Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

12 món ăn ngon nhất ờ MIỀN TÂY

Miền Tây thật đúng với câu nói “đất lành chim đậu” của người xưa. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đồng bằng này những đặc ân không phải nơi nào cũng có được, từ đất đai màu mỡ, sản vật phong phú đến khí hậu “mưa thuận gió hòa”. Điều này đã tạo nên tính cách của những người dân đôn hậu, tạo nên những vườn cây trái thơm lành, đặc biệt là những món ăn dân dã ngon đậm đà. Đến Miền Tây, nhiều du khách từng tham gia những chuyến du lịch khắp đất nước, các du khách nước ngoài đi tour Việt Nam nhiều lần cũng không tự tin nói rằng mình đã thử hết đặc sản Miền Tây. Vậy nên hôm nay,chúng tôi xin giới thiệu đến du khách  những món ăn ngon đặc biệt ở Miền Tây để du khách biết và thử qua khi có cơ hội.

1. Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang)
Món ngon đầu tiên trong danh sách này là hủ tiếu Mỹ Tho của Tiền Giang mà có lẽ quý khách cũng từng nghe qua. Hủ tiếu Mỹ Tho ra đời khi người dân ở đây cải biến hương vị từ hủ tiếu của người Tàu hơn 300 năm trước. Theo thời gian, món ăn phù hợp khẩu vị này trở nên nổi tiếng và xuất hiện khắp Việt Nam.
Điều tạo nên sự đặc biệt của hủ tiếu chính là nước lèo và sợi bánh. Vị ngọt của nước lèo là kết quả của quá trình ninh nhừ xương ống, thịt heo và khô mực nướng trong nhiều giờ đồng hồ. Người dân Mỹ Tho thường dùng loại gạo Gò Cát, xuất xứ từ xã Mỹ Phong, để làm sợi bánh thơm dẻo. Trước khi mang ra thực khách, những đầu bếp khéo còn bổ sung các loại gia vị khác nhau để tạo nên một món ăn danh bất hư truyền.
2. Bánh xèo củ hũ dừa (Bến Tre)
Nhắc đến Bến Tre, ai ai cũng nghĩ ngay đến một vùng đất được bóng dừa bao phủ. Không phải tự nhiên mà người dân nơi đây coi trọng cây dừa đến vậy, vì gần như tất cả các bộ phân của dừa đều có giá trị của nó. Trái dừa thì được dùng làm thực phẩm giải khát, làm nguyên liệu cho các món ăn, kể cả mỹ phẩm. Lá dừa được dùng làm nón, làm mái nhà hoặc làm nhiên liệu đốt. Thân dừa làm thành nhiều sản phẩm mỹ nghệ hữu dụng.
Bánh xèo củ hũ dừa Bến Tre
Còn một bộ phận nằm bên trong những bệ dừa cứng cáp gọi là củ hũ dừa mà thậm chí nhiều du khách từng thưởng thức cũng không biết rõ hình dáng của nó ra sao. Muốn lấy được củ hũ dừa ra ngoài, người ta phải đốn hạ cả cây, vậy mới thấy nguyên liệu này quý đến thế nào. Sự kết hợp của củ hũ dừa với món bánh xèo truyền thống đã tạo nên một món ăn vừa lạ vừa quý.
Món bánh xèo củ hũ dừa ở Bến Tre còn đặc biệt hơn khi đầu bếp dùng nước cốt dừa đặc quánh để pha bột, làm món ăn càng trở nên béo ngậy.
3. Cơm gói lá sen (Đồng Tháp)
Cơm gói lá sen Đồng Tháp, một món ăn du khách nên thử khi du lịch miền Tây
Nếu Bến Tre được gọi là xứ dừa thì Đồng Tháp cũng quá nổi tiếng với những đầm sen đẹp ngút ngàn. Và cây sen cũng được người dân tận dụng để chế biến thành nhiều đặc sản như trà sen, chè hạt sen, thuốc củ sen, gỏi ngó sen… Trong bài viết này, du lịch Việt Vui muốn nhắc đến một món ăn dân dã từng làm nhiều du khách tấm tắc khen ngon khi thưởng thức, đó là cơm gói lá sen.
Ấn tượng đầu tiên của mọi người là món ăn được trưng bày đẹp mắt, lá sen gói tròn trên đĩa, nằm giữa những cánh sen tươi tắn. Khi mở lớp lá sen ra, hương cơm chiên hòa quyện cùng hạt sen, hải sản và mùi lá sen tỏa lên ngào ngạt. Chắc chắn món cơm gói lá sen là món quà tuyệt vời dành cho du khách sau một chặng đường dài.
4. Bánh tét cốm dẹp (Trà Vinh)
Bánh tét cốm dẹp, món quà du khách có thể mua về cho người thân sau khi du lịch miền Tây
Những người dân tộc Khmer ở Trà Vinh thường thu hoạch lúa nếp sớm hơn một đến hai tuần. Sau đó mang về nhà bóc hết vỏ, thành phẩm thu được chính là cốm dẹp. Người dân gói cốm dẹp với nhân đậu xanh và thịt mỡ, không quên cho thêm nước cốt dừa để tăng hương vị.
Sau khoảng thời gian 6-7 tiếng nấu trên bếp lửa hồng là chúng ta có thể vớt bánh ra. Người ta đợi trong chốc lát cho vỏ bánh ráo nước và nguội lại để có thể thưởng thức đúng vị bánh thơm dẻo còn ấm nóng. Du khách khi đến Trà Vinh muốn mua bánh về làm quà nên chọn loại bánh không chứa nhân thịt mỡ để giữ bánh được lâu hơn.
5. Nộm bưởi (Vĩnh Long)
Nộm bưởi, món ngon độc đáo ở miền Tây
Vĩnh Long có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái, trong đó bưởi là loại quả có giá trị kinh tế cao nên rất được người dân lựa chọn. Trái bưởi có thể chế biến thành nhiều món mặn ngọt khác nhau như chè bưởi, nước ép bưởi, mứt bưởi… và đặc biệt là nộm bưởi.
Nhiều du khách “nằng nặc” đòi đầu bếp chỉ cách làm nộm bưởi ngay lần đầu tiên thưởng thức món ăn này. Nhưng không phải ai cũng có duyên tạo nên vị ngon ngọt chua cay của món ăn, bí quyết nằm ở nước pha, kết hợp với những nguyên liệu tươi ngon, nhất là phải chọn loại bưởi Năm Roi nổi tiếng thanh mát…
6. Lẩu mắm (Cần Thơ
Lẩu mắm là món ăn phức tạp nhất trong danh sách những món ăn ngon ở Miền Tây mà du lịch Việt Vui muốn giới thiệu đến du khách. Vì để tạo nên một nồi lẩu thơm ngon đúng điệu, người đầu bếp cần chuẩn bị hàng chục nguyên liệu khác nhau. Việc kết hợp hài hòa số nguyên liệu này trong một nồi lẩu thật không dễ dàng chút nào.
Có những quán ăn ngon ở Miền Tây mà du khách có thể thưởng thức món lẩu mắm nhưng ngon nhất phải kể đến Cần Thơ, nơi còn lưu giữ bí quyết nấu ăn thuần túy cùng những nguyên liệu đặc trưng không phải nơi nào cũng có được. Dù đến Cần Thơ trong một ngày hè nắng gắt hay một ngày mưa tầm tã, du khách cũng không thấy phiền nếu mình được thưởng thức món lẩu mắm thơm nồng. Nhiều lúc mọi người còn phải tiếc nuối vì nồi nước lẩu “cạn đáy” quá sớm.
7. Canh chua cá linh bông điên điển (An Giang)
Lẩu cá linh bông điên điển, món ăn mà du khách “nhất định” phải thử khi đến miền Tây
Dường như đặc thù của Miền Tây sông nước là những món ăn hòa quyện nhiều nguyên liệu cây nhà lá vườn và canh chua cá linh bông điên điển ở An Giang là một món ăn đậm đà hương vị quê hương như vậy. Mấy năm gần đây Miền Tây ít xuất hiện mùa nước nổi nên sản lượng cá linh vì thế cũng giảm dần. Nếu du khách nào về Miền Tây mà được thưởng thức món canh chua bông điên điển nấu với cá linh thì may mắn còn gì bằng.
8. Bánh bò thốt nốt (An Giang)
Bánh bò thốt nốt, món ăn dân dã mà ngon
Một món ăn khác của An Giang là bánh bò thốt nốt, nổi tiếng khắp vùng bảy núi Tri Tôn. Nếu có dịp ghé thăm nơi đây, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những gánh hàng rong chất đầy bánh bò được người dân bày bán khắp nơi, từ con đường nhựa quanh co dưới chân núi đến tượng Phật Di Lặc trên chùa Vạn Linh.. Là một sự hòa quyện độc đáo của bột gạo, đường thốt nốt và nước cốt dừa, bánh bò thốt nốt có vị ngọt đậm đà, dai thơm khiến du khách ăn hoài không biết ngán.
9. Bánh Pía (Sóc Trăng)
Bánh pía – đặc sản Sóc Trăng, du khách có thể mua về làm quà sau chuyến đi
Nếu An Giang có bánh bò thốt nốt thì Sóc Trăng là nơi xuất xứ món bánh Pía thơm ngon, từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, người dân dễ dàng mua được món bánh Pía Sóc Trăng ở các cửa hàng. Nhưng trải nghiệm được ghé thăm Sóc Trăng, trực tiếp xem người dân làm bánh và nếm bánh mới ra lò lại là một cảm giác hoàn toàn thú vị mà du khách nên thử một lần trong đời.
Một số du khách không thích món bánh có sầu riêng hoặc trứng muối thì hãy nhân cơ hội về Miền Tây để học hỏi cách chế biến, sau đó tập tành làm tại nhà cho người thân được thưởng thức nhé.
10. Bánh tằm (Bạc Liêu)
Nhiều người hay nhầm tưởng bánh tằm Bạc Liêu giống như món bánh tằm khoai mì ăn kèm với nước cốt dừa ở nhiều nơi khác, vậy nên du khách đến với Bạc Liêu thường hay bỏ qua món ăn đặc biệt này. Bánh tằm Bạc Liêu hòa quyện nhiều thành phần như sợi tằm gạo, bì, rau giá, tỏi phi, nước chấm chua cay...
Điều khiến cho bất kỳ du khách nào thưởng thức món bánh tằm này cũng phải nhớ đó là cảm giác trơn dính ở miệng hay vị nước chấm sền sệt đậm đà cùng với sợi bánh mềm mịn.
11. Gỏi cá trích (Kiên Giang)
Gỏi cá trích cũng được xem là đặc sản miền TâyKiên Giang là tỉnh lị có đường bờ biển dài hơn 200km nên sản lượng hải sản được ngư dân đánh bắt mỗi ngày không hề nhỏ. Trong các loại hải sản đa dạng và phong phú đó, cá trích là loài cá có giá trị kinh tế rất cao. Trên bàn ăn của ngư dân hay bàn tiệc trong các hàng quán ở Kiên Giang, du khách dễ dàng tìm thấy món gỏi cá trích.
Bí quyết quan trọng làm nên hương vị cá là cách thái cá sao cho vừa để khi trộn với các nguyên liệu và gia vị, cá “sống” biến thành cá chín. Món ăn này khiến nhiều người lo ngại nhưng thật ra lại rất tốt cho hệ tiêu hóa. Nếu ăn kèm gỏi cá trích với cơm trắng và thưởng thức thêm một cốc bia tươi thì ngon tuyệt.
12. Ba khía Rạch Gốc (Cà Mau)
Cà Mau dường như là vùng đất còn lưu lại nhiều nét hoang sơ nhất miền Nam của Tổ quốc. Những hàng cây đước, cây mắm bạt ngàn chính là nơi trú ngụ của rất nhiều loại sinh vật từ chim khỉ, kì đà, đến cá tôm, lươn rắn... Trong đó, loài chiếm số lượng lớn và trở thành một đặc sản được nhiều người biết đến là ba khía, nhất là ba khía vùng Rạch Gốc.
Đây là một loài thuộc họ nhà cua, thường sinh tồn trong những bãi bồi nước lợ, nước mặn; có càng to, trên lưng có ba sọc, khả năng di chuyển rất nhanh và hoạt động về đêm. Để bắt được những con ba khía tươi ngon, người dân phải thức trắng đêm để di chuyển vào sâu trong rừng ngập mặn, chờ cho nước rút làm lộ ra các hang trú ẩn mới có thể rọi đèn lần theo bắt. Vì vậy, mỗi lần du khách thưởng thức món ăn này, chỉ cần nghĩ đến hình ảnh chân lấm tay bùn của người dân, là cảm thấy món ăn thêm đậm đà và quý giá.

 

​​
Nguyễn Hoàng Thanh

SEO & IM at Viet Fun Travel- 7/6/2017