Oán hận là cảm xúc thường tình, còn khoan dung là biểu
hiện của trí huệ. Để có thể khoan dung với người khác thì phải học
quên và… nhớ.
Cái túi của Hercules
Hercules là một dũng sỹ trong Thần
thoại Hy Lạp. Một ngày nọ, khi đang đi trên đường núi gập ghềnh,
Hercules thấy một vật trông như cái túi, chàng coi đó là một vật cản và
đã dẫm mạnh vào nó. Tuy nhiên, chàng bị bất ngờ vì vật này đã
không bị bẹp xuống mà lại phình to hơn. Hercules liền vớ một cây gậy
gỗ và đập nó thật mạnh, trớ trêu là càng đập thì nó càng phình
to ra. Cuối cùng, nó chặn kín con đường độc đạo mà chàng đang đi.
Đúng lúc ấy, một vị Thánh xuất hiện và
nói với Hercules: “Anh bạn, hãy để nó yên. Hãy quên đi và tránh xa khỏi
nó, bởi vì đó là cái túi của sự hận thù. Nếu anh không động vào thì nó
vẫn nhỏ. Ngay khi bị anh đánh thức, nó sẽ phình to ra, phong bế con
đường và trở thành kẻ thù của anh mãi mãi!”.
Trong cuộc sống, vì nhiều lý do, chúng
ta có thể bị người đời ghen ghét, hãm hại, sỉ nhục, lừa gạt… Nếu chúng
ta sinh lòng oán hận, muốn trả thù thì cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu
làm thế thì đôi bên sẽ không ngừng gây tổn thương cho nhau, bản thân
chúng ta cũng không thể sống yên ổn. Oán khí chất chồng, sẽ có ngày
tích tụ ác duyên sâu dày không gỡ nổi.
Ruộng dưa vùng biên giới
Thời Chiến Quốc, nước Lương có vị đại
phu tên gọi Tống Tựu, từng làm huyện lệnh ở vùng biên giới giáp ranh
với nước Sở. Hai nước Lương, Sở dựng lên một trạm gác biên giới, lính
gác hai bên đều trồng dưa trên đất của họ.
Quân Lương cần mẫn chịu khó, chăm tưới,
nên dưa của họ lên rất xanh tốt. Lính nước Sở thì lười hơn, ít tưới
nước nên dưa không tốt lắm. Lính Sở sinh lòng đố kỵ, nhân lúc nửa đêm
lẻn sang dẫm đạp, phá vườn dưa của quân Lương.
Chuyện này được báo lại cho huyện
lệnh Tống Tựu bên Lương. Quân lính rắp tâm trả thù, chuẩn bị qua dẫm
nát ruộng dưa nước Sở. Tống Tựu nghe vậy lắc đầu mà rằng: “Kết oán với
người ta là rước họa vào thân. Dù họ làm chuyện xấu với mình, chúng
ta vẫn phải đối xử cho tốt, sao lại hẹp hòi vậy! Ta bảo các ngươi
cách này, mỗi tối cử một người âm thầm sang tưới nước cho ruộng dưa bên
Sở, đừng để họ biết”.
Thế là mỗi sáng sớm, lính Sở ra đến
ruộng đã thấy dưa được nước tưới rồi. Cứ như vậy, ruộng dưa bên Sở ngày
một tươi tốt. Thấy kỳ lạ, họ bèn âm thầm quan sát, dò hỏi mới biết,
hóa ra đều là lính bên Lương làm. Quá ngạc nhiên, họ bèn báo cáo lại
chuyện này cho quan nước Sở.
Quan quân nước Sở sau khi biết chuyện,
thấy rất khó xử, bèn mang lễ hậu tới tạ lỗi với lính gác nước Lương và
ngỏ ý muốn kết giao với nước Lương. Vua nước Sở sau đó nhiều lần ca
ngợi vua nước Lương giữ lễ nghĩa, quan hệ láng giềng hữu hảo giữa hai
nước cũng bắt đầu từ đó (Theo “Tân Tự”).
Sự bao dung tinh tế đã vun đắp quan hệ hữu hảo giữa hai nước Lương và Sở. (Ảnh minh họa: read01.com)
Vì sao chúng ta khó khoan dung?
Dù ai cũng biết khoan dung là khôn
ngoan, sáng suốt, nhưng khi lâm vào hoàn cảnh tiêu cực thực tế lại thấy
rất khó cảm thông, tha thứ.
Thật khó khoan dung khi tội lỗi của đối
phương còn nóng hổi, rành rành, độc ác… còn vết thương của ta
thì vẫn đang đau xót, rỉ máu.
Thật khó khoan dung khi người ta chỉ
biết nâng niu, bảo vệ bản thân, luôn soi xét xem mình đã chịu những
thiệt thòi gì, bị xúc phạm ra sao, đáng lẽ phải được đối
xử tốt như thế nào…
Thật khó khoan dung khi người ta không
tin vào Luật Nhân Quả. Trong đó dạy rằng, những đau khổ, bất
hạnh ở kiếp này đều là quả báo đến từ tiền kiếp. Rằng những người gây
đau khổ cho ta hiện nay chính là nạn nhân của ta ở đời trước.
Thật khó khoan dung khi những lợi ích
hiện thực như danh tiếng, tiền bạc, quyền lực hay tình cảm… luôn được
người đời xem là quan trọng hàng đầu. Nếu nhìn sâu và xa
hơn để thấy rằng, so với Luân Hồi vạn kiếp, cuộc đời này chỉ trôi
qua trong chớp mắt, thì chúng ta hẳn sẽ coi nhẹ những thứ vật chất
tầm thường, bị tổn hại một chút cũng chẳng hề gì, buông bỏ hết oán hận
mà sống cho vui vẻ.
Vì vậy, để có thể khoan dung
với người khác, ta cần phải học cách quên đi những cảm xúc tiêu
cực, xóa trắng ký ức đau buồn, quên đi cái Tôi ích kỷ… Mặt khác,
phải luôn nhớ rằng mọi sự tốt – xấu đến với ta ở hiện tại đều
xuất phát từ Luật Nhân Quả – Báo Ứng, và cuộc đời này vốn chỉ là
một tích tắc trong vạn kiếp Luân Hồi!
Thanh Ngọc
dkn.tv/nguoiphuongnam