Móng tay không chỉ đóng vai trò thẩm mỹ mà còn là "cửa sổ" phản ánh sức khỏe của bạn. Những thay đổi bất thường của móng tay có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn. Dưới đây là 5 thay đổi màu móng tay bạn cần đặc biệt lưu ý.
Móng tay màu xanh, xám hoặc tím
Nhiệt độ quá thấp có thể khiến móng tay bạn chuyển sang màu xanh, xám hoặc tím nhưng các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây ra điều này. Nguyên nhân phổ biến là thiếu oxy có thể do các bệnh về phổi như bệnh hen suyễn hoặc viêm phổi, các bệnh về tim mạch như suy tim, bệnh tim bẩm sinh hoặc tuần hoàn máu kém.
Trong một số trường hợp, móng tay chuyển sang màu xanh, xám hoặc tím do bệnh Raynaud - một rối loạn mạch máu khiến các mạch máu ở ngón tay và ngón chân co thắt lại khi gặp lạnh hoặc căng thẳng, khiến móng tay chuyển sang màu xanh hoặc tím. Hoặc bệnh Wilson cũng là một rối loạn di truyền hiếm gặp gây tích tụ đồng trong cơ thể, có thể làm móng tay có màu xanh hoặc xám.
Móng tay màu vàngNhiễm nấm móng là nguyên nhân phổ biến nhất gây vàng móng tay. Móng bị nhiễm nấm thường dày lên, giòn, dễ gãy và có màu vàng hoặc nâu. Ngoài ra, móng tay của người bị vẩy nến có thể bị đổi màu, dày lên, bong tróc và có các vết lõm nhỏ.
Một số bệnh về phổi như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc ung thư phổi cũng có thể gây vàng móng tay. Hay móng tay của người bị tiểu đường có thể bị vàng nhẹ do sự phân hủy đường và ảnh hưởng của nó đến collagen trong móng. Những người có hệ miễn dịch suy yếu cũng có thể gặp tình trạng móng tay vàng.
Móng tay màu nâu hoặc đen
Thông thường, chấn thương hoặc va đập mạnh vào móng có thể gây chảy máu dưới móng, khiến móng chuyển sang màu nâu hoặc đen. Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm có thể làm móng đổi màu nâu hoặc đen, kèm theo các triệu chứng như sưng, đau và mủ.
Tuy nhiên, móng tay chuyển sang màu nâu hoặc đen có thể là do u hắc tố - một dạng ung thư da nguy hiểm có thể xuất hiện dưới móng tay, gây ra các vệt màu nâu hoặc đen dọc theo móng. Bệnh Addison là một rối loạn nội tiết tố hiếm gặp có thể gây ra các mảng màu nâu hoặc đen trên móng tay. Trong một số trường hợp, suy thận mạn có thể gây ra sự đổi màu nâu hoặc đen ở móng tay.
Móng tay có các đốm trắng hoặc chuyển màu trắng
Các đốm trắng trên móng thường xuất hiện khi gặp tình trạng Leukonychia (Chứng bạch giáp), thường do chấn thương nhỏ ở gốc móng, chẳng hạn như va đập hoặc cắn móng tay. Các đốm trắng này thường vô hại và sẽ biến mất khi móng mọc dài ra.
Tuy nhiên, việc cơ thể thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất như kẽm, canxi, vitamin C hoặc protein có thể gây ra các đốm trắng trên móng. Trong một số trường hợp hiếm, móng tay trắng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Ví dụ như móng tay trắng hoàn toàn hoặc có các vệt trắng lớn đôi khi có thể là dấu hiệu của bệnh gan. Một số bệnh thận có thể gây ra sự đổi màu trắng ở nửa dưới của móng, trong khi nửa trên vẫn có màu hồng bình thường.
Móng tay màu đỏ
Móng tay chuyển sang màu đỏ sẫm hơn bình thường có thể là dấu hiệu của một số bệnh tim mạch. Nếu phần móng màu đỏ kéo dài đến lớp biểu bì, đây có thể là dấu hiệu của viêm nội tâm mạc, một tình trạng nhiễm trùng van tim.
Nếu móng tay có màu đỏ và kèm theo các triệu chứng khác như đau khớp, mệt mỏi, phát ban trên da, đây có thể là dấu hiệu của bệnh lupus ban đỏ, một bệnh tự miễn dịch. Sự thay đổi này xảy ra khi thận của bạn làm việc quá sức và phải vật lộn để lọc máu và loại bỏ chất thải cũng có thể khiến móng tay chuyển sang màu đỏ
Theo The Mirror-Thu Phương/soha