Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Bệnh suy tim ở người cao tuổi

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 60 triệu người bị suy tim, số bệnh nhân suy tim nhiều gấp 3 lần số bệnh nhân ung thư. Đặc biệt, suy tim là một bệnh chính ở người cao tuổi, chiếm ít nhất 20% số bệnh nhân nhập viện ở người trên 65 tuổi. 


Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu ôxy của cơ thể trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân.

1. Vì sao người cao tuổi dễ mắc suy tim?

Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ suy tim ở người cao tuổi ngày càng có xu hướng gia tăng nhưng gần 50% bệnh nhân cao tuổi suy tim nhẹ hoặc nặng không được chẩn đoán đúng.

Theo các nhà nghiên cứu, lý do là nhiều người cao tuổi cho rằng các biểu hiện mệt, giảm khả năng gắng sức có thể nghĩ là do tuổi cao. Bên cạnh đó trí nhớ ở người cao tuổi có thể suy giảm nên dẫn đến khai thác bệnh sử khó khăn và điều quan trọng là các biểu hiện thực thể cũng thường không rõ ràng như người trẻ.

‎Ngoài ra ở người cao tuổi có mắc các bệnh lý nội khoa hoặc lối sống có nguy cơ cao dẫn đến suy tim như:

  • Người cao tuổi mắc tăng huyết áp,
  • Rối loạn lipid máu
  • Tiểu đường
  • Loạn nhịp nhanh
  • Bệnh tuyến giáp (cường giáp hoặc suy giáp)

Theo thống kê có 50% số người trên 65 tuổi bị tăng huyết áp và đây là một nguyên nhân gây phì đại và suy giảm chức năng thất trái. Nếu việc kiểm soát huyết áp không tốt ở người cao tuổi không tốt khiến tim làm việc nhiều và hậu quả là suy tim chắc chắn sẽ xảy ra, đặc biệt là ở người tuổi cao.

Cũng tương tự như vậy là bệnh lý tiểu đường ở người cao tuổi, đây là bệnh lý làm tổn thương mạch vành, gây suy tim ở người già. Nếu người cao tuổi mắc tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá thì sẽ có nguy cơ suy tim càng tăng.

 

2. Nhận biết suy tim ở người cao tuổi

Biểu hiện của suy tim ở người cao tuổi phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân cũng như người bệnh có mắc các bệnh lý kèm theo hay không, nguyên nhân gây ra bệnh suy tim. Nhìn chung các biểu hiện có thể thấy ở người bệnh là:

  • Khó thở, khó thở khi hoạt động nhiều hơn ( đi bộ, hoạt động gắng sức…) sau khi nghỉ ngơi vẫn khó thở và đặc biệt ban đêm khi nằm ngủ khó thở xảy ra thường xuyên.
  • Người bệnh mệt mỏi
  • Có thể xuất hiện phù chân, biểu hiện phù chân này thường xuất hiện từ buổi chiều, sau đó giảm nhẹ khi trời sáng nguyên nhân tình trạng suy tim khiến cho ứ đọng máu và dịch trong tĩnh mạch ngoại biên. Điều đó khiến chân người bệnh dễ bị phù.
  • Một số bệnh nhân xuất hiện ho khan, ho nhiều khi nằm, tình trạng có thể kéo dài, không có đờm.
  • Tiểu đêm thường xuyên ở người cao tuổi cũng có thể là một biểu hiện không điển hình của suy tim, nguyên nhân là do ứ đọng dịch trong cơ thể cả ngày, ban đêm trong tư thế nằm lượng máu đến thận nhiều hơn dẫn đến tiểu nhiều hơn.

Để chẩn đoán xác định ngoài việc khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim… sẽ giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán suy tim tâm thu, hạn chế hơn trong suy tim tâm trương.

3. Suy tim ở người cao tuổi rất dễ gây đột tử

Chính vì vậy, người bệnh suy tim dễ có các cơn rối loạn nhịp tim đột ngột có thể gây đột tử.


 

4. Điều trị suy tim ở người cao tuổi

Nguyên tắc điều trị suy tim là làm giảm triệu chứng, ổn định huyết động nâng cao chất lượng cuộc sống. Phòng ngừa đột tử do suy tim giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ. Tùy từng cá nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc cho phù hợp.

Người bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ định của các bác sĩ, tất cả các thuốc điều trị suy tim đều phải dùng đúng chỉ định, dùng đúng liều và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. 

Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc theo mách bảo, nhất là đối với bệnh nhân có phù vì có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm.

Người cao tuổi cần cần lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày, ngay cả việc tập thể dục thể thao cũng cần phải hạn chế theo tình trạng bệnh. Tốt nhất bệnh nhân hỏi ý kiến bác sĩ điều trị về mức độ tập thể dục chơi thể thao. Trong những trường hợp suy tim nặng cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường.


5. Lời khuyên

Khi được chẩn đoán suy tim, người cao tuổi cần được người thân giúp đỡ thực hiện chỉ định của các bác sĩ điều trị (dùng thuốc, chế độ ăn, tập luyện…). Vì nếu suy tim ở giai đoạn cuối, chất lượng cuộc sống của người bệnh rất thấp. Người thân cần động viên tinh thần và cố gắng tạo những tiện nghi tốt nhất cho người bệnh.

Để phòng suy tim thì người cao tuổi cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, theo dõi điều trị các bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim, điều trị can thiệp sớm các bệnh van tim trước khi tim bị suy hoặc còn đang suy ở mức độ nhẹ.

Điều trị các yếu tố nguy cơ như kiểm soát tốt huyết áp, điều trị rối loạn mỡ máu, điều trị tốt các bệnh phổi mạn tính kèm. 

Nếu đã có suy tim nên được theo dõi và điều trị tại một cơ sở chuyên khoa đáng tin cậy để tránh suy tim tiến triển nặng thêm.

(theo đời sống gia dình)