Vì sao người ngã xuống Biển Chết (Dead Sea)không chìm?
Bơi lội trong Biển Chết bạn đừng bao giờ lo chết đuối, bởi vì hàm lượng muối trong nước biển ở đây cao tới 270 phần nghìn. Tỷ trọng nước biển còn lớn hơn cả tỷ trọng người bạn. Vì thế ta có thể nổi trên biển như một tấm gỗ.
Nhưng tại sao trong khi hàm lượng muối trung bình của nước biển trên tầng mặt các đại dương chỉ có khoảng 35 phần nghìn, còn hàm lượng muối trong Biển Chết lại cao đến vậy?
Giở bản đồ ra chúng ta sẽ thấy Biển Chết nằm ở vùng biên giới phía Tây của Jordan, là chiếc hồ thấp nhất thế giới, lọt thỏm trong vùng có địa hình xung quanh tương đối cao.
Thực ra, Biển Chết không phải là biển thực sự mà chỉ là một cái hồ không có đường ra, với một số con sông không lớn mang nước đổ vào. Chính đặc điểm này đã quyết định tính chất của nó.
Chung quanh các con sông chảy vào Biển Chết phần lớn là sa mạc và nham thạch đá vôi. Các tầng nham thạch đó có chứa rất nhiều muối khoáng. Vì thế, nước sông chảy vào Biển Chết đều có hàm lượng muối rất cao.
Do biển không có đường ra nên toàn bộ những khoáng chất này đều bị giữ lại toàn bộ. Đồng thời Jordan lại là vùng hanh khô, ít mưa. Mặt trời gay gắt không ngừng làm cho nước trong cái “vũng” kín này bốc hơi rất mạnh.
Trong khi đó, một nguồn nước chính của Biển Chết đó là sông Jordan lại bị rút bớt đáng kể để phục vụ công việc tưới tiêu. Tháng năm qua, hàm lượng muối trong biển ngày càng nhiều, ngày càng đậm đặc. Kết quả là trong thuỷ vực này, trừ một vài vi khuẩn, không có sinh vật nào tồn tại được, vì thế nó mới được mang cái tên không lấy gì làm đẹp đẽ - Biển Chết.
---------------------------------------------------------------------------------------------
Đọc thêm
Biển Chết Độ mặn ở Biển Chết cao gấp 10 lần so với nước ở các đại dương. Một lít nước ở Biển Chết nặng 1,240kg. Không một loài sinh vật nào có thể tồn tại ở Biển Chết, kể cả loài thủy sinh như rong tảo. Vì nước có trọng lượng rất nặng nên khi nằm ngửa, người ta nổi bồng bềnh trên mặt nước chứ không bị chìm xuống.
Du khách trên Biển Chết Cát trên bờ biển rất nóng. Từ trên nhà nghỉ, du khách phải mang dép để đi qua bãi cát dẫn đến mép nước, nếu không sẽ bị bỏng chân. Du khách được căn dặn trước là chỉ được ngâm mình trong nước biển chứ không được bơi lội, vì nếu để nước biển vào mắt, mũi hay miệng thì rất nguy hiểm. Khi nằm trên mặt nước thì chỉ nên nằm ngửa chứ không nằm sấp. Mọi người bước chân xuống mép nước thì lạ thay không có cát, dưới đáy biển chỉ có bùn đen xen lẫn với nhiều hòn đá lởm chởm. Tôi bước đi và suýt té mấy lần, ra đến chỗ nước đến bụng thì ngồi xuống ngâm nước và lấy bùn trét vào người như mọi du khách vì bùn ở đây rất tốt cho sức khỏe. Lấy ngón tay nhúng vào nước biển rồi cho vào lưỡi nếm thử thì cảm thấy rát bỏng cả đầu lưỡi. Tắm bùn Sau khi lên bờ, mọi người vào cửa hàng bên cạnh nhà nghỉ. Ở đây bán toàn những sản phẩm được chế xuất từ bùn và nước ở Biển Chết. Có cả một nền công nghiệp ăn theo Biển Chết với những nhà máy của Israel và của Jordan chuyên sản xuất thuốc chữa bệnh về thấp khớp, bệnh ngoài da và các loại mỹ phẩm dưỡng da mà nguyên liệu lấy từ lòng biển. ( theoTrần Vĩnh An)
Link nguồn : https://doanhnhanplus.vn/tam-o-bien-chet-57127.html
Link nguồn : https://doanhnhanplus.vn/tam-o-bien-chet-57127.html
******
Đọc báo trên Biển Chết Người Do Thái có câu: "Đến Israel mà không đi tắm ờ Biển Chết, coi như chưa tới Israel". Gọi là biển nhưng thực ra đó chỉ là một cái hồ lớn nằm ở vùng sa mạc phía Đông Nam Israel. Đường biên giới Israel và Jordan chạy dọc giữa hồ, chia Biển Chết thành hai nửa gần bằng nhau cho hai nước. Hồ này rộng 1.040 km2, mặt hồ thấp hơn 400 m so với mặt nước biển nên là điểm thấp nhất của bề mặt trái đất. Đây là nơi chứa không chỉ muối ăn mà nhiều khoáng chất khác từ bề mặt trái đất trôi xuống. Hiện nay trên thực tế Biển Chết cũng chết dần theo đúng nghĩa đen. Khí hậu sa mạc đang làm nước hồ bốc hơi nhanh hơn lượng nước nhỏ bé được bổ sung từ dòng sông Jordan. Con sông này chỉ nhỏ bằng sông Tô Lịch ở Hà Nội nhưng đã trở nên nổi tiếng do cuộc chiến tranh Trung Đông.
Gọi là Biển Chết vì nước ở hồ này rất mặn, đến mức không một sinh vật nào có thể sống nổi. Nếu như độ mặn ở nước biển thông thường là khoảng 2,5% thì nước ở Biển Chết có nồng độ mặn 38%. Để cứu Biển Chết, Chính phủ Israel đã có dự án đưa nước biển Địa Trung Hải vượt qua chặng đường hơn 100 km bơm vào Biển Chết để làm loãng nồng độ muối trong nước hồ. Nhưng dự án này mới nằm trong kế hoạch ít có khả năng được thực hiện trong tương lai gần vì quá tốn kém.
Từ thành phố Haifa ra ở phía Bắc Israel, lên một chiếc xe buýt 40 chỗ ngồi, đi về hướng Đông Nam, vượt qua sa mạc lớn trên chặng đường hơn 250 km mới tới được Biển Chết. Khí hậu sa mạc, nhiệt độ ban ngày vùng Biển Chết luôn ở mức 38-40 độ C, thật lý tưởng cho những ai đi tắm biển. Bãi tắm Ein Bokek nơi dừng chân là khu du lịch nổi tiếng thế giới, cơ sở hạ tầng hoàn hảo với nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng. Lội xuống nước để bơi ra xa, thấy cảm giác thật kỳ lạ, nước ngập đến đâu bề mặt da cơ thể ở đó bỗng có một lớp bọt nhỏ nhầy, trơn như được xát xà phòng xuất hiện. Đến lúc hai chân không còn chạm đất nữa thì toàn thân bỗng nổi lên như một quả bóng, cảm thấy như mình không còn trọng lượng nữa. Chỉ cần một cử động nhẹ thôi cũng đủ làm cho toàn thân xoay tròn, chao đảo trên mặt nước. Mỗi lần như vậy phải vất vả lắm mới lấy lại được thăng bằng.
Nước Biển Chết chứa nồng độ muối cao nên có khối lượng riêng lớn hơn khối lượng riêng của cơ thể con người, khiến ta không cần làm động tác gì cũng tự nổi được trên mặt nước. Dang rộng hai tay, hai chân trên mặt nước để giữ thăng bằng rồi nằm ngửa, đầu gối lên một cánh tay, đeo kính râm đọc báo. Mấy người cùng tắm ở Biển Chết còn nằm ngủ một lúc khá lâu trên mặt nước. Thử chấm lưỡi vào nước Biển Chết thấy ngay sự bỏng rát vì nước có độ mặn cao. Nước Biển Chết nếu xộc vào mũi, lỗ tai, những chỗ da mỏng và nhạy cảm đều khiến người ta cảm thấy bỏng rát như chạm vào nước nóng.
Do người luôn nổi bồng bềnh trên mặt nước nên bơi ở Biển Chết rất khó. Người ta không thể bơi được theo lối thông thường mà phải rất nhẹ nhàng dùng tay như chiếc mái chèo để đẩy người đi, không khác mấy cách bơi của con vịt. Đầu phải luôn được giữ ở tư thế trên mặt nước nên rất mỏi. Nếu hai tay gạt nước không đều sẽ làm cho cơ thể mất cân bằng, xoay tròn giống hệt như một cây gỗ nổi xoay trên mặt nước vậy. Vì thế bơi ở Biển Chết chỉ được cái cảm giác lạ mà cười vui thôi chứ thực ra không thích như bơi trong nước ngọt hay ở ngoài đại dương.
Ven bờ Biển Chết cũng có những bãi cát dài. Do nhiễm mặn độ cao, dưới cái nắng gay gắt vùng sa mạc, cát trở nên nóng hơn 50 độ C. Đi chân trần trên cát lúc này chẳng khác nào đang đi trên muối rang nóng. Tuy nước Biển Chết rất mặn và chất lượng muối cao, người ta vẫn không dùng để sản xuất muối ăn. Lý do chỉ đơn giản là nếu sản xuất muối ăn tại đây, việc vận chuyển qua sa mạc khó khăn nên giá thành rất cao. Israel có bờ biển dài phía Tây nên dễ dàng sản xuất muối ăn từ nước biển Địa Trung Hải.
Có điều thú vị là do Biển Chết nằm ở vị trí thấp nhất của bề mặt trái đất nên nước ở đây ngoài muối còn chứa nhiều loại khoáng chất khác có tác dụng chữa bệnh. Tắm Biển Chết chỉ một lần, nhiều người mắc bệnh ngoài da trước đây tự dưng thấy khỏi hẳn. Tận dụng lợi thế dó, các công ty hóa mỹ phẩm lsrael đã chế từ bùn và nước Biển Chết ra những loại mỹ phẩm cao cấp, độc đáo rất nổi tiếng.
Khu vực quanh Biển Chết nước cũng bị nhiễm mặn nặng. Nhờ đó thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây rất thích hợp với các cây nho và chà là. Hai loại cây này ưa nhiệt độ cách biệt lớn giữa ngày và đêm của sa mạc. Nho và chà là có sức chống lại sự khắc nghiệt của môi trường rất cao. Khi trồng ở vùng đất mặn, hai loại cây này tạo ra một cơ chế sinh học để cân bằng lại. Kết quả là trái nho và chà là nhờ cơ chế kháng mặn mà trở nên ngọt hơn bình thường rất nhiều. Điều này giải thích vì sao nho và chà là ở vùng Biển Chết có độ đường cao, tạo ra vị ngọt sắc không ở đâu sánh bằng. (Theo TPCN)
(bài do bạn Mậu Trần giới thiệu)