Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Những điều cần biết khi đi xét nghiệm máu



Khi khám bệnh tại bệnh viện hầu như chúng ta đều được bác sỹ cho chỉ định làm xét nghiệm máu. Bạn sẽ cần lưu ý một số điểm để kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

1. Nhịn ăn sáng
Thông thường khi làm xét nghiệm máu, bác sỹ khuyên chúng ta nên nhịn ăn sáng hay không ăn trong khoảng từ 8-12 giờ. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng cần phải nhịn ăn.


Với những xét nghiệm thông thường như đường máu, men gan, mỡ máu hay gout thì bạn nên nhịn ăn trong khoảng thời gian quy định. Vì các chỉ số này bị ảnh hưởng lớn bởi đồ ăn hoặc nước uống có chứa ga hoặc đường.

Các trường hợp bạn không cần phải nhịn ăn như làm xét nghiệm miễn dịch học như các chỉ số ung thư, xét nghiệm viêm gan A, B,C,D… xét nghiệm HIV                                                     

Lưu ý:
  • Trong thời gian nhịn ăn bạn vẫn cần bổ sung nước cho cơ thể, tránh trường hợp mất nước gây mệt mỏi. Chỉ sử dụng nước lọc, tránh các loại nước có đường, ga.
  • Đối với phụ nữ mang thai việc nhịn ăn để làm xét nghiệm thường là an toàn. Tuy nhiên, nên nói với bác sỹ trước khi làm xét nghiệm để có lời khuyên về cách tốt nhất để nhịn ăn một cách an toàn.
  • Nếu bạn lỡ ăn hoặc uống gì đó trong thời gian cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm do quá đói hoặc do nhầm giờ, thì cần nói chuyện với bác sỹ và dời lịch hẹn xét nghiệm máu.
2. Không uống rượu, cà phê trước khi làm xét nghiệm
Rượu là một chất kích thích có ái tính cao với các hoạt chất enzyme ở Gan. Vì vậy sau khi uống rượu, hoạt độ enzyme ở gan là GOT và GPT tăng nhẹ, nhưng GGT tăng khá cao sau. Vậy nên cần tránh uống rượu khi đi làm xét nghiệm kiểm tra chức năng gan.

Trong cà phê chứa nhiều thành phần cafein, nó có tác dụng ức chế phosphodiesterase (một enzyme phân hủy AMP vòng thành 5’AMP) do vậy AMP vòng (AMPc) không được làm mất hoạt hóa thành 5’AMP khiến cho quá trình phân hủy glucose và lipid tăng sự tăng cường phân hủy lipid làm tăng nồng độ acid béo tự do huyết tương lên gấp 3 lần.

3. Không tập luyện về thể lực quá nặng
Tập luyện thể lực có thể gây ra sự thay đổi đáng kể về hoạt động enzyme của cơ, do vậy kết quả xét nghiệm ở người sau tập luyện nặng về thể lực tương tự như với ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

4. Ngừng thuốc trước khi làm xét nghiệm
Bạn nên tiếp tục dùng thuốc như bình thường trong thời gian nhịn ăn, trừ khi bác sỹ có chỉ định ngừng để làm xét nghiệm.
Minh Nguyên