Với chi phí lên tới 50.000 USD (hơn 1,1 tỷ VND), người Việt Nam có thể mua được gói “VIP” sang Anh trái phép, trong đó bao gồm vé máy bay, hộ chiếu giả và cả luật sư bào chữa. Gói VIP được quảng cáo là an toàn hơn những gói đường bộ rẻ hơn trong một ‘menu’ những lựa chọn dành cho những người Việt mang tham vọng tới Anh đổi đời mà những kẻ buôn người đưa ra.
Thông tin về những đường dây tội phạm tinh vi đưa người lậu từ Việt Nam sang Châu Âu ngày càng lộ diện sau vụ 39 người, được tin là người Việt, bị tử nạn trong một thùng xe đông lạnh ở Anh.
Ban đầu cảnh sát Anh nhận định nạn nhân là người Trung Quốc, nhưng sau đó được tin là người Việt Nam sau khi nhiều gia đình ở Việt Nam trình báo con cái mất tích trên đường sang Anh.
Những nạn nhân này có thể đã lựa chọn các con đường khác nhau, tùy vào số tiền mà người nhà của họ có thể gom được, nhưng đều nhận một kết cục.
Với gói “đi VIP”, di dân sẽ có một chuyến hành trình nhanh hơn, dễ chịu và được đảm bảo an toàn hơn, nhưng chi phí lên tới 50.000 USD. Gói rẻ hơn, gọi là “đi cỏ”, gia đình họ chỉ phải nộp khoảng 15.000 USD (350 triệu VND) cho một hành trình dài hơi và mệt nhọc hơn bằng đường bộ, theo một số chuyên gia được báo AFP phỏng vấn.
Gói VIP cũng bao gồm các giấy tờ thông hành, vé máy bay tới Châu Âu, thường là Pháp, Đức hoặc Tây Ban Nha trước khi thực hiện chuyến đi cuối cùng tới Anh.
“Họ để bạn liên lạc trực tiếp với một nhóm ở Pháp để hỗ trợ bạn ở đầu bên đó”, Chung Pham, người làm việc với tổ chức Locate International có trụ sở ở Anh, có nhiệm vụ giúp tìm kiếm di dân Việt Nam mất tích ở Anh, nói.
Khi tới được Anh, những di dân mua gói VIP còn được cung cấp luật sư người Việt và phiên dịch viên nếu chẳng may bị cảnh sát bắt.
“Điều này cho thấy họ có tổ chức và hệ thống đến mức nào”, Pham nói.
Anh Quốc từ lâu đã là một điểm đến hàng đầu cho di dân người Việt do có những mạng lưới tội phạm tinh vi sẵn sàng cung cấp việc làm cho những người mới sang trái phép, mặc dù thường là những công việc lương thấp hơn là quảng cáo.
Những tỉnh nghèo miền Trung Việt Nam là một thị trường lý tưởng cho những kẻ buôn người và môi giới với các đầu mối liên hệ khắp thế giới.
Các gia đình ở đây bán hoặc cầm cố đất đai để vay khoản tiền lớn chi trả cho các chuyến đi của con cái, với niềm tin rằng đây là một khoản đầu tư sẽ sớm hoàn vốn sau một thời gian ngắn.
Gia đình của Hoàng Văn Tiệp, 18 tuổi, tin rằng anh là một trong số 39 nạn nhân chết trong thùng xe tải ở Anh.
Những kẻ buôn người đã cam kết rằng với 13.000 USD, anh sẽ được đảm bảo một chuyến đi an toàn trong chặng cuối từ Pháp tới Anh.
“Tôi nghe nói nó sẽ đi chuyến VIP, trong một xe ô tô 4 chỗ. Nhưng họ đã nói dối”, bà Hoàng Thị Ái, mẹ của anh Tiệp nói với AFP từ nhà riêng ở xã Diễn Thịnh, Nghệ An.
Lúc đó Tiệp đã sống ở Pháp được một năm sau chuyến đi vòng qua Nga với chi phí 17.500 USD. Số tiền 13.000 USD cuối cùng sẽ được trả sau khi Tiệp tới Anh.
Nhưng gia đình không bao giờ liên lạc được với Tiệp lẫn kẻ buôn người nữa.
Gia đình không phải trả khoản tiền trên, liên lạc trong đường dây đưa Tiệp đi đã biến mất, nhưng gia đình vẫn còn nợ ngân hàng 4.300 USD.
“Nếu tôi biết nó sẽ đi bằng xe tải, tôi đã không cho con đi”, bà Ái nói.
Bất chấp những lời dụ dỗ, “gói đi VIP” chỉ đưa những di dân này tới Pháp hoặc Bỉ, điểm chốt thông thường trước chuyến đi tới Anh. Sau đó, dù là đi “VIP hay “cỏ”, những người này có rất ít lựa chọn ngoài trốn trong thùng xe tải để đi qua kênh đào Anh.
39 nạn nhân ở Anh nhiều khả năng là bao gồm cả những người đi VIP và đi thông thường, Pham nói, dựa theo thông tin bà biết về chi phí của từng người.
Đối với những người ít tiền hoặc đi VIP nhưng chịu tiền, các chuyến đi thường xa hơn và nguy hiểm hơn.
“Với tuyến đi ‘nông dân’, bạn sẽ phải đi bộ bằng chân hoặc trên xe tải qua rừng và có thể mất hàng tháng”, Pham nói.
Những tay buôn người người Việt gọi các lựa chọn giá rẻ này là “gói cỏ”, và thường phải đi vòng qua Nga hoặc Trung Quốc.
Trong hành trình tiếp theo về hướng tây, những người này thường bị ép làm việc để trả chi phí cho các chặng tiếp theo, và nhiều khả năng bị cảnh sát biên giới bắt.
Họ phải nấu ăn, làm việc trong nhà máy hoặc bán hàng rong ngoài chợ. Một số, bao gồm trẻ vị thành niên, bị ép bán dâm, theo một báo cáo của tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế, ECPAT UK và Pacific Links Foundation.
Rất nhiều người bị bọn buôn người lừa rằng chuyến đi của họ sẽ rất nhẹ nhàng nếu họ trả đủ tiền.
“Những người này phải chịu rủi ro lớn”, một người đàn ông Việt Nam từng làm việc ở trang trại trồng cần sa ở Anh và mới trở về nước nói.
“Họ không thể kiểm tra những cam kết của bọn buôn lậu, nên họ cứ phải tin thôi”, người này nói với AFP với yêu cầu giấu tên.
Đối với nhiều người Việt Nam, một cơ hội đổi đời là rất khó từ chối.
Chính mục tiêu này đã thúc đẩy Nguyen Van Hung thực hiện chuyến vượt biên năm 2018 sau khi trả cho đường dây 17.000 USD để có một quyển hộ chiếu giả và vé máy bay sang Nga.
Để có khoản tiền này, gia đình của Hung vay từ một quỹ tín dụng địa phương và nói dối là để đầu tư trồng đậu.
Gia đình không rõ anh đi từ Nga sang Pháp bằng con đường nào, nhưng vài tuần trước, từ Pháp anh gọi điện về nhờ mẹ vay thêm tiền để chuẩn bị cho chặng cuối sang Anh.
“Chúng tôi không nghe tin gì về nó kể từ đó”, mẹ của Hung nói.
Đức Trí (theo AFP)/anle20