sư Peto nói. “Tất nhiên người bệnh có xu hướng không vui vẻ hơn so với những người bình thường, nhưng nghiên cứu đã cho thấy sự hạnh phúc và nỗi buồn bản thân chúng không có bất cứ ảnh hưởng trực tiếp nào đến tỷ lệ tử vong”.
Theo Tinh Tế / Khoa học TV/anle20