Glucosamine
Là
một loại “thuốc” không cần toa bác sĩ. Thật ra, nó được xếp vào loại
chất (được hãng sản xuất đăng ký – registered – với FDA, nhưng không
phải được FDA chuẩn thuận – approved) phụ trợ cho thực phẩm (dietary
supplement), và không được FDA kiểm soát chặt chẽ như các loại thuốc
(chính thống, được FDA approved). Đây là một trong số hiếm hoi các chất
phụ trợ cho thực phẩm đã được nghiên cứu tương đối kỹ lưỡng và khoa học.
Glucosamine
là một chất đường amine (amino-sugar) được sản xuất một cách tự nhiên
trong cơ thể. Nó là thành phần chính cần thiết cho sự tổng hợp những
thành phần cấu trúc của sụn (như glycolipids, glycoproteins, hyaluronic
acid, proteoglycan…). Glucosamine cũng thúc đẩy sự sản xuất ra chất
hyaluronic acid, và điều này góp phần vào tác dụng chống viêm của nó.
Có
một số nghiên cứu khoa học trước đây, đã được đăng trên các tạp chí y
khoa có uy tín cho thấy rằng với liều 1500 mg mỗi ngày, glucosamine có
thể giúp giảm đau trong bệnh viêm xương khớp. Trong các sản phẩm được
bán trên thị trường, nó có thể được kết hợp với các chất khác như
chondroitin sulfate, S-adenosylmethionine, đồng (copper), kẽm (zinc)…
Chất chondrointin sulfate cũng đã được nghiên cứu và cho tới nay có vẻ
như là nó cũng có thể góp phần trong việc giảm đau. Tuy nhiên, sự ích
lợi của sự kết hợp của glucosamine với các chất khác vẫn chưa được chứng
minh rõ ràng.
Gần
đây hơn, một số nghiên cứu lại thấy tác dụng của glucosamine có vẻ
không có tác dụng hơn các thuốc giả ( placebo. Và đôi khi nếu có tác
dụng trong một thời gian ngắn. Và nếu có tác dụng, nó thường có vẻ có
hiệu quả hơn ở người trẻ.
Nếu
dùng thử glucosamine trong vòng hai tháng mà không thấy hiệu quả gì hết
thì ta nên ngưng thuốc vì dùng thêm chỉ tốn tiền vô ích. Glucosamine
không có tác dụng trên tất cả mọi người, và nếu có tác dụng, ta sẽ cảm
thấy trong vòng hai tháng.
Trong
một số nghiên cứu về thời gian sử dụng của glucosamine, người ta thấy
rằng nếu dùng trên sáu tháng, tác dụng giảm đau của nó không khác gì
thuốc giả (placebo). Tuy nhiên, ngoài tác dụng giảm đau, trong một số
nghiên cứu, người ta cũng thấy nó có thể góp phần vào việc làm chậm lại
sự tiến triển của viêm xương khớp, và cho tác dụng này, vẫn chưa có
nhiều nghiên cứu được công bố xem thời gian sử dụng nên là bao lâu.
Những
ai bị dị ứng với shellfish (các động vật dưới nước có vỏ cứng như
nghêu, sò, ốc, hến, tôm, cua…) không nên dùng glucosamine.
Colchicine
Colchicine
là thuốc thường được dùng nhiều hơn trong việc chữa các cơn đau cấp
tính (và gần đây có nghiên cứu cho thấy dùng thường xuyên nó có thể giúp
giảm bớt các đợt bùng phát cấp tính) của bệnh thống phong (gout). Trong
bệnh viêm xương khớp, thuốc này thường được khuyến cáo sử dụng ở những
người có triệu chứng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) đã không thể chữa một
cách hiệu quả với các biện pháp không dùng thuốc và các thuốc NSAIDs.
Viêm xương khớp loại này thường có liên quan với sự hiện diện của các
tinh thể vôi (calcium crystals) trong các khớp.
Bác
sĩ sẽ có thể cho ta sử dụng colchicines một cách thường xuyên nếu ta bị
các đợt bùng phát (flares) của bệnh một cách thường xuyên.
Ở
những người bị bệnh gan hay thận, tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh
(gan hay thận), bác sĩ sẽ phải giảm liều hoặc tránh dùng thuốc này một
cách hoàn toàn, vì các tổn thương này khiến việc đào thải của thuốc ra
khỏi cơ thể bị giảm (khiến nồng độ của thuốc trong cơ thể có thể quá cao
một cách không lường trước được) và làm tăng nguy cơ bị các tác dụng
phụ của thuốc.
Hydroxychloroquine (Plaquenil)
Là thuốc thường được sử dụng để trị sốt rét.
Plaquenil
cũng có tác dụng điều chỉnh hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể góp
phần vào việc giảm viêm (là một trong những phản ứng đề kháng của cơ
thể) của viêm khớp ở một số người.
Thuốc
này thường chỉ được sử dụng ở những người bị viêm xương khớp với các
triệu chứng viêm trầm trọng không thể điều trị một cách hiệu quả bằng
các biện pháp không dùng thuốc và các thuốc khác. Nó cũng có thể được sử
dụng ở những người bị viêm xương khớp đã bị tổn thương đến xương.
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng