Qua khỏi ngưỡng cửa “nửa chừng Xuân”, chúng ta bước vào thế hệ gọi là
“đứng tuổi”, tức là lứa tuổi trên 60. Lứa tuổi nầy, ở Mỹ, hầu hết đã
thuộc diện “empty nesters”, khi mà những đứa con như những con chim sổ
lồng, lìa xa tổ ấm. Trái với xã hội và nền văn hoá Việt Nam, người Việt
khi hội nhập vào xã hội Mỹ, hầu hết cũng phải quen với thực trạng con
cái lớn khôn, để lại cha mẹ trong sự đơn côi của căn nhà vắng lặng.
Con người ta, từ bản năng, là một loài “sinh vật xã hội” (social
animal), với sự tương quan giữa những cá nhân trong gia đình, trong xã
hội, đóng một phần rất quan trọng cho sự bền vững của tâm thần, và phát
huy về văn minh, trí tuệ. Ngày xưa, con người thường sống trong một đơn
vị gia đình có rất nhiều con cái, có khi, nhiều thế hệ, con cháu, bà
con, chung dưới một mái nhà. Người lớn chăm sóc trẻ con, và khi về già
lại được con cái chăm lo sức khoẻ.
Tuy nhiên trong vòng một thế kỷ vừa qua, nhất là ở Mỹ, do phải đáp
ứng cho sự đòi hỏi của công ăn việc làm, con cái thường sống xa gia
đình. Ngay chính văn hoá Mỹ cũng chủ trương là khi con cái đã trưởng
thành, thì phải dọn riêng ra khỏi nhà. Người Mỹ cho rằng, “một con chim”
đến tuổi lớn mà không bay ra khỏi tổ, được xem là một sự thất bại trong
việc giáo dục con cái. Hệ quả phải chấp nhận chính là tốc độ gia tăng
của sự cô đơn cho người lớn tuổi.
Thực trạng nầy không chỉ xảy ra riêng ở nước Mỹ mà còn tăng vọt rất
nhiều ở các nước phát triển, do sự gia tăng của tuổi thọ trung bình. Con
người ta ngày nay sống thọ hơn so với người của thế kỷ trước nhờ vào sự
phát triển của khoa học, y khoa, cũng như tiện nghi vật chất do kỹ
thuật đưa đến. Mặt trái của việc sống lâu chính là sự cô đơn của tuổi
già. Tình trạng cô đơn ấy, khi kéo dài lại có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ
của người cao tuổi.
Tình trạng cô đơn bắt nguồn từ những cô lập, tách rời với những người
thân trong gia đình, bạn bè. Sự cô lập ấy có thể bắt nguồn từ chính nội
tâm mà cũng đến từ các yếu tố bên ngoài qua sự tương các của hai phía,
trong và ngoài. Đa số những người nghỉ hưu, sau một thời gian “đi đây đi
đó”, sẽ trở về với sự cô đơn buồn chán. Đó là những người may mắn, có
điều kiện tài chánh. Riêng những người sống ở những nơi hẻo lánh, hay
không có nhiều tiền của, sự đau khổ càng nhiều hơn. Ngoài ra, các nguyên
nhân khác như nghiện ngập, không chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh cá nhân, ăn
uống không điều độ, cũng làm cho sự cô đơn tăng cao bội phần.
Hệ quả tai hại của tình trạng cô đơn là sự rối loạn về tâm thần, về
tri thức, cũng như trầm cảm phiền muộn kinh niên, và cuối cũng là những
ảnh hưởng đáng tiếc đến tình trạng sức khoẻ. Một nghiên cứu cho thấy
trong số những người chết vì bệnh tim, 15% người có bệnh trầm cảm mản
tính. Như thế cô đơn có thể gây ra trầm cảm và dẫn đến tử vong vì bệnh
tim mạch.
Nói một cách an ủi, tất cả chúng ta, ai “cũng, rồi, thì”, sẽ “già
hơn” theo ngày tháng. “Có tuổi” là giai đoạn không thể tránh khỏi của
vòng đời mà ai cũng sẽ đi qua. Thích hay không thích, ta không thể thờ ơ
hay chối bỏ, mà nên chuẩn bị những phương cách để đáp ứng với tình
huống cô đơn, sẽ tới.
Thế thì phải làm những gì để chống lại sự cô đơn?
Như đã đề cập, ở xã hội Tây Phương, con cái lớn mà còn sống với cha
mẹ được xem là điều xấu hổ so với “thiên hạ”. Gần đây, do tình trạng
kinh tế, theo thống kê, gần như 50% thanh niên thuộc thế hệ “millenium”,
20 đến 30 tuổi, vẫn còn sống chung với cha mẹ. Thế hệ mà bà Clinton gọi
là “những người sống bám ở nhà hầm của cha mẹ” (dwellers living in
their parents’ basement). Thật ra, định kiến nầy cần phải điều chỉnh cho
thích hợp. Người lớn nên sẵn lòng giúp đỡ, khi con cái phải dọn về ở
chung, ngược lại, người trẻ cũng nên hiểu, chăm sóc cho cha mẹ lớn tuổi
cũng là một nghĩa cử đáng quý.
Cho dù con cái không ở gần mình, hay nếu không có con cái, người đứng
tuổi nên kết thân, làm bạn với những người trẻ tuổi. Có bạn trẻ sẽ giúp
cho tinh thần thoải mái và trẻ trung hơn. Đó cũng là lý do ngày xưa,
các cụ sống gần con cháu, đa số sống thọ hơn. Nói rộng ra, không những
là bạn trẻ, mà nên kết bạn càng nhiều càng tốt. Sự giao tiếp xã hội,
quen biết nhiều người, bao giờ cũng có lợi hơn là có hại. Những phương
tiện như FaceBook, Twitter, cũng có lợi nếu biết sử dụng như một công
cụ, miễn đừng để nghiện ngập chúng, hay ganh đua, đàm tiếu với những
người bạn ảo.
Ngoài ra, không riêng gì kết bạn với người, kết bạn với thú vật, như
nuôi chó, nuôi mèo, nuôi cá… cũng làm giảm nguy cơ bị bệnh tật và gia
tăng tăng tuổi thọ.
Gần đây ở Mỹ lại có những dịch vụ truyền máu từ người trẻ cho người
già với giá $8,000 dollar một bịch máu, dựa trên một vài nghiên cứu cho
thấy máu của người trẻ khi truyền cho người già có thể làm tăng tuổi thọ
vì nhờ khả năng chuyên chở oxygen cao hơn của hồng huyết cầu trẻ. Cho
dù lý thuyết nầy có đúng đi chăng nữa, sau khi tiếp máu, hồng huyết cầu
chỉ sống độ 3 tháng là nhiều, và lại cần tiếp tục truyền máu mới, chưa
kể những nguy hiểm của việc truyền máu. Để tăng khả năng chuyên chở
oxygen, ta chỉ cần tăng cường vận động, mà theo nghiên cứu mới nhất, chỉ
cần 20 phút mỗi ngày, 3 lần mỗi tuần là đủ. Tập thể dục, khiêu vũ, cũng
là phương cách hữu hiệu để chống lại sự cô đơn.
Về công ăn việc làm, có thể vì lý do kinh tế suy thoái trong 8 năm
qua, rất nhiều người thuộc thế hệ “baby boomers”, sanh từ năm 1946 đến
1964, đã và sẽ dự trù làm việc qua tuổi hưu trí. Làm việc bán thời gian,
“vừa chơi vừa làm” cũng giúp cho ta tránh cô đơn, miễn là công việc
không tạo nên những áp lực không cần thiết. Nếu có điều kiện, và đã nghỉ
hưu, nên đi làm việc thiện nguyện.
Một yếu tố khác đáng lý ra phải nói “đầu tiên”, là chuyện tiền bạc.
Thực tế bao giờ vẫn vậy, có tiền thì có được nhiều vật chất, kể cả sức
khoẻ. Nên để dành tiền đủ khi lớn tuổi, nhưng cũng không nên để dành quá
nhiều cho con cái sau khi mình ra đi. Khuynh hướng của người Á Đông kể
cả người Việt chúng ta là làm lụng cả đời, dành dụm, không dám tiêu xài,
để của lại cho con. Nói ra thì sợ là mình ích kỷ, nhưng nên tiêu xài
cho chính mình trước, vì đồng tiền để lại, quá dễ dàng, có khi chỉ làm
hư hại con cháu mà thôi.
Cuối cùng, không nên quên thường xuyên đi khám bác sĩ để được kiểm
tra sức khoẻ. Sau 60 tuổi, tình trạng sức khoẻ có thể biến đổi rất
nhanh, trong vòng 6 tháng.
Trên đây là những điều… tự khuyên, tự nhủ của tôi. Ai nuôi con cũng
muốn con tự lập được, đủ lông đủ cánh mà bay. Con cái lớn phải rời xa
cha mẹ. “Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, và một con chó cái” là
tình trạng gia cảnh của vợ chồng tôi, không khác gì nhiều bạn đọc cùng
lứa tuổi.
BS. Hồ NgọcMinh/nguoiphuongnam