Nước bưởi và bưởi có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh của bạn. Bưởi giàu vitamin C và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cơ thể hoạt động bình thường (*.)
Nhưng sẽ không tốt cho bạn khi nó ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc điều trị, đặc biệt nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc loạn nhịp tim.Sự tương tác giữa thực phẩm và thuốc này có thể là một mối lo ngại.
.
Tại sao lại có sự tương tác bất lợi này?
Một số thuốc khi vào cơ thể sẽ bị phân hủy bởi các enzym CYP3A4 (enzym chuyển hóa thuốc) và/hoặc hấp thụ qua các chất vận chuyển thuốc trong các tế bào ở ruột non.
Nước ép bưởi có thể gây ra vấn đề với các enzym và chất vận chuyển này, gây ra quá nhiều hoặc quá ít (tăng hoặc giảm nồng độ thuốc) trong cơ thể.
Tuy nhiên, số lượng enzym CYP3A4 chuyển hóa thuốc này lại khác nhau ở từng người nên tác động của nước ép bưởi ảnh hưởng đến thuốc cũng khác nhau ngay cả khi họ dùng cùng một loại thuốc.
Ảnh hưởng của nước bưởi với thuốc trong cơ thể.
Làm tăng tác dụng của thuốc - gây độc
Hầu hết các loại thuốc tương tác với nước ép bưởi làm tăng nồng độ thuốc trong máu, nguy cơ gây nhiều phản ứng phụ cho bạn. Nhiều loại thuốc được chuyển hóa với sự trợ giúp của một enzym quan trọng là CYP3A4 trong ruột non.
Trong trường hợp này, nước ép bưởi có thể làm tắc nghẽn hoạt động của CYP3A4, do đó, thay vì bị chuyển hóa, nhiều thuốc sẽ đi vào máu và ở trong cơ thể lâu hơn. Kết quả làm tăng nồng độ thuốc trong cơ thể.
Ví dụ: Statin dùng để hạ cholesterol, được phân hủy bởi các enzym này. Nếu bạn uống nhiều nước bưởi trong khi dùng một số thuốc statin sẽ tăng nguy cơ tổn thương gan và có thể dẫn đến suy thận
Làm giảm tác dụng của thuốc - giảm hiệu quả điều trị
Không chỉ làm tăng nồng độ thuốc, nhiều nghiên cứu gần đây còn phát hiện nước ép bưởi làm giảm tác dụng của thuốc.
Tại sao lại có hiệu quả ngược lại? Nguyên nhân là do thay vì làm thay đổi sự trao đổi chất, nước ép bưởi có thể ảnh hưởng đến các protein vận chuyển thuốc (các protein này giúp thuốc di chuyển vào trong tế bào để hấp thu) trong cơ thể... làm giảm hấp thu thuốc.
Fexofenadine (allegra) là minh chứng cho sự giảm tác dụng này khi dùng cùng nước bưởi. Fexofenadin là thuốc có sẵn trong các loại thuốc kê đơn và không kê đơn để giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa.
Không chỉ nước bưởi, fexofenadin cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nước cam hoặc nước táo. Vì vậy, nhãn thuốc cần phải có thông tin về sự ảnh hưởng này như “không dùng nước trái cây để uống thuốc”.
Các loại thuốc nào dễ gây tương tác với nước bưởi?
Nước bưởi có thể gây tương tác bất lợi với một số thuốc sau:
Một số loại thuốc điều trị cao huyết áp như procardia và adalat CC (cả nifedipin).
Một số loại thuốc cấy ghép nội tạng như sandimmun và neoral (cả cyclosporin).
Một số thuốc chống lo âu như buspiron.
Một số corticosteroid điều trị bệnh Crohn hoặc viêm đại tràng loét như entocort EC và uceris (cả budesonid).
Một số loại thuốc điều trị nhịp tim bất thường như paceron và nexteron (cả amiodaron).
Một số thuốc kháng histamin như allegra (fexofenadin).
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của sự tương tác thuốc này có thể khác nhau tùy thuộc vào người dùng, loại thuốc và lượng nước ép bưởi bạn uống.
Cách nào để tránh tương tác thuốc và nước bưởi?
Để tránh sự tương tác bất lợi trên, người bệnh cần hỏi bác sĩ, dược sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe... xem bạn có thể uống nước bưởi trong khi dùng thuốc?
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc để tìm hiểu xem nước ép bưởi có ảnh hưởng đến loại thuốc của bạn đang dùng hay không. Điều này sẽ cho biết bạn nên ăn hay không nên ăn bưởi hoặc nước trái cây khác.
Nếu bạn phải tránh nước bưởi khi uống thuốc, hãy kiểm tra nhãn của nước trái cây hoặc thức uống có hương vị với nước trái cây để xem liệu chúng có được pha với nước bưởi?
Ngoài ra, các loại cam quýt cũng thường được sử dụng làm mứt có thể có tác dụng giống như nước ép bưởi. Đừng ăn những tái cây đó nếu thuốc của bạn tương tác với nước ép bưởi.
Bảo Lâm-soha|