Tìm hiểu ngay xem vì sao mình bị chóng mặt để có biện pháp khắc phục kịp thời, không gây hại hơn cho sức khỏe.
1- Mất nước
Mất nước là khi cơ thể bạn không có đủ chất lỏng để hoạt động. Triệu chứng này xảy ra khi bạn uống quá ít nước mỗi ngày, nhất là vào những ngày trời lạnh. Mất nước có thể khiến bạn chóng mặt thường xuyên, mệt mỏi, ít đi tiểu, nước tiểu đục và không nhiều… Để điều trị chứng chóng mặt do mất nước gây ra thì bạn chỉ cần nhớ bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể sẽ nhận được hiệu quả tích cực ngay.
2-Hạ đường huyết
Mặc dù nhiều khuyến cáo cho biết rằng, ăn quá nhiều đường sẽ không tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, nếu bạn cắt giảm hoàn toàn đường có thể khiến mức đường trong máu thiếu hụt. Lúc này, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, run rẩy, dễ mệt mỏi, tim đập nhanh, hay đói, cáu gắt…
Nếu gặp các triệu chứng này mà trước giờ cơ thể không có tiền sử nhiều bệnh nguy hiểm khác thì có khả năng bạn đang bị thiếu đường.
Uống một ly nước trái cây, ăn vài loại trái cây ngọt hoặc ngậm một viên kẹo ngọt sẽ giúp cân bằng lại lượng đường đang thiếu hụt và giảm các triệu chứng chóng mặt ngay.
3-Đau nửa đầu (migraine)
Cơn đau nửa đầu migraine có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Cùng với đau đầu, bạn có thể gặp các triệu chứng như giảm tầm nhìn, buồn nôn, ói mửa, người lâng lâng và mệt mỏi… Đặc biệt, người bị chứng đau nửa đầu sẽ rất dễ bị chóng mặt và triệu chứng chóng mặt này có thể xuất hiện ngay cả khi bạn không bị đau đầu.
Nếu nghi ngờ mình bị chóng mặt do đau nửa đầu gây ra thì bạn nên lưu ý hạn chế rượu, caffeine. Ngoài ra, tốt nhất là bạn nên đi khám để nhận được chữa trị tốt nhất vì bệnh đau nửa đầu migraine sẽ gây nhiều khó chịu cho các sinh hoạt hàng ngày.
4-Hạ huyết áp
Huyết áp chính là lực đẩy của máu khi lưu thông trong các thành mạch và chảy đi khắp cơ thể. Khi huyết áp giảm, triệu chứng đầu tiên bạn cảm nhận được ngay là chóng mặt, mệt mỏi, ngoài ra có thể kèm thêm buồn nôn, khát nước, thở nhanh và nông, da tái nhợt, khó tập trung…
Có rất nhiều nguyên nhân gây hạ huyết áp như vấn đề tim mạch, mất nước, thiếu vitamin… Lúc này, tốt nhất là bạn nên uống ngay một cốc nước để giúp máu lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng lặp đi lặp lại nhiều lần thì bạn nên đi khám để được điều trị hiệu quả.
5-Thiếu máu
Các tế bào máu đỏ mang oxy đến tất cả các cơ quan và các mô. Khi bạn bị thiếu máu, cơ thể không có đủ hồng cầu hoặc những tế bào này không hoạt động tốt dẫn đến thiếu oxy nên dễ cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi.
Ngoài ra, nếu bị thiếu máu bạn cũng cảm thấy các dấu hiệu kèm theo như khó thở, yếu sức, nhịp tim nhanh hoặc không đều, đau đầu, tay chân lạnh, da nhợt nhạt… Nếu gặp tình trạng này thường xuyên thì bạn cần lưu ý đến chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn, nhất là tăng cường các thực phẩm giàu chất sắt sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả.
6-Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) thường gây ra tình trạng mệt mỏi liên tục, thậm chí ngay sau một giấc ngủ ngon. Các triệu chứng của CFS bao gồm chóng mặt, khó giữ cân bằng, thường xuyên mệt mỏi hoặc các dấu hiệu như rối loạn giấc ngủ, khó nhớ, khó tập trung, đau cơ…
CFS là một chứng bệnh khá khó trị vì nó tùy thuộc vào thể trạng và sức khỏe mỗi người. Do đó, khi gặp các dấu hiệu vừa kể trên thì tốt nhất bạn nên đi khám để điều trị đúng cách và không gây hại về sau.
Theo Healthline