Thứ Tư, 7 tháng 8, 2024

8 điều giảm thiểu nguy cơ đột quỵ

 Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới (Ảnh minh họa)

Theo tờ Times of India, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Đột quỵ hiện nay không còn là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi mà đang có xu hướng gia tăng trong nhóm dân số trẻ, đặc biệt là những người dưới 45 tuổi.

Đột quỵ có 2 dạng là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi lượng máu cung cấp đến một phần của não bị cản trở, thường do cục máu đông. Đột quỵ do xuất huyết là khi một mạch máu trong não bị vỡ, gây ra xuất huyết trong não. Đa số những ca đột quỵ gặp ở người trẻ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Brain Stroke - What you need to know | Vinmec

Đột quỵ rất “sợ” 8 điều này

Bất kể bạn đang ở độ tuổi nào hay có tiền sử gia đình ra sao, bạn hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị đột quỵ bằng cách thực hiện 8 điều dưới đây:

1. Kiểm soát tốt huyết áp

Theo Harvard Health, huyết áp cao là một yếu tố nguy hiểm, có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp 4 lần nguy cơ đột quỵ. Chính vì thế, hãy theo dõi huyết áp thường xuyên. Nếu bị tăng huyết áp, hãy điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Có cân nặng ở mức vừa phải

Béo phì và các biến chứng liên quan tới béo phì có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chính vì thế, nếu bạn đang bị thừa cân, hãy giảm cân để phòng ngừa đột quỵ.

3. Tập thể dục thường xuyên

Đột quỵ rất “sợ” 8 điều này: Nếu bạn sở hữu tất cả thì xin chúc mừng!- Ảnh 1.

Tập thể dục giúp giảm cân, hạ huyết áp và giảm được rất nhiều các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ. Hãy cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu không có thời gian để tập thể dục liên tục trong 30 phút, bạn có thể chia thành các buổi tập ngắn kéo dài từ 10-15 phút và thực hiện vài lần mỗi ngày.

4. Sử dụng đồ uống có cồn có chừng mực

Việc hạn chế đồ uống có cồn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ngưỡng tiêu thụ cồn an toàn là không quá 2 ly/ngày với nam giới và không quá 1 ly/ngày với nữ giới. Một ly ở đây tương đương với 350ml bia, 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh.

5. Có chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phòng ngừa đột quỵ. Hãy có chế độ ăn uống cân bằng, tăng cường trái cây tươi và rau xanh, hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, hạn chế muối.

6. Kiểm soát tốt đường huyết

Đột quỵ rất “sợ” 8 điều này: Nếu bạn sở hữu tất cả thì xin chúc mừng!- Ảnh 2.

Lượng đường trong máu cao kéo dài sẽ làm tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong mạch máu. Chính vì thế, hãy kiểm soát lượng đường trong máu và giữ đường huyết ở mức ổn định, đặc biệt đối với những người bị bệnh tiểu đường.

7. Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá có thể làm máu đặc hơn và làm tăng lượng mảng bám tích tụ trong động mạch. Bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ.

8. Ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Khi không ngủ đủ giấc, cơ thể có thể phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe, trong đó có tăng huyết áp và viêm nhiễm. Cả hai tình trạng này đều có thể góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu và tăng nguy cơ béo phì cũng như các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch và đột quỵ.

Nhận biết triệu chứng của đột quỵ

[Infographic] Dấu hiệu nhận biết đột quỵ thông qua phương pháp B.E.F.A.S.T

Nhận biết được các triệu chứng của đột quỵ cũng là điều quan trọng để cứu tính mạng cho người bệnh. Tiến sĩ Tarun Sharma, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Não và Cột sống, Bệnh viện Marengo Asia (Ấn Độ), cho biết: “Các triệu chứng của đột quỵ gồm tê liệt hoặc yếu đột ngột ở mặt, tay hoặc chân, đặc biệt nếu tình trạng này xảy ra ở một bên cơ thể. Các triệu chứng khác là đột ngột lú lẫn, khó nói, khó hiểu lời nói của người khác, nhìn mờ hoặc nhìn đôi ở một hoặc cả 2 bên mắt, khó đi lại, chóng mặt, đột ngột bị đau đầu dữ dội và mất thăng bằng hoặc phối hợp”.

Theo tiến sĩ Tarun Sharma, đối với đột quỵ, thời gian cấp cứu là điều vô cùng quan trọng. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cấp cứu và điều trị đều có thể khiến nạn nhân bị tàn tật vĩnh viễn hoặc mất mạng.

  (Nguồn: Times of India, Harvard Health)-Lam Chi/Shoha