Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh thận mạn tính (chưa phải lọc thận)

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính không hồi phục theo thời gian nhiều tháng, nhiều năm do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của các đơn vị thận. Bệnh thận mạn là do sự bất thường về cấu trúc hay chức năng thận kéo dài trên 3 tháng gây ảnh hưởng đến sức khỏe do thận không còn đủ khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi gây rối loạn chuyển hóa, giảm đào thải urê, acid uric, creatinin..

Những bệnh lý có thể dẫn đến  suy thận mạn gồm có bệnh cầu thận (viêm cầu thận cấp,tiểu đường, bệnh tự miễn...); bệnh ống thận mô kẽ (thuốc độc thận, sỏi niệu, u tiền liệt tuyến, nhiễm trùng tiểu...); bệnh mạch máu thận (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hẹp động mạch thận, bệnh vi mạch thận...); bệnh thận bẩm sinh (thận đa nang).

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian phải chạy thận đồng thời giúp hạn chế biến chứng của bệnh thận mạn hay đợt cấp suy thận mạn và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Đặc điểm chế độ dinh dưỡng

Nguyên tắc xây dựng thực đơn: Ít protein (0,6 – 0,8g/kg/ngày), giàu năng lượng (35 – 40 kcalo/kg/ngày), đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu  máu, đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan, giàu canxi, ít phosphat.



Lợi ích của chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suy thận mạn

Phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng, điều chỉnh rối loạn chuyển hóa, làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân suy thận mạn: khá cao, chiếm 40%. Đặc điểm suy dinh dưỡng ở các bệnh nhân này do giảm protein, bệnh nhân suy thận mạn béo phì vẫn có thể bị suy dinh dưỡng do giảm khối cơ xương.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân suy  thận mạn chưa chạy thận 


Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở bệnh nhân bệnh thận mạn là do, ăn vào không đủ (chán ăn, nôn ói, kiêng khem, hạn chế quá nhiều protein...), do rối loạn chuyển hóa, toan chuyển hóa, nhiễm độc urê, hội chứng viêm, rối loạn hormon như tăng cortisol, giảm hoạt tính insulin, giảm erythropoietin, bệnh đường tiêu hóa.

Nhu cầu dinh dưỡng bệnh nhân suy thận chưa chạy thận:

 Năng lượng cần thiết (35 – 45kcal/kg/ngày) gồm:


Chất đạm: Nhu cầu chất đạm trong khẩu phần tùy thuộc vào độ nặng của bệnh khoảng 0,8g/kg/ngày.
Lợi ích của việc giảm đạm trong khẩu phần là làm giảm ứ đọng các sản phẩm thải  trong cơ thể, hạn chế biến chứng tăng urê máu, làm giảm triệu chứng của suy thận mạn (nôn ói, mệt mỏi, chán ăn, ngứa da...), chậm tiến triển đến suy thận mạn giai đoạn cuối.
Nếu khẩu phần ăn quá thấp chất đạm hay không đủ chất đạm có giá trị sinh học cao, có thể xem xét bổ sung keto/aminoacid theo chỉ định của bác sĩ.

Chất béo: Dưới 30% tổng năng lượng khẩu phần.

Chất bột đường (carbohydrate): Khoảng 55-60% tổng năng lượng khẩu phần. Nên dùng đường phức, giàu xơ, thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp nếu bệnh nhân có kèm bệnh đái tháo đường.

Các vitamin và khoáng chất:  Canxi (900-1200mg/ngày); phốt pho (300 - 600mg/ngày); natri: 1000 -2000mg/ngày (tương đương 2,5-5g muối ăn NaCl/ngày) tùy theo mức độ phù và tăng huyết áp; Kali: 2000-3000 mg/ngày, hạn chế dưới 1000mg khi có tăng kali máu, phù và tiểu ít; Sắt: cần bổ sung khi chế độ ăn giảm đạm nhiều hay bệnh nhân ăn chay; Bổ sung vitamin tan trong nước như vitamin nhóm B (B1, B2), đặc biệt vitamin C. Không khuyên bổ sung vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K), trừ khi bệnh nhân có biểu hiện của cường phó giáp hay loạn dưỡng xương, nên bổ sung vitamin D3.

Những thực phẩm nên dùng

Chất bột đường: Chất bột ít đạm như gạo xay trắng, miến, bột sắn dây, khoai lang, khoai sọ, bún, hủ tíu, phở...
Bệnh nhân suy thận mạn kèm bệnh tiểu đường, chọn thực phẩm có chỉ số đường thấp, trung bình như khoai sọ, bún, bánh canh, bánh cuốn, khoai lang...

Chất đạm: Nên ăn đa dạng chú ý đạm giá trị sinh học cao (thịt, cá, sữa, trứng). Nếu bệnh nhân kèm rối loạn mỡ máu nên ăn trứng 3 quả/tuần, cách ngày, thịt bò 1-2 lần/tuần, cá biển (cá hồi, trích, cá nục...) 2 lần/tuần. Số lượng đạm tùy theo mức độ, giai đoạn suy thận. Nên chọn các loại sữa giảm đạm.

Chất béo: Chọn dầu thực vật (dầu mè, đậu nành, oliu...), mỡ cá.

Giai đoạn bệnh thận mạn nhẹ (độ lọc cầu thận GFR ≥ 60 ) có thể ăn đa dạng rau, trái cây có màu xanh, màu đỏ, màu vàng, tím... Bệnh nhân có kèm theo bệnh tiểu đường nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp, trung bình như táo tây, cam, quýt, bưởi... với số lượng tùy mức kali máu.

Gia vị nên chọn thực phẩm ít muối, nên đọc nhãn thực phẩm trước khi mua.

Thực phẩm cần hạn chế

Thực phẩm nhiều kali (đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn nặng có giảm lượng nước tiểu hay tăng kali/máu) như nho khô, chuối khô, thanh long, trái bơ... Rau lá xanh đậm (rau ngót, rau đay, dền, rau muống...), nấm mèo, các loại đậu.

Chất béo có hại, thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa như lòng đỏ trứng, bơ, phômai, mỡ, gan, tim, dầu dừa...

Thực phẩm có nhiều phốt-pho, tôm khô, lá lốt, lòng đỏ trứng, nấm đông cô, đậu nành, hạt sen khô, thịt bò...

Thực phẩm có nhiều muối natri như mắm, cá khô, tôm khô, trứng vịt muối, bánh mì, mì ăn liền, khoai tây chiên...

Không nên uống quá nhiều nước, vì điều này sẽ làm cho cơ thể phù nhiều hơn, huyết áp khó kiểm soát đồng thời nếu ở bệnh thận mạn giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ tiểu nhiều hơn đặc biệt là tiểu đêm gây khó ngủ. Lượng nước uống trong ngày là  300 - 500ml + lượng nước tiểu/24h.


Tóm lại, với bệnh nhân suy thận, không bắt buộc phải cấm tuyệt đối bất kỳ loại thức ăn nào, nhưng chỉ nên dùng với số lượng vừa phải và khẩu phần ăn hàng ngày phải quân bình đầy đủ đạm, năng lượng, vitamin và khoáng  chất, cần chú ý hạn chế các thức ăn chứa nhiều kali và phosphore.