Khoảng 850 triệu người trên thế giới mắc các bệnh lý về thận, gấp 20 lần so với bệnh ung thư. Yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh thận là tiểu đường, tăng huyết áp hay béo phì.
Theo ước tính năm 2020 của Hội Thận học quốc tế, khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới hiện mắc các bệnh lý về thận do nhiều nguyên nhân. Con số này gấp đôi số lượng bệnh nhân tiểu đường và gấp 20 lần so với ung thư.
Thông tin từ Hội Lọc máu Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn ở Việt Nam chiếm khoảng 10,1% dân số, tương đương hơn 10 triệu người. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 người mắc bệnh này. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một số bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp hay béo phì là những yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh thận. Dù vậy, ở Việt Nam, các bệnh lý đe dọa cản trở sự hoạt động của thận đang gia tăng nhanh chóng và có xu hướng trẻ hóa.
Đơn cử, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020. Trong khi đó, ở người trưởng thành, con số này vào năm 2021 là gần 20%, nghĩa là cứ 5 người lớn lại có 1 người thừa cân, béo phì. Năm 2022, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người sống chung với bệnh béo phì.
Với tiểu đường, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc, 24% trong số đó có biến chứng về thận. Bộ Y tế đánh giá sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động, tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng và lứa tuổi mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa thực sự là hồi chuông báo động.
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ nhiều và thường xuyên đồ uống có đường khiến cho trẻ có nguy cơ bị thừa cân, béo phì cao hơn đáng kể so với những trẻ không uống. Trong khi đó, thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả bệnh thận, tim mạch, một số loại ung thư…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ; chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn; đồ uống sữa có pha chế hương liệu.
Tại Việt Nam, tiêu thụ nước giải khát có đường (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người tăng rất nhanh qua các năm. Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) chiếm gần 34% vào năm 2019. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo (<25g/ngày) của WHO.
Nhằm hạn chế những ảnh hưởng của đồ uống có đường với sức khỏe, đặc biệt là của những nhóm đối tượng yếu thế trong đó có trẻ em, 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
WHO khuyến nghị Việt Nam cần khẩn trương ban hành các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Trong đó, áp thuế tiêu thụ đặc biệt được xem là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng đồ uống có đường, từ đó có thể giảm nguy cơ bị thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm có liên quan.
Từ năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới đã chọn ngày thứ 5 tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm là ngày Thận thế giới để giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng cách phòng ngừa và chữa trị các bệnh về thận. Năm 2024, ngày Thận thế giới diễn ra vào ngày 14/3.
WHO cũng khuyến cáo, để phòng bệnh thận, cần duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh; có chế độ ăn uống lành mạnh; tập thể dục thường xuyên; kiểm soát huyết áp; uống nhiều nước; không hút thuốc lá và không tự ý dùng thuốc.
Võ Thu / Vietnam Net/anle20