Là đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó ở nông thôn cao nguyên miền đông Zimbawe, cậu bé Moses Murandu thường dùng muối xát lên vết thương khi ngã và bị chảy máu.
Trong những ngày may mắn, người cha có đủ tiền để mua một thứ giúp cậu cảm thấy đỡ xót vết thương hơn muối: đó là đường.
Murandu để ý thấy hình như đường giúp vết thương lành nhanh hơn so với việc để nó tự lành.
Vì thế khi được tuyển dụng làm y tá trong Hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ở Anh Quốc vào năm 1997, ông ngạc nhiên khi biết đường chẳng được sử dụng chính thức để chữa trị gì trong y tế.
Ông quyết định thay đổi điều đó.
Là giảng viên cao cấp trong ngành điều dưỡng cho người lớn tại Đại học Wolverhampton, Murandu vừa hoàn thành nghiên cứu thử nghiệm ban đầu về ứng dụng của đường trong việc trị lành vết thương và giành giải thưởng của Tạp chí Chăm sóc Vết thương (Journal of Wound Care) vào tháng 3/2018 cho công trình nghiên cứu của mình.
Ở nhiều nơi trên thế giới, phương pháp này có thể rất quan trọng vì người dân không đủ tiền mua thuốc kháng sinh.
Ngay cả ở Anh Quốc, người ta vẫn có nhu cầu, bởi một khi vết thương bị nhiễm trùng thì có thể thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng nữa.
Để chữa trị vết thương bằng đường, theo ông Murandu, là bạn hãy đổ đường vào vết thương rồi băng lại. Những hạt đường sẽ hút sạch chất ẩm khiến vi khuẩn sinh sôi. Không có vi khuẩn, vết thương sẽ lành lại nhanh hơn.
Loại đường mà Murandu sử dụng chỉ là đường hạt thông thường mà bạn hay dùng để pha trà, cà phê. Trong cùng thí nghiệm trong ống nghiệm, ông phát hiện ra sử dụng đường mía hay đường từ củ cải đường đều có tác dụng như nhau. Tuy nhiên, đường nâu Demerara lại không hiệu quả lắm.
Thử nghiệm cho thấy một số chủng vi khuẩn sinh sôi ở chỗ có ít đường nhưng hoàn toàn bị kiềm chế ở nơi có lượng đường nhiều. Murandu bắt đầu ghi nhận các trường hợp bệnh ở Zimbabwe, Botswana, và Lesotho (nơi ông học ngành điều dưỡng).
Trong số đó có một phụ nữ sống ở Harare.
"Chân của người phụ nữ đó đã được đo đạc, chuẩn bị để cắt bỏ khi người cháu gọi cho tôi," Murandu nói. "Bà bị một vết thương khủng khiếp trong 5 năm, và bác sĩ muốn cắt chi. Tôi bảo bà hãy rửa sạch vết thương, rắc đường vào, để yên đó và lặp lại như vậy."
"Người phụ nữ đó giờ vẫn giữ được chân."
Ông cho biết đây là ví dụ cho thấy tại sao có rất nhiều quan tâm tới phương pháp của ông, đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới nơi mọi người không đủ tiền mua thuốc kháng sinh.
Tổng cộng, Murandu đã tiến hành nghiên cứu y tế trên 41 bệnh nhân ở Anh. Ông vẫn chưa công bố kết quả thử nghiệm nhưng đã trình bày kết quả tại các hội thảo quốc gia và quốc tế.
Một câu hỏi mà ông cần phải trả lời trong quá trình nghiên cứu là liệu người ta có thể sử dụng đường với bệnh nhân tiểu đường không.
Bệnh nhân tiểu đường thường bị phù bàn chân và chân. Các bệnh nhân này cần được kiểm soát hàm lượng đường glucose trong máu, cho nên có vẻ như việc dùng đường để trị bệnh cho họ là không khả thi.
Nhưng ông phát hiện ra đường có tác dụng với bệnh nhân tiểu đường và không gây ra tình trạng tăng vọt lượng đường trong cơ thể họ. "Đường là sucrose - bạn cần có loại enzyme sucrase để chuyển hóa nó thành đường glucose," ông cho biết.
Vì sucrase có trong cơ thể người, nên chỉ khi nào người ta tiêu thụ đường thì nó mới bị chuyển hóa. Rắc đường bên ngoài vết thương không gây ra tác dụng chuyển hóa như vậy.
Trong lúc Murandu tiếp tục nghiên cứu trên bệnh nhân, thì ở bên kia bờ Đại Tây Dương, bác sĩ thú y người Mỹ Maureen McMichael đã sử dụng phương pháp chữa lành vết thương này trên động vật trong nhiều năm qua.
McMichael làm việc tại Bệnh viện Y học Thú y Illinois, và lần đầu tiên sử dụng đường và mật ong trên động vật từ năm 2002.
Bà cho biết phương pháp đơn giản và giá rẻ này đã khiến bà quan tâm, đặc biệt với những chủ nuôi thú cưng không đủ tiền để đưa thú cưng tới bệnh viện và gây mê khi chữa trị.
McMichael cho biết họ dùng cả đường và mật ong trong phẫu thuật và thường sử dụng cho chó mèo (thỉnh thoảng cả với gia súc).
Mật ong có tác dụng chữa lành vết thương giống như đường (một nghiên cứu cho thấy mật ong có tác dụng hơn khi ức chế vi khuẩn sinh sôi), tuy nhiên món này đắt tiền hơn.
"Chúng tôi đã đạt được một số thành công với cách này," McMichael cho biết.
Bà lấy ví dụ một chú chó hoang đến chỗ họ sau khi bị sử dụng làm "mồi cho chó pitbull" - nó bị cột vào một chỗ và dùng làm thú mồi cho chó pitbull tập luyện chiến đấu. Con chó đến chỗ bà với 40 vết cắn trên mỗi chi - nhưng đã hoàn toàn bình phục sau tám tuần.
"Nó là chó hoang nên không có ai chi trả chi phí chữa bệnh cho nó cả. Chúng tôi chữa cho nó bằng cả mật ong và đường và nó hồi phục kỳ diệu," McMichael cho biết. "Giờ cô chó đã hoàn toàn bình phục."
Ngoài việc rẻ hơn, đường còn có một ưu điểm khác: vì người ta càng sử dụng nhiều kháng sinh, thì cơ thể càng trở nên kháng thuốc kháng sinh.
Trở lại Anh Quốc, nơi chuyên gia kỹ thuật về mô Sheila MacNeil từ Đại học Sheffeld nghiên cứu đường tự nhiên sinh ra trong cơ thể có thể được dùng kích thích mạch máu phát triển lại như thế nào.
Nghiên cứu của bà bắt nguồn từ công trình về các khối u, khi bà nhận thấy một lượng đường nhỏ đứt gãy từ chuỗi DNA (2-deoxy-D-ribose) tiếp tục mọc lại.
Nhóm nghiên cứu của MacNeil thử nghiệm bằng cách cho lượng đường này lên lớp màng mỏng của phôi gà. Theo MacNeil, đường tự nhiên đã kích thích nhân đôi số lượng mạch máu so với thông thường khi không có đường.
Nhưng tất nhiên, loại đường sản sinh tự nhiên từ cơ thể người rất khác so với loại đường thông thường mà Murandu sử dụng trong thí nghiệm chữa lành vết thương.
MacNeil nói "tấm vé trong mơ" sẽ là có thể tìm ra cách sử dụng đường trong cả hai cách. Bà tin rằng đây là bước kế tiếp mà nghiên cứu nên theo đuổi.
Trong khi đó ở Wolverhampton, kế hoạch của Murandu là thành lập một phòng mạch tư nhân sử dụng phương pháp chữa trị nhờ đường. Ông hy vọng một ngày nào đó đường ngọt sẽ được sử dụng rộng rãi, không chỉ tại Ngành Dịch vụ Y tế NHS mà còn ở bệnh viện công tại các quốc gia mà ông từng làm việc.
Ông vẫn nhận được email thường xuyên từ khắp nơi trên thế giới, hỏi xin lời khuyên, và hướng dẫn bệnh nhân từ xa qua email và tin nhắn. Những người bệnh ở xa gửi cho ông hình ảnh kết quả chữa trị cùng với lời cảm ơn khi họ lành bệnh.
Đây là phương pháp có từ xa xưa và từng được người nghèo ở những quốc gia đang phát triển sử dụng, nhưng với Murandu, chỉ khi tới Anh Quốc ông mới nhận ra sự quan trọng mà đường có thể có được trong thế giới y học.
Ông coi đó như sự kết hợp giữa kiến thức địa phương với cơ sở vật chất nghiên cứu hiện đại tại Anh Quốc.
"Giống như đường, kiến thức sơ khai đến từ Zimbabwe, sau đó được tinh luyện ở đây - và giờ trở về giúp đỡ người dân ở châu Phi," ông cho biết.
(bài do bạn Mậu Trần giới thiệu)
---------------------------------------------------------------------------
Bản tiếng Anh của BBC Future