Moderna Therapeutics, công ty công nghệ sinh học ở Cambridge, Massachusetts, vận chuyển lô vaccine Covid-19 đầu tiên tới Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) thuộc Viện Y tế Mỹ (NIH) tại Bethesda, Marryland, để sẵn sàng cho thử nghiệm trên người vào đầu tháng 4. Vaccine này được tạo ra chỉ 42 ngày sau khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố trình tự gene của nCoV vào giữa tháng 1.
Vaccine Covid-19 của Moderna được phát triển trong thời gian kỷ lục do dựa trên phương pháp di truyền tương đối mới không đòi hỏi nuôi lượng lớn virus. Thay vào đó, vaccine chứa mARN, vật liệu di truyền đến từ ADN và tạo ra protein. Moderna đưa vào vaccine mARN mã hóa các protein của nCoV. Tế bào miễn dịch ở hạch bạch huyết có thể xử lý mARN, sau đó bắt đầu sản sinh protein giúp các tế bào miễn dịch khác nhận dạng virus và tiêu diệt.
"mRNA thực sự giống như một phần mềm sinh học. Do đó, vaccine của chúng tôi giống như chương trình phần mềm cho cơ thể, thúc đẩy tạo ra protein kích hoạt phản ứng miễn dịch", tiến sĩ Stephen Hoge, chủ tịch của Moderna, giải thích. Theo Hoge, loại vaccine này có thể được sản xuất nhanh chóng trên quy mô lớn, giúp tiết kiệm thời gian đối phó dịch bệnh.
Các nhà khoa học của NIH cũng bắt đầu thử nghiệm thuốc kháng virus remdesivir được phát triển dành cho Ebola, trên bệnh nhân nhiễm nCoV. Thử nghiệm đầu tiên đối với thuốc điều trị Covid-19 này sẽ do nhóm chuyên gia ở Trung tâm Y tế của Đại học Nebraska chỉ đạo. Trước đó, thuốc remdesivir cho kết quả khả quan trên động vật nhiễm hai loại virus corona cùng họ với nCoV là SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).
Sau hơn 2 tháng dịch Covid-19 lan rộng, nhiều tổ chức nghiên cứu, công ty công nghệ sinh học đã công bố việc phát triển vaccine. Mới đây nhóm nghiên cứu của Giáo sư Huang Jinhai, Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) công bố đã điều chế thành công vaccine dạng uống, sử dụng saccharomyces cerevisiae, một loại nấm men bia làm "chất mang" và protein gai của virus corona để tạo ra kháng thể chống Covid-19. Nhóm nghiên cứu này cho biết, các bước tiếp theo sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp đủ điều kiện hợp tác và đánh giá, tăng tốc thử nghiệm lâm sàng và mở rộng sản xuất.
Hôm 24/2, Giáo sư Paul Young, hiệu trưởng Trường hóa học và sinh hóa phân tử của Đại học Queensland (Australia) cũng bắt đầu thử nghiệm vaccine nCoV trên động vật. Kỹ thuật được nhóm này sử dụng có tên "kẹp phân tử" để tạo ra protein giúp hệ miễn dịch nhận biết vaccine tốt hơn. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể thử nghiệm lâm sàng ở người giữa năm nay.
Trước đó hôm 22/2, nhóm nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cũng công bố nhóm vaccine thứ nhất tiêm thử nghiệm trên chuột đã đáp ứng miễn dịch tốt, sinh ra kháng thể. Các nhà nghiên cứu đã sàng lọc nCoV qua bốn thế hệ. Vaccine được tái tổ hợp trên vật dẫn, bắt đầu tiến hành từ việc nuôi cấy virus, hiện đang thử nghiệm trên động vật.
An Khang (Theo Time, Independent, Sina)