Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Nguy hiểm khôn lường chỉ vì ngoáy tai thường xuyên



Nhiều người thường vệ sinh tai hàng ngày bằng tăm bông hay các dụng cụ lấy ráy tai cứng khác. Thói quen này có thể gây nhiễm trùng tai, thậm chí gây điếc.
Nhiều người thường có thói quen sau khi tắm sẽ ngoáy tai bằng tăm bông để lỗ tai khô và sạch hơn. Thế nhưng, những sợi bông sẽ gây những vết xước ở da ống tai khiến cho dễ bị viêm nhiễm, và đẩy ráy tai sâu hơn vào bên trong màng nhĩ.
Theo Womansday, ráy tai có vai trò giữ ống tai luôn sạch và ngăn bụi bẩn, vi khuẩn ngoài môi trường tiếp xúc với màng nhĩ. Khi bạn nhai, khớp xương hàm chuyển động và đẩy ráy tai khô ra ngoài . Bạn không cần thiết dùng tăm bông hay dụng cụ lấy ráy tai để vệ sinh bởi những lý do sau:

Tai của bạn có thể tự làm sạch
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Oxford, lỗ tai chúng ta thường tự làm sạch bằng cách đẩy ráy tai kèm bụi bẩn ra ngoài. Chúng ta chỉ cần định kỳ làm sạch bên ngoài, ngoài ra không cần phải làm gì thêm.
Ngoài tăm bông, nhiều người đưa tất cả mọi thứ vào trong để làm sạch tai như tóc, chìa khóa, kẹp giấy, bút mực và bút chì. Tất cả những thứ đó đều có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến đôi tai.

Tăm bông có thể khiến ráy tai thụt sâu hơn

Thực chất, ngoáy tai chỉ đẩy ráy tai vào sâu hơn. (Ảnh: Internet)

Khi sử dụng tăm bông vệ sinh tai, bạn không thể nhìn thấy tăm bông thực sự tác động đến ống tai như thế nào. Theo Tiến sĩ Brodsky, bằng cách ngoáy, bạn lại đẩy ráy tai vào trong khiến bụi bẩn và vi khuẩn cùng với ráy mắc kẹt. Chúng tích tụ và tạo thành một lớp sáp bên ngoài màng nhĩ. Lâu ngày, lớp sáp này sẽ ảnh hưởng tới chức năng thính giác của bạn.

Tăng nguy cơ nhiễm trùng tai
Hơn nữa, màng nhĩ của bạn là một màng mỏng cực kỳ tinh vi ở phần cuối của ống tai. Khi hăng hái ngoáy, bạn có thể vô tình đâm vào màng nhĩ và làm vỡ nó. Màng nhĩ có thể vỡ ngay cả với áp lực nhỏ của một que bông gòn, gây cho bạn rất nhiều đau đớn và thậm chí có thể mất thính giác. Màng nhĩ bị vỡ cuối cùng có thể lành lại, nhưng phải mất thời gian và gây cho bạn rất nhiều đau đớn.
Khi vệ sinh tai bằng tăm bông bạn có thể vô tình khiến tai tổn thương. Điều kiện môi trường nhiều vi khuẩn khiến ống tai nhiễm trùng và có thể dẫn đến viêm tai giữa, gây điếc.

Ngoáy tai nhiều sẽ gây nhiều tác hại cho tai (Ảnh minh họa: Internet)

Xử lý ráy tai đúng cách
– Khám bác sĩ ngay nếu có tình trạng ù tai, đau hoặc bạn không nghe rõ. Điều quan trọng là không nên tự chẩn đoán vấn đề do ráy tai nếu như bạn không khám bác sĩ trước.
– Nếu có tình trạng ráy tai sản xuất ra nhiều thì không nên lạm dụng chất làm mềm ráy tai hoặc dầu cho trẻ em tại nhà.
– Không nên sử dụng bông ngoáy tai ngoáy sâu trong tai.
– Không sử dụng oxy già. Nếu vấn đề không phải là tình trạng tích lũy nhiều ráy tai mà là một lỗ thủng trên màng nhĩ hoặc chất dịch phía trong tai thì có khả năng bạn sẽ làm trầm trọng thêm tổn thương.
– Không sử dụng nến tai. Nhiều nghiên cứu cho thấy nó không có tác dụng và còn gây tổn thương cho tai.
– Nói không đối với các loại dụng cụ được quảng cáo là có tác dụng làm sạch tai. Chúng cũng thường không có tác dụng.

Bác sĩ Woodson khuyên rằng nên đi khám bệnh khi có bất kỳ triệu chứng đau, vấn đề về khả năng nghe hoặc cảm thấy ù tai. Điều quan trọng là không nên đổ lỗi hoàn toàn cho ráy tai. Dịch trong tai, thương tổn ở tai hoặc nhiễm trùng cũng gây những triệu chứng tương tự

Điều cần nhớ là: Ráy tai là bình thường và không liên quan đến vệ sinh cá nhân. Nếu như bạn thuộc số ít người cần được lấy ráy tai thì bác sĩ sẽ là người có cách làm an toàn nhất cho bạn khi so sánh với việc bạn tự làm điều đó tại nhà.

Đức Hải tổng hợp (theo Dai Kỷ Nguyên)