Trong y học, bệnh nghiến răng được xem là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến, ở những trường hợp nghiêm trọng, nó còn có thể gây ra những tác động tiêu cực đến răng và mặt.
Những người mắc chứng nghiến răng cũng có thể mắc phải các chứng rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như ngáy và ngưng thở. Nhiều người do nghiến răng lâu ngày còn gặp phải tình trạng móm, đau hàm, cổ và mặt. Ngoài ra còn có cảm giác như bị đau tai, và trong trường hợp nặng hơn là đau đầu âm ỉ bắt đầu từ thái dương hay tổn thương bên trong má, v.v.
Tất nhiên, một số người nghiến răng suốt đời mà không có bất kỳ khó chịu nào về thể chất, điều này là có liên quan đến cơ địa cá nhân.
Nha sĩ Lưu Phức Huyên tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Y khoa Tôn Trung Sơn, Đài Loan, cho biết: Chứng nghiến răng thường xảy ra trong vô thức và người bệnh sẽ khó nhận biết được nếu gia đình không nói với họ.
Nha sĩ cho biết có 4 nguyên nhân chính gây ra chứng nghiến răng khi ngủ bao gồm:
1. Lo lắng và căng thẳng
Con người hiện đại đang sống dưới một áp lực rất cao và dễ bị lo lắng, trầm cảm và căng thẳng. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy 70% nguyên nhân ở các bệnh nhân đều liên quan đến căng thẳng tinh thần.
2. Sử dụng lâu dài một bên răng
Việc sử dụng một bên răng trong thời gian dài để nhai thức ăn cũng có thể gây ra chứng nghiến răng khi ngủ.
3. Thiếu vitamin D
Vitamin D có tác dụng giúp xương phát triển, đồng thời cũng có ích cho sức khỏe của răng. Do đó, thiếu vitamin D cũng có thể dẫn đến tật nghiến răng.
4. Bệnh về đường tiêu hóa
Các bệnh đường tiêu hóa như ký sinh trùng đường ruột hoặc trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể gây ra chứng nghiến răng. Hay sự xáo trộn của giun đũa sẽ kích thích liên tục lên thành ruột và gây phản xạ co bóp cơ nhai, tất cả đều gây ra tình trạng này.
Vì bệnh nghiến răng có thể dẫn đến các bệnh về răng miệng nên cần được điều trị sớm. Phương pháp điều trị cụ thể nên được xác định bởi một bác sĩ chuyên nghiệp.
Ngoài việc gặp bác sĩ, nha sĩ Lưu Phúc Huyên còn giới thiệu 4 cách giúp bạn giảm hoặc cải thiện chứng nghiến răng.
1. Không uống cà phê, rượu, trà và các loại đồ uống khác 1 ~ 2 giờ trước khi đi ngủ.
2. Tránh tập thể dục quá mức hoặc các hoạt động mệt mỏi trước khi đi ngủ, giữ cho môi trường ngủ tối và yên tĩnh.
3. Học cách thả lỏng cơ thể. Tắm nước nóng trước khi ngủ, hít thở sâu hơn, ngồi thiền hoặc yoga để thư giãn cơ thể và tâm trí.
4. Giải tỏa cảm xúc một cách hợp lý, giảm căng thẳng tâm lý và lo lắng tinh thần. Nếu triệu chứng nghiến răng nghiêm trọng, bạn nên đặt mua miếng đệm nha khoa kịp thời để tránh tổn thương răng.
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng nghiến răng vào ban đêm chủ yếu liên quan đến việc tích tụ thức ăn, ký sinh trùng đường ruột, tức giận, căng thẳng, mầm bệnh phong hàn ngoại sinh và khí trệ của gan gây ra. Do đó, phải chú trọng trong việc điều trị tiêu hóa, tẩy giun, diệt khuẩn, điều hòa lá lách, điều hòa dạ dày, dưỡng huyết thanh nhiệt, giải tỏa khí trệ và làm dịu thần kinh.
Ngọc Diệp/ Theo Epoch Times/trithuc