Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Sự ghen tị lấy đi hạnh phúc

BM

Mong muốn được sống trọn vẹn là bản năng tất yếu của con người. Chúng ta khao khát tình bạn, tình yêu, năng lực, sự an toàn và thậm chí cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Nếu không có những ham muốn này, chúng ta có thể thiếu động lực để theo đuổi một cuộc sống viên mãn cho bản thân và những người xung quanh.


Tuy nhiên, chúng ta sẽ chịu tổn thương khi quá truy cầu những điều thuộc về người khác. Cảm giác này được gọi là ghen tị, sẽ lấy đi động lực vốn có của con người và liên tục phát triển giống như căn bệnh ung thư.


Khi lớn dần lên, sự ghen tị sẽ thay thế cảm giác hạnh phúc trong cuộc sống – không chỉ là niềm vui nhất thời hay sự hài lòng thường ngày, mà còn cả ý nghĩa và mục đích sống. Từ đó, ghen tị làm xói mòn hạnh phúc và không mang lại kết quả gì.


Đừng vội vàng xem việc mất đi hạnh phúc chỉ là vấn đề cá nhân. Bạn có nhận thấy những người không hạnh phúc thường ít gắn kết với người khác không? Họ bị nhấn chìm trong khoảng trời u ám của chính mình. Chỉ khi hạnh phúc và được thấu hiểu, con người mới tham gia vào các mối quan hệ cộng đồng giúp họ phát triển hưng thịnh.


9 cách ghen t ngăn tr hnh phúc


BM

Ghen tị là một vấn đề đáng nói. Điều quan trọng là cần nhấn mạnh và khắc họa thành bức tranh sống động hơn. Tôi sẽ nói sơ qua về 9 cách mà lòng ghen tị làm giảm cảm giác hạnh phúc. Hy vọng sẽ khuyến khích bạn loại bỏ sự ghen tị ngay khi mới bén rễ trong tâm.


1_ Làm sai lệch nhận thức về thực tế


Những người ghen tị không nhìn thấy bản chất của thế giới. Những gì họ mong muốn sẽ phóng đại trong tâm trí, gây ra nhiều hậu quả phức tạp. Ví dụ, một người có thể cáu kỉnh với ai đó khi họ chia sẻ tin vui vì hiểu lầm đó là khoe khoang.


2_ Hạ thấp giá trị bản thân


Nguyên nhân cơ bản của ghen tị là so sánh cuộc sống bản thân với người đang sở hữu những điều bạn mong muốn. Dành quá nhiều thời gian so sánh sẽ khiến bạn tự hạ mình thấp hơn người khác, xem họ giỏi hơn hoặc quan trọng hơn khi đạt được những gì bạn muốn.


3_ Bực bội với người khác


BM

Việc thừa nhận người khác có những gì bạn mong muốn không giúp nuôi dưỡng sự tôn trọng hay ngưỡng mộ. Nếu đó là người quen biết, sự hiện diện của họ có thể khiến bạn cảm thấy bị đe dọa, như một lời nhắc nhở liên tục về những gì bạn không thể đạt được.


4_ Không bao giờ hài lòng với cuộc sống


Nghĩ đến những sự thiếu thốn thường khiến bạn không còn chỗ để trân trọng những gì mình đang có. Thông thường, chúng ta có thể ngưỡng mộ một điều gì đó, lên kế hoạch để đạt được, rồi tiếp tục tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, mong muốn quá nhiều sẽ dẫn đến mù quáng, bỏ qua mọi thứ ngoài sự truy cầu.


5_ Không tập trung vào những điều quan trọng


Lòng ghen tị làm khuếch đại giá trị của mục tiêu, tạo ra cảm giác trống vắng nếu không có được. Trạng thái này có thể khiến bạn không để ý đến những gì thực sự quan trọng, vì nỗi ám ảnh với một mong muốn duy nhất đã lấn át tất cả.


6_ Lạnh nhạt với các mối quan hệ


BM

Khi khao khát mãnh liệt một thứ gì đó, bạn có thể xem những người xung quanh chỉ là phương tiện để đạt được mục đích, thay vì thực sự trân trọng các mối quan hệ. Thái độ này có thể khiến bạn thờ ơ, lạnh nhạt với mục tiêu của người khác và chỉ tập trung vào kế hoạch của riêng mình.


7_ Lãng phí thời gian và tinh thần


Ghen tị dẫn đến những vòng luẩn quẩn suy nghĩ vô tận, ám ảnh về những thứ bạn đố kỵ thay vì tận hưởng mỗi ngày trôi qua. Bạn sẽ tiêu hao năng lượng vào những kế hoạch nhằm đạt được các mong muốn đó.


8_ Thiếu lòng biết ơn đối với những niềm vui giản đơn trong cuộc sống


Nếu ghen tị là cách dễ dàng nhất để hủy hoại hạnh phúc, thì lòng biết ơn chính là thuốc giải độc. Người có lòng biết ơn thường tận hưởng niềm vui qua việc trân trọng những điều tốt đẹp nhỏ bé. Tuy nhiên, lòng biết ơn và ghen tị không thể cùng tồn tại – giống như dầu và nước không thể hòa lẫn.


9_ Xấu hổ và bỏ bê bản thân


Nếu không đạt được như mong muốn, bạn sẽ đổ lỗi cho người khác hoặc chính mình. Trong trường hợp thứ hai, bạn có thể bỏ bê sức khỏe, cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương cho đến khi đạt đến một cột mốc nhất định.


Hạnh phúc hay ghen tị? Lựa chọn là ở bạn


BM

Trong hàng ngàn năm qua, các nhà triết học đã liên tục lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của ghen tị. Khoa học cũng chứng minh rằng những người có mức độ ghen tị cao thường ít hài lòng với cuộc sống, dễ thiếu năng lượng và không hạnh phúc.


Khi triết học, khoa học và đạo đức thông thường đều có cùng nhận định, chúng ta nên nghiêm túc lắng nghe kết luận của họ. Lòng ghen tị chẳng mang lại lợi ích gì mà chỉ toàn mất mát. Hãy cảnh giác khi bạn vượt qua ranh giới từ đơn giản là mong muốn điều gì đó tốt đẹp, đến mức không thể tận hưởng cuộc sống nếu không đạt được, đến việc oán giận người khác vì sở hữu thứ bạn mong muốn và trở nên ám ảnh để có được.


Hóa ra, hạnh phúc lại phù hợp với triết lý tối giản, nhấn mạnh việc buông bỏ thay vì có được. Bằng cách loại bỏ ghen tị – ham muốn quá mức những gì người khác sở hữu – bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống. Hãy thử tự mình trải nghiệm điều đơn giản này để kiểm chứng. Nếu niềm vui, ý nghĩa và hạnh phúc là những gì bạn tìm kiếm trong cuộc sống, thì sẽ không có chỗ cho sự ghen tị.


Mike Donghia  _  Minh Thư/ bao mai