Hakuin
là một thiền sư Nhật vào cuối thế kỷ 17 (1685–1768), ông cũng là người có công
khôi phục lại dòng thiền Lâm tế tại Nhật. Thiền sư Hakuin là một nhà tu, mà
cũng vừa là một nhà thơ và lại là một họa sĩ rất tài. Những bức thư pháp và
tranh vẽ của Hakuin, còn được gọi là nét cọ giác ngộ,
với những đường nét đơn sơ và rất mới lạ. Chúng đã mang lại nhiều cảm hứng và
cũng là một hình thức hướng dẫn tu học của ông cho biết bao thế hệ thiền sinh.
Trong
những bức họa của ông, có lẽ tôi thích nhất là bức tranh về ba người mù. Thiền
sư Hakuin vẽ ba người mù đang cùng nhau dò dẫm bước qua một chiếc cầu khỉ, làm
bằng một thân cây ngã vắt ngang trên một vực thẳm. Trong bức tranh ấy, thân cây
mỗi lúc lại càng trở nên nhỏ hẹp và người đi phải càng khó khăn và vất vả hơn.
Người mù thứ nhất, phía bên phải, một tay cầm đôi dép của mình, một tay cầm cây
gậy cẩn thận dò dẫm cố vói tới phía trước. Người mù thứ hai, vắt chiếc gậy vào
thắt lưng, anh cúi xuống dùng tay vịn vào thân cây lần mò bước tới. Người thứ
ba, anh treo đôi dép vào đầu chiếc gậy của mình để giữ thăng bằng, và quỳ hẳn
xuống để bò mà tiến tới. Và nếu ta nhìn sang bên trái, chiếc cầu cheo leo làm bằng
thân cây ngả ấy, không đưa đến bờ bên kia mà chỉ treo lơ lững giữa không trung,
ở phía xa xa là một dãy núi khuất trong mây và bên dưới là một vực sâu thẳm…
Chúng ta tự hỏi, không biết họ sẽ làm gì khi đi lần được đến cuối chiếc cầu cây
ấy?
Thiền sư Hakuin cũng
là tác giả của công án “Âm thanh của một bàn tay”, nên có lẽ bức tranh ấy cũng là một công
án để cho chúng ta quán chiếu. Hay là ý của thiền sư Hakuin muốn diễn tả về
hành trình tu học của một thiền sinh? Như những người mù ấy, chúng ta dò dẫm
bước tới trên một chiếc cầu nhỏ cheo leo, ai có thể thật sự biết được mình đang
đi về đâu, và nơi cuối con đường ấy là gì?
Nhưng
có lẽ chúng ta cũng không nên quan tâm lắm về việc ấy, vì trên hành trình tu
học con đường ta đang đi cũng quan trọng như nơi ta sẽ đến. Thái độ ta tiếp xúc
với những gì đang thực sự có mặt mới là quan trọng. Nếu nơi này ta an vui thì
nơi ấy cũng sẽ có an vui. Còn nếu như nơi này ngày không vui và trời không
xanh, thì chắc gì nơi ta về sẽ là khác hơn.
Tôi
nghĩ bức tranh người mù qua cầu của thiền sư Hakuin cũng nhắc nhở chúng ta về
một thái độ cẩn trọng và buông xả trong cuộc đời. Trong cuộc sống chúng ta nên
tiếp xúc với thực tại cho thận trọng, và rồi buông bỏ để tiếp tục bước tới.
Muốn bước tới ta phải biết buông bỏ. Nắm giữ cho thật chặt và vững vàng, nhưng
rồi cũng buông bỏ nhẹ nhàng và thong dong. Và có lẽ rằng ở cuối con đường, cũng
chỉ là một sự buông xả trọn vẹn mà thôi...
Một
người bạn kể, có một lần phải từ giã căn phòng làm việc mà anh đã có mặt nơi đó
mỗi ngày, trong hơn hai mươi mấy năm trời. Ngày cuối anh ngồi thật yên, sắp đặt
lại vài quyển sách, và đưa tay chạm vào mặt bàn, chiếc ghế, tủ sách... không
gian ấy thật lâu. Như người mù trong bức tranh của thiền sư Hakuin, anh sờ chạm
vào hiện tại, những gì đang có mặt trong giờ phút này, và rồi buông bỏ hết, để
tiếp tục bước tới vào một nơi mình không hề biết sẽ ra sao.
Chúng ta hãy tiếp xúc với sự sống của mình cho sâu sắc. Và sự sống của
mình được làm bằng những gì bạn hả? Thật ra phần lớn nó không phải được làm
bằng những sự kiện gì lớn lao, to tát, mà chỉ là những buổi sáng, buổi trưa,
buổi tối, bằng những người bạn, người thương của mình, bằng con đường mình đi,
bằng những giọt mưa, những sợi nắng... Mà nếu như ta không có mặt để tiếp xúc
với những cái bình thường ấy, thì làm sao ta có thể nghĩ rằng mình thật sự đang
sống! Chúng là một đóa hoa, một hạt sỏi, một ánh trăng... mà ta chỉ có dịp gặp
một lần trên con đường mình qua.
Trên
con đường bạn đi, hãy nhớ cẩn trọng sờ chạm vào thực tại này đang có mặt. Thật
ra, tất cả cũng chỉ là những gì đang diễn biến ngay chính trong thân tâm mình.
Bạn không cần tìm kiếm, không cần dừng lại và cũng không cần vội vã, hãy thấy
rõ những trải nghiệm ấy trong ta, rồi buông xả và tiếp tục bước tới. Ngay giữa
những biến đổi vô thường, ta vẫn có thể thấy được một niềm tin và sự bình yên.
Nguyễn Duy Nhiên