Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Chuyện về những cây biết đi

trees
Phải mất cả ngày để đi từ Quito, thủ đô của Ecuador, đến trung tâm của Sumaco, Khu dự trữ Sinh quyển Unesco, nằm cách Quito khoảng 100km về phía đông nam.

image
Hành trình sẽ gồm ba tiếng đi xe đến bìa rừng, sau đó mất từ bảy đến 15 tiếng đi thuyền, đi lừa hay đi bộ để vào được trong rừng mà phần nhiều leo dốc dọc theo con đường lầy bùn đất.

image
Tuy nhiên mọi vất vả cũng rất bõ công, bởi rồi bạn sẽ được đứng giữa khu rừng nguyên sinh, nơi có một loài cây rất hiếm gặp: cây cọ biết đi.

Đi tìm mảnh đất mới

image
Cũng giống như loài cây Ent trong loạt phim sử thi Chúa tể của Những chiếc nhẫn của tác giả JRR Tolkien (chỉ là đi chậm hơn một chút), loài cây này thật sự di chuyển trong rừng khi những chiếc rễ mới mọc ra, dần dần chuyển vị trí của cây, đôi khi khoảng hai hay ba centimet mỗi ngày.

Mặc dù một số nhà khoa học tranh cãi về việc liệu những cây này có thật sự biết đi hay không, nhưng Peter Vrsanky, một nhà cổ sinh vật học thuộc Viện Khoa học Trái Đất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Bratisla của Slovakia, nói rằng ông từng chính mắt nhìn chứng kiến hiện tượng này.

"Khi đất bị xói mòn, loài cây này sẽ mọc lên những chiếc rễ mới, dài để tìm những chỗ đất mới cứng cáp hơn, đôi khi nằm cách xa đến 20 mét," Vrsansky nói.

image
"Sau đó, khi những chiếc rễ cây cắm chặt vào lớp đất mới một cách từ từ và khi cây nhẫn nại uốn mình về phía những chiếc rễ mới thì cũng là lúc những chiếc rễ cũ bị nhấc lên khỏi mặt đất. Toàn bộ quá trình di chuyển đến nơi ở mới của cây - nơi có ánh nắng nhiều hơn và nền đất cứng hơn - có thể mất vài năm."

Những kỳ quan sinh học


Vrsansky, một hướng dẫn địa phương và một nhà bảo tồn có tên là Thierry García đã bỏ ra vài tháng sống ở trong rừng để ghi lại những nguy cơ đang đe dọa những kỳ quan sinh học ở đây.

image
"Trong quá trình khảo sát của mình, chúng tôi đã tìm thấy một số thác nước cao 30m chưa từng được ghi lại, hai loài động vật có xương sống mới (một loài thằn lằn và một loài ếch) và chúng tôi đã bị một đàn đông đảo những con khỉ to lớn đầy lông lá tấn công," Vrsansky kể.

"Chúng ném tất cả mọi thứ về phía chúng tôi, có cả những cành cây khô dài 6 mét, thậm chí chúng còn ném phân và nước tiểu của chúng."

image
Nhóm ba người này đã phải trải qua rất nhiều gian khổ trong quá trình khám phá khu rừng, và phải chịu đựng những điều kiện sinh tồn khắc nghiệt nơi đó; Vrsansky nhớ lại ông đã sụt khoảng 10 ký trong vòng một tuần lễ.

image
Nhưng bất chấp những cực nhọc, Vrsansky cho biết ông đã rất vui khi ông tìm thấy hơn 150 loài gián khác nhau chỉ trong vòng có một điểm - nhiều hơn tất cả các loài gián hiện đang sống trên toàn châu Âu.

Những con gián này không hề giống những con vật gớm ghiếc ẩn mình đâu đó trong nhà bạn: chúng có nhiều màu sắc khác nhau, có những con phát sáng trong bóng tối, hoặc hòa lẫn với môi trường xung quanh nhờ khả năng ngụy trang giả dạng giống như những chiếc lá cây.

image

Phá rừng

Điều ngạc nhiên là khu rừng thần tiên này hiện đang được rao bán trong chương trình 'cải cách nông nghiệp' vốn hỗ trợ cho cư dân địa phương đốn cây cối để được giao quyền cư trú trên một miếng đất.

"Những gì đang xảy ra là con người đến, chặt bỏ một loạt cây và được cấp quyền sở hữu mảnh đất. Sau đó, sau khoảng năm năm theo như luật định, họ có thể bán miếng đất đó. Và rồi họ bán," Vrsansky nói.

image

Cho đến giờ, rất ít người thật sự sống trong rừng.

Một thầy cúng địa phương nói rằng ở một số nơi trong rừng có 'hồn ma' và khu rừng có rất nhiều các loại côn trùng truyền bệnh cũng như những nguy cơ tiềm ẩn khác.

Giờ đây, mua lại dần từng mẩu của khu sinh quyển này là một trong những chiến lược mà các nhà bảo tồn đang áp dụng để cứu nó tránh khỏi tình trạng phá rừng.

image
Một hectare được bán với giá chưa tới 500 đô la Mỹ và cho đến nay, Garcia đã mua được hơn 300 hectare.

image
"Ông ấy không giàu có gì," Vrsansky nói. "Tuy nhiên ông ấy sở hữu và bảo vệ những con đại bàng, những con báo của riêng ông ấy và hơn 10.000 loài động vật chân đốt, ông ấy còn những thác nước của riêng mình nữa."

Đa dạng sinh học

Các chiến lược bảo tồn khả dĩ khác bao gồm bán đất cho một trường đại học hay một viện nghiên cứu nào đó để nó trở thành một khu vực nghiên cứu được bảo vệ hay thúc đẩy du lịch sinh thái.

image
"Đối với các du khách, dạo bước bên cạnh những con kền kền và những ngọn núi lửa sôi sục cùng với một khu rừng nguyên sinh là cánh cửa bước vào quá khứ hiện sinh," Vrsansky nói.

"Chỉ riêng khu rừng đã là một thực tế sinh động của sự sống trên Trái Đất. Anh thật sự cảm thấy đang lạc giữa một đại dương của sự đa dạng sinh học."

Kể từ năm 2010, khoảng 200 hectare rừng đã bị đốn hạ ở gần Khu Dự trữ Sinh quyển Sông Bigal, một khu vực nghiên cứu do Pháp tài trợ bên trong khu vực Sumaco.

image
Còn ở những chỗ khác, hàng ngàn hectare rừng đã bị ảnh hưởng kể từ khi một con đường được xây dựng vào năm 1986.

"Việc chặt phá rừng là một nỗi hổ thẹn vì Ecuador là một trong những quốc gia có tỷ lệ khu sinh thái được bảo tồn cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên những loài cây không thể di chuyển đủ nhanh để thoát khỏi những lưỡi cưa và những chiếc rìu được luật pháp hiện tại hậu thuẫn," Vrsansky nói.

Karl Gruber