Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Thói quen ngủ sai và lười tập thể dục: Nguy cơ đột quỵ và đoản thọ


Ngủ ít hơn 6 tiếng hay nhiều hơn 8 h mỗi ngày đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Tập thể dục ít hơn 150 phút/tuần được cho là quá ít. Nếu bạn vướng phải cả hai thói quen trên thì nguy cơ về đột quỵ và đoản thọ càng cao.
(Ảnh: vosizneias.com) [1]
(Ảnh: vosizneias.com)
Vào tháng 2/2015, Tạp chí Neurology đã công bố kết quả của một nghiên cứu về mối liên hệ giữa giấc ngủ và dấu hiệu của đột quỵ trong vòng 10 năm tại Châu Âu với sự tham gia của 9.700 người ở độ tuổi trung bình là 62 khi bắt đầu.

Nghiên cứu đã ghi lại thời lượng giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ của mỗi cá nhân theo định kỳ. Khoảng 70% số người cho biết họ ngủ từ 6 – 8 tiếng một đêm, khoảng 10% số người ngủ nhiều hơn 8 tiếng/ngày. Số người ngủ nhiều hơn 8 tiếng/ngày này cho biết họ cũng ít tập thể dục.

Trong suốt thời gian theo dõi, có 346 ca đột quỵ được ghi nhận. Với những người ngủ nhiều hơn 8 tiếng, nguy cơ đột quỵ tăng gần 50% so với những người ngủ bình thường.

Đối với những người chuyển từ ngủ bình thường (6-8 tiếng/ngày) sang ngủ nhiều hơn (nhiều hơn 9 tiếng/ngày) thì nguy cơ đột quỵ cao đã tăng cao gấp đôi.

Còn theo bác sĩ Alberto Ramos, phó giáo sư thần kinh học tại Đại học Y khoa Miami Miller, thời gian ngủ dài là dấu hiệu cảnh báo đối với nguy cơ đột quỵ nhưng chính việc thay đổi thói quen giấc ngủ lại là điều đáng quan tâm hơn. Ông khuyến nghị rằng người ngủ nhiều cần chú ý theo dõi lối sống, cần có chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Với người từ 60 tuổi trở lên nếu nhận thấy mình ngủ nhiều thì nên cần lưu ý các vấn đề liên quan đến tim mạch như cao huyết áp và mỡ trong máu sao cho các chỉ số này phải trong tầm kiểm soát.

Trong một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Australia, thực hiện với hơn 20.000 người, đã chỉ ra rằng ngủ nhiều, ngồi nhiều và ít tập thể dục là 3 yếu tố rút ngắn vòng đời. Những người ngủ nhiều hơn 9 tiếng, ngồi hơn 7 tiếng mỗi ngày và chỉ tập thể dục dưới 150 phút mỗi tuần sẽ có nguy cơ chết sớm hơn so với những người không có thói quen này.

Tiến sĩ Melody Ding thuộc nhóm nghiên cứu này cho biết: “Khi bạn vừa lười tập thể dục, ngồi lâu và ngủ quá nhiều, nó sẽ gây hại cho cơ thể gấp 3 lần.
(Ảnh: advancedwellness.com.au) [2]
(Ảnh: advancedwellness.com.au)
Vì vậy để tránh được những nguy cơ này, dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

1Duy trì lịch ngủ thường xuyên và cố định
Lịch ngủ – thức của bạn cần đồng bộ với chu kỳ sinh học của cơ thể. Duy trì thời điểm đi ngủ và thức dậy nhất quán cho mỗi ngày là điều hết sức quan trọng.

2Ngủ trong phòng tối, tắt đèn và tắt máy tính
Khi bạn quyết định đi ngủ, cần tắt các thiết bị điện, bóng tối sẽ giúp cơ thể tiết ra hormone melatonin khiến bạn dễ ngủ hơn.

3Thư giãn trước khi ngủ
Bạn nên chỉ sử dụng giường để ngủ, khi quyết định đi ngủ thì không cố làm việc thêm trên giường. Khi bạn lên giường, cần thả lỏng toàn bộ hệ thống cơ bắp của cơ thể, bắt đầu từ các ngón chân, thư giãn dần dần lên phía đỉnh đầu. Nhắm mắt lại và tự cảm nhận bạn đang rất yên bình.

4Ăn uống hợp lý trước khi ngủ đêm
Không ăn quá nhiều vào bữa tối, tránh ăn các loại thực phẩm khó tiêu trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ, cũng không nên để bụng quá đói khi đi ngủ. Không uống cà phê sau 2h chiều.

5Kiểm soát sự căng thẳng
Nếu bạn cảm nhận rằng hôm nay bạn bị căng thẳng vì một vấn đề nào đó, thay vì việc nghĩ về người mà bạn cho rằng đã gây nên sự căng thẳng cho bạn, bạn hãy nhìn vào bên trong bạn, tự cảm nhận xem bạn đang thấy thế nào, cảm xúc gì đang dâng trào trong bạn và nhìn xem nguyên nhân gốc rễ nào từ chính bạn (chứ không phải người khác) gây nên cảm xúc đấy, sau đó quyết định cần vứt bỏ chúng.

Nhật Hạ tổng hợp( Đại Kỷ Nguyên)