Thứ Năm, 18 tháng 5, 2023

9 câu châm ngôn về sức khỏe người trung niên cần đọc


Cuộc sống tại sao có quá nhiều phiền não? Thực ra, nguyên nhân gốc rễ là những ham muốn vô tận và những mong mỏi thái quá của con người. Khi bạn có ít ham muốn hơn, thì tự nhiên hạnh phúc cũng sẽ nhiều hơn, hạnh phúc sẽ đến từ những điều dản dị nhất , và chúng đều ở ngay tầm tay của bạn.



1. Khi quá vui mừng hãy bình tĩnh tiết chế, khi quá tức giận hãy kiên nhẫn kiềm chế

Cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe là ổn định cảm xúc của bản thân, tránh quá bi sầu hay vui mừng quá mức.

Khi phấn chấn quá mức, chúng ta nên tĩnh tâm một lúc, để nội tâm trở nên bình thản, nếu buông xuôi mặc kệ trạng thái vui mừng tột độ, sau đó rất dễ tuột dốc và biến thành nỗi buồn.

Khi quá lo lắng, hãy cố gắng để tâm bình thản trở lại, nhiều vấn đề sẽ tự nhiên ổn thỏa, những rắc rối sẽ tự nhiên được giải quyết một cách dễ dàng.

2. Suy nghĩ quá nhiều sẽ khiến tinh thần suy kiệt, ham muốn quá nhiều sẽ khiến hao tổn trí tuệ

Cân bằng là một tiêu chuẩn để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Quá nhiều suy nghĩ dễ làm tổn hại tinh thần, quá nhiều vướng bận làm hao mòn tình cảm, quá nhiều ham muốn chôn vùi trí tuệ, quá bận rộn khiến con người kiệt quệ.

Do đó, chúng ta cần tu dưỡng tâm tính của mình đạt được trạng thái bình ổn và cân bằng.

Trạng thái tốt nhất thường là: Không nhanh không chậm, không vội vã không hoang mang, không thiên không lệch, và vừa phải đúng mực.

3. Người bằng lòng thường luôn vui vẻ, người biết nhẫn chịu thường luôn bình yên, người chịu được đói thường sống lâu, người chịu được rét thường khỏe mạnh

Hầu hết những phiền não của mọi người đều đến từ việc “không đạt được những gì họ muốn”.

Nếu một người tham lam không biết điểm dừng, người đó sẽ không bao giờ có một khoảnh khắc hạnh phúc trong đời.

Con người muốn sống thoải mái vui vẻ thì cần học được cách bằng lòng và biết đủ. Nếu bạn không muốn bị trói buộc bởi rắc rối, phiền não và đau khổ thì bạn cần chấp nhận nó, mỉm cười cho qua và đừng bận tâm đến nó nữa.

Hầu hết các bệnh của con người hiện đại đều đến từ việc “ăn uống”, ăn đồ quá béo, ngọt và đậm vị, ăn hải sản tươi sống… Ngược lại, “cái đói” đã trở thành một thứ xa xỉ của con người.

Thỉnh thoảng hãy làm rỗng dạ dày và để bụng đói là một bí quyết để thải độc cơ thể, giữ gìn sức khỏe.

Hòa mình vào thiên nhiên, trải qua mưa gió, chịu được cái lạnh buốt giá, thì gân cốt sẽ trở nên rắn chắc và cơ thể cũng tự nhiên khỏe mạnh.

4. Người yên tĩnh và đầy đủ thì tinh thần mạnh mẽ, người nóng giận và kiệt sức thì sớm đã suy lão

Cấp độ cao nhất của việc giữ gìn sức khỏe là dưỡng tâm và dưỡng thần. Trạng thái tốt nhất của tâm trí và tinh thần là yên tĩnh, điềm đạm và thản nhiên. Đây là cách tốt nhất để chăm sóc sức khỏe và tinh thần.

Nếu một người nóng nảy, luôn đứng núi này trông núi nọ, bôn ba khắp nơi nhưng trong tâm lại không thoả mãn, lâu dần người ấy sẽ đổ bệnh vì làm việc quá sức và tâm trí mệt mỏi.

Khi tâm tĩnh lặng, nó giống như một dòng sông, phù sa tự nhiên sẽ lắng xuống, dòng nước trong vắt như pha lê, phản chiếu bầu trời xanh và mây trắng, cây xanh mát và hoa thơm ngát, mặt trời, mặt trăng cùng các vì sao rực rỡ. Tâm của bạn cũng sẽ trở nên phong phú, vui vẻ và tràn đầy sức sống.

5. Người tràn đầy sức sống biết dưỡng tâm bằng thiện niệm, kiêng kị tức giận 

Khí được xem là năng lượng giúp tuần hoàn huyết và tân dịch trong cơ thể người. Cơ chế khí của cơ thể con người ban đầu lưu thông một cách tích cực và có trật tự, nhưng khi cơn tức giận bùng lên, cơ chế khí sẽ vận chuyển ngược lại gây nguy hiểm cho cơ thể và tinh thần.

Vì vậy, một người quan tâm giữ gìn sức khỏe sẽ luôn biết giữ thái độ và cử chỉ ôn tồn lễ độ, nhẹ nhàng tao nhã, nét mặt phúc hậu, và không bao giờ cáu gắt nổi giận vô cớ.

Con người sống chính là quá trình điều chỉnh cơ chế khí trong cơ thể, để cơ thể trở về trạng thái cân bằng. Vì vậy, cách tốt nhất là bắt đầu từng chút một, không nhanh cũng không chậm, thư thái và thả lỏng.

6. Đầu phải luôn lạnh, chân phải luôn nóng, thân phải thường xuyên vận động, tâm phải luôn tĩnh

Giữ đầu luôn điềm tĩnh có lợi cho sự phát triển của trí tuệ, chân thường xuyên di chuyển và có thể đi khắp mọi nơi, cơ thể tự nhiên sẽ linh hoạt, và một trái tim tĩnh lặng sẽ khiến bạn trở nên thanh thản và yêu đời hơn.

Như chúng ta đã biết, nóng nảy là tín hiệu của bệnh tật, đồng thời cũng là đặc điểm của tính khí bốc đồng, chỉ có lấy lý trí ước chế bản thân thì cơ thể mới có thể khỏe mạnh bình an.

Có hai cách để làm ấm đôi chân của bạn:

Một là tăng cường vận động, để khí huyết lưu thông, nhiệt lượng tăng lên gấp đôi.

Thứ hai là mỗi tối ngâm chân bằng nước ấm để kích thích và khơi thông kinh mạch, giúp cho khí huyết được thông suốt.

Mỗi ngày kiên trì tập thể dục đều đặn, giữ một tâm trí bình thản, sức khỏe và tinh thần đều sẽ được cải thiện.

7. Đọc sách nhiều có thể dưỡng tâm, ăn ít đi có thể khỏe thân

Đọc nhiều sách tự nhiên tâm trí trở nên nhạy bén, đầu óc minh mẫn, trí tuệ sẽ nhân lên gấp bội. Ăn ít thì dạ dày và ruột thảnh thơi, cơ thể nhẹ nhàng và khỏe mạnh.

Đọc sách không chỉ mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến ​​thức mà còn khiến bạn trở nên bình tâm tĩnh khí, điềm tĩnh, thong dong, tao nhã và thanh lịch.

Khi một người có sự tu dưỡng, hiểu biết và nhận thức được nâng cao, người đó sẽ sống cuộc sống không tranh không giành, không vội vã cũng không lo lắng.

Lúc rảnh rỗi đừng để đầu óc lười biếng, khi có chuyện đừng để tâm rối loạn. (Ảnh: maxbelchenko/ Shutterstock)

8. Lúc rảnh rỗi đừng để đầu óc lười biếng, khi có chuyện đừng để tâm rối loạn

Có câu nói: Mọi chuyện sinh ra từ những việc tưởng chừng nhỏ bé.

Trong cuộc sống, đừng để một ngày không động vào việc gì cả. Bận rộn một cách vừa phải không có hại cho sức khỏe.

Khi rảnh rỗi, hãy nuôi dưỡng thói quen rèn luyện tâm trí của mình. Chẳng hạn như đọc sách, suy ngẫm.

Khi bận rộn, hãy sắp xếp mọi thứ một cách trật tự và hợp lý để giải quyết mọi chuyện.

Để đạt được trạng thái như vậy không phải là chuyện dễ dàng, bạn cần không ngừng tu dưỡng và rèn luyện bản thân, từng bước đạt được trạng thái tốt nhất của cuộc đời.

Trạng thái tốt nhất của một người không gì khác hơn là lúc nhàn nhã thì yêu đời, tươi mới và hạnh phúc; lúc bận rộn thì chăm chỉ mà ung dung, làm mà không biết mệt mỏi.

9. Vạn vật đến rồi đi, tùy kỳ tự nhiên có thể kéo dài tuổi thọ 

Mỗi ngày chúng ta đều trải qua những chuyện khác nhau, phải đối mặt đủ mọi mâu thuẫn và phiền não trên đời.

Nhờ đó, chúng ta mới có thể không ngừng mài giũa tâm trí, nâng cao trí tuệ và tích lũy kinh nghiệm quý giá cho bản thân.

Khi có chuyện xảy ra, chúng ta cần phải đối mặt bằng tâm thái tích cực và nỗ lực giải quyết. Trì hoãn không phải là giải pháp, chỉ có cách đối mặt với khó khăn mới có thể tìm ra được cách để vượt qua mọi sóng gió trong cuộc đời.

Nếu bạn có thể làm mọi việc một cách hết lòng toàn tâm toàn ý, bạn sẽ không phải nuối tiếc. Còn những chuyện đã qua, bạn cũng không cần lo lắng và ôm giữ mãi trong lòng.

Như vậy, nội tâm của bạn sẽ thoát khỏi bộn bề của công việc và cảm thấy yên bình
.

Minh Tâm, Vision Times/trthuc.vn