Cụ ông có 8 người con, Appaz Iliev, nói mình sinh ra từ thời Sa hoàng Nga cuối cùng, từng phục vụ trong Thế chiến 1 và không đủ tuổi tham gia Thế chiến 2.
Theo Daily Mail, giấy khai sinh của cụ ông đã bị thất lạc nên không thể xác thực độ tuổi thật. Người đàn ông già nhất cho đến nay được ghi nhận là Jiroemon Kimura đến từ Nhật Bản. Ông qua đời năm 2013 ở độ tuổi 116 năm và 54 ngày.
Người già nhất thế giới hiện vẫn còn sống là Kane Tanaka, cũng ở Nhật, với độ tuổi 116 năm, 127 ngày.
Cụ ông Appaz Iliev từng nói rằng bí quyết sống lâu của mình là ngủ 11 giờ mỗi đêm, đi ngủ lúc 7 giờ tối và thức dậy lúc 6 giờ sáng. Ông Appaz tránh đến gặp bác sĩ và uống thuốc nhiều nhất có thể.
Ông chỉ ăn rau sạch từ vườn rau mình tự tay trồng và mua thịt từ người địa phương. Cụ ông được cho là sinh năm 1896, dưới thời Sa hoàng Nga Nicholas II, tham gia Hồng quân Liên Xô trong cuộc nội chiến Nga 1917-1922.
Người đứng đầu cộng hòa Ingushetia, Yunus-Bek Evkurov, viết: “Người đan ông sống lâu nhất của nước Nga, Appaz Iliev đã qua đời ở tuổi 123”.
“Appaz đã chứng kiến một giai đoạn dài của lịch sử, có 8 người con, 35 cháu nội, 34 chắt”, Yunus-Bek nói. “Ông ấy là người tử tế, yêu cuộc sống của mình. Tôi đã gặp ông ấy vài lần”.
Giấy tờ ghi cụ ông sinh năm 1896, từ thời Sa hoàng Nga. |
Cụ ông từng nói: “Hãy trân trọng những gì mình có và chia sẻ chúng với những người khác”. Dù được coi là công dân Nga già nhất nhưng cụ ông thực tế chưa từng học tiếng Nga, mà chỉ nói tiếng địa phương.
Suốt cuộc đời, cụ ông hầu như làm nghề chăn cừu. “Lần đầu tôi đi chăn cừu là khi 7 tuổi. Khi đó tôi còn nhỏ và rất sợ khi nhìn thấy binh sĩ quân đội”, cụ ông nói cách đây vài năm. “Đã hơn 100 năm qua nhưng tôi vẫn nhớ khoảnh khắc đó”.
Cách đây 2 năm, cụ ông gặp vấn đề với một bên mắt và phải phẫu thuật. Kể từ đó, sức khỏe cụ giảm sút. Appaz được ghi nhận là người già nhất ở Nga trong sách kỷ lục năm 2015.
Người cháu Mustafa Iliev, 33 tuổi, nói: “Ông ấy đã dạy chúng tôi bài học về tình yêu thương con người. Mỗi khi có ai cần giúp, hãy chủ động đến giúp người đó”.
Bài học thứ hai là về sự chia sẻ. “Ông ấy thường giết thịt vật nuôi để chia cho người nghèo”.
Theo Vietnam Net