Móng
tay bảo vệ làn da nhạy cảm khỏi bị hư hại khi chúng ta sử dụng tay. Hầu
hết mọi người không dành nhiều thời gian để quan tâm đến móng tay, trừ
lúc muốn làm đẹp. Chỉ khi mất một chiếc móng tay bạn mới nhận ra nó quan
trọng như thế nào.
Bạn
có biết rằng tình trạng móng tay nói lên rất nhiều điều về sức khỏe của
bạn? Móng tay không ngừng phát triển, chúng chứa đựng cả một hành trình
về dinh dưỡng, bệnh tật, chấn thương, căn bệnh tiềm ẩn của chúng ta.
1. Móng tay trắng hoặc nhợt nhạt
Móng
tay màu rất nhạt có thể là dấu hiệu của suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu
(không đủ chất sắt) hoặc bệnh gan hoặc suy tim xung huyết. Móng tay
trắng có viền sẫm màu có thể là dấu hiệu của bệnh gan. Một dải màu hồng ở
đầu là dấu hiệu của lão hóa, bệnh gan, tim, thận, tiểu đường. Nếu móng
tay của bạn có màu nhợt nhạt hoặc xuất hiện đốm màu (trừ khi bạn bị chấn
thương nên bầm tím) thì nên gặp bác sĩ tư vấn.
2. Móng tay màu xanh hoặc màu vàng
Móng
tay hơi xanh là dấu hiệu cơ thể đang không vận chuyển tốt oxy, có thể
bạn đã mắc bệnh phổi hoặc tim nghiêm trọng. Nếu có dấu hiệu đau ngực,
bạn hãy đi khám bác sĩ. Móng tay vàng thường bị nhiễm nấm. Đôi khi, móng
tay màu vàng có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp nghiêm trọng, bệnh
phổi (như viêm phế quản mãn tính), tiểu đường, phù bạch huyết hoặc bệnh
vẩy nến. Trong một số trường hợp, móng tay màu vàng có thể là dấu hiệu
của bệnh vàng da, liên quan đến tình trạng không khỏe của gan. Móng tay
của người bị bệnh sẽ có trạng thái khô và giòn.
3. Móng gợn hoặc rỗ
Móng
tay bị gợn từ bên này sang bên kia (hoặc rỗ) có thể là dấu hiệu của
bệnh vẩy nến hoặc viêm khớp. Đôi khi da dưới móng sẽ có màu nâu đỏ. Móng
tay bị rỗ có thể chỉ ra một rối loạn mô liên kết như hội chứng Reiter
(hội chứng Reiter là tình trạng viêm khớp (đau và sưng) thường xuyên xảy
ra do nhiễm trùng ở một cơ quan khác của cơ thể, phổ biến nhất là ở hệ
tiết niệu sinh dục, hệ tiêu hóa, ruột hoặc bộ phận sinh dục). Các vết
gợn chạy từ bên này sang bên kia có thể là do chấn thương biểu bì hoặc
bệnh nghiêm trọng sau sốt cao. Nó cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh
tiểu đường không kiểm soát được, bệnh mạch máu ngoại biên hoặc thiếu
kẽm.
4. Móng tay dùi trống (Nail Clubbing)
Nếu
thấy móng tay dần dần phát triển rộng hơn, bọc quanh đầu ngón tay, có
thể bạn đang bị thiếu oxy trong máu và là dấu hiệu của bệnh phổi.
Clubbing cũng có thể là triệu chứng của bệnh viêm ruột, bệnh tim mạch
hoặc gan và AIDS.
5. Móng hình cái thìa
Nếu
móng tay mềm và có thể giữ một giọt chất lỏng giống như chiếc thìa, cơ
thể bạn đang có quá nhiều hoặc quá ít chất sắt. Hiện tượng này cũng xảy
ra khi chúng ta thực hiện hóa trị, xạ trị, tiếp xúc với dầu mỏ, chấn
thương móng. Nó cũng liên quan đến suy dinh dưỡng, tiểu đường, bệnh tim,
thiếu vitamin B và nhiều bệnh khác. Nếu móng tay hình thìa không phải
do di truyền hoặc do chấn thương thì bạn nên đến kiểm tra bác sĩ.
6. Da sưng đỏ xung quanh móng tay
Da
sưng đỏ xung quanh móng tay có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng.
Bạn hãy thử ngâm tay hoặc chân trong muối Epsom hòa nước ấm một vài lần.
Nếu vết đỏ không biến mất, bạn phải đi khám bác sĩ. Tình trạng sưng đỏ
xảy ra là do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc nhiễm trùng nấm men. Đó cũng có
thể là kết quả của hoạt động chân tay quá nhiều (như rửa bát đĩa).
7. Vạch đen dưới móng tay
Vạch
đen sẽ xuất hiện dưới móng tay khi bạn bị chấn thương hoặc do sử dụng
thuốc hóa trị. Các vạch đen cũng là dấu hiệu của các tình trạng rất
nghiêm trọng như HIV, lupus và polyp đường tiêu hóa. Chúng cũng có thể
là một dấu hiệu của khối u ác tính.
Minh Minh/trithuctre