Nổi hạch cảnh báo cơ thể bạn đang “có vấn đề”, có thể là do viêm nhiễm hoặc ung thư…
Hạch là một tổ chức lympho hoạt động giống như hệ miễn dịch của cơ thể với hai chức năng chính là trực tiếp giam giữ tiêu diệt vi trùng, vi rút, các tế bào lạ (bao gồm cả tế bào ung thư) khi chúng xâm nhập vào cơ thể và gián tiếp tiêu diệt chúng thông qua quá trình sinh ra các kháng thể.
Điều này có nghĩa rằng khi cơ thể bị viêm nhiễm, hạch sẽ nổi to để sản xuất kháng thể chống lại bệnh. Đến khi hết bệnh, hết căng thẳng, hạch sẽ lặn. Tuy nhiên cũng rất nhiều trường hợp hạch nổi ở những vị trí và đặc tính nổi hạch có thể đang cảnh báo cơ thể mắc bệnh mạn tính hoặc ung thư….
Nổi hạch ở cổ
Đây là vị trí hạch nổi hay gặp nhất trên cơ thể người. Hạch cổ thường nổi trong 3 trường hợp chính: Nhiễm trùng cơ thể, lao và ung thư.
Hạch lành tính do nhiễm trùng
Trường hợp hạch nổi với đường kính chỉ khoảng 1 cm, ấn vào không đau, mềm vừa phải thì đây là hạch lành tính gây ra do một số nguyên nhân khi cơ thể bị mắc bệnh ngoài da hoặc nhiễm trùng như khám tai – mũi – họng, ung nhọt, loét khoang miệng và lưỡi, viêm họng, áp xe nướu răng,… Hạch này sẽ lặn sau khi bệnh nhân điều trị khỏi bệnh.
Hạch lao
Hạch lao thường to, không đau, ban đầu mọc riêng lẻ sau đó nối thành chùm, gây sẹo vĩnh viễn. Hạch lao thường rất lâu lặn, nếu để thời gian dài có thể gây viêm, chảy mủ. Trong trường hợp này, người bệnh nên đi khám bác sĩ.
Dấu hiệu của ung thư
Trong trường hợp hạch ung thư, hạch có kích thước khá lớn (thường hơn 1 cm), dính chắc vào mô, không rõ mép hạch. Hạch ung thư khá cứng, sờ bị đau. Nếu hạch nổi như thế có kèm theo các triệu chứng như sút cân, mệt mỏi, ho ra máu, loét miệng lâu lành, khó nuốt và thường xuyên sốt cao thì nên đi khám bác sĩ ngay để xét nghiệm ung thư.
Ngoài ra còn trường hợp ung thư hạch nữa khi xuất hiện hạch ở cổ là hạch Hodgkin (hay còn gọi là u lympho), do nhà khoa học Hodgkin phát hiện năm 1832.Hạch ban đầu xuất hiện ở thượng đòn trái, lan dần lên cổ, xuất hiện ở hai bên nách… Hạch Hodgkin thường to, cứng như đá, không đau. Bệnh nhân nổi hạch Hodgkin hay bị sốt theo đợt, mỗi lần sốt lại nổi thêm hạch. Nếu không điều trị ngay có thể tử vong.
Nổi hạch ở bẹn
Nổi hạch bẹn có thể là phản ứng của hạch trước một vết thương hay viêm nhiễm lân cận ở chi dưới, vùng sinh dục, hay thậm chí một bệnh lý toàn thân nào đó (sốt, nhiễm siêu vi). Trong trường hợp này, đây là biểu hiện nhất thời, vô hại và nhanh chóng mất đi.
Tuy nhiên hạch ở bẹn cũng có thể là một tình trạng bệnh lý gây nên bởi:
Bệnh Giang mai
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra viêm hạch. Trường hợp này, hạch có kích thước lớn, di động, chủ yếu nổi ở một bên bẹn. Khi bệnh ở giai đoạn 1, các hạch thường nhỏ, chỉ có 1 hạch to, nằm về một bên; còn nếu đã ở giai đoạn 2 tức là hạch nổi ở hai bên bẹn cùng nhiều vị trí khác. Người bệnh nên đi khám để điều trị tận gốc.
Bệnh lây qua đường tình dục
Bệnh hạ cam: Người mắc hạ cam thường nổi 1 hạch ở một bên bẹn. Hạch to, nóng, đỏ, đau, có thể bị vỡ mủ.
Bệnh Nicolas-Favre, hay còn gọi là bệnh u hạt bạch huyết hoa liễu, một bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là tình dục đồng tính. Hạch viêm thường nổi thành chùm, cố định, mềm và chảy mủ theo nhiều lỗ dò như vòi sen.
Ngoài ra, trong trường hợp ung thư tử cung, ung thư tinh hoàn đến giai đoạn di căn cũng gây hạch bẹn.
Nổi hạch ở nách
Hạch nổi ở nách thông thường rất ít khi xuất hiện. Nguyên nhân nổi hạch nách thường là do chấn thương vùng nách, cánh tay; nhiễm trùng tai; nhiễm trùng vết thương phần ngực… Tuy nhiên hạch này lành tính và sớm lặn.
Trường hợp cần chú ý nhất là hạch nách cảnh báo bệnh ung thư vú ở phụ nữ. Khi chẩn đoán ung thư vú, các bác sĩ cũng thường kiểm tra hạch nách.
Bên cạnh hạch cổ, hạch bẹn, hạch nách… trên cơ thể người có thể xuất hiện hạch tại nhiều vị trí khác. Trong trường hợp thấy hạch to bất thường, lâu lặn, có hiện tượng lạ như viêm, nhiễm, chảy mủ… bạn nên đến gặp bác sĩ để được xác định nguyên nhân đầy đủ.
Minh Nguyên/dkn.tv