Thời tiết nắng nóng, người cao tuổi dễ bị kiệt sức, thậm chí đột quỵ, đặc biệt là những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, mỡ máu cao. Tuy vậy, đột quỵ mùa nắng nóng hoàn toàn có thể phòng ngừa và sơ cứu kịp thời nếu được phát hiện sớm.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) được chia làm 2 loại, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, đó là:
Xuất huyết não: Xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu thoát khỏi thành mạch chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện, và não thất...
Nhồi máu não hoặc thiếu máu não cục bộ (nhũn não) xảy ra khi một nhánh mạch máu não bị tắc nghẽn, tại nhánh đó bị thiếu máu và gây hoại tử. Chỉ trong vòng vài phút, nếu không có các biện pháp tái lập tuần hoàn não để cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác (qua đường máu) cho các tế bào não, chúng sẽ bắt đầu chết (trung bình 1,9 triệu nơ-ron bị chết/phút) và tiếp diễn liên tục trong vài giờ. Vì vậy, đột quỵ được coi là một tình huống cấp cứu y tế, cần có chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Yếu tố thuận lợi gây đột quỵ
Có nhiều yếu tố gây đột quỵ não, trong đó nắng nóng là một trong các yếu tố có thể gặp gây đột quỵ não ở người cao tuổi (mức dao động nhiệt càng lớn, nguy cơ đột quỵ càng tăng. Nếu biểu đồ dao động nhiệt độ tăng thêm 5 độ C, thì tỷ lệ đột quỵ sẽ tăng lên đến 6%), đặc biệt là người có tuổi mang trong mình bệnh về tim (suy tim, tiền sử nhồi máu cơ tim...), bệnh về mạch máu như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch hoặc do mỡ máu cao thường xuyên, tiểu đường...
Tại sao nắng nóng dễ gây đột quỵ cho người cao tuổi?
Mùa nắng nóng, người cao tuổi dễ bị kiệt sức và đột quỵ vì khả năng làm mát cơ thể đã suy giảm. Người có tuổi càng cao, có các bệnh tim mạch, hay đã từng bị đột quỵ não, nếu đi lại hay hoạt động ngoài trời nắng nóng rất dễ bị đột quỵ. Bởi vì, nhờ khả năng điều hòa nhiệt độ nên thân nhiệt của chúng ta luôn ổn định ở 37oC, dù nhiệt độ ngoài môi trường có giảm xuống hay tăng lên. Trong những ngày nắng nóng, cơ thể phải thải nhiệt bằng cách ra mồ hôi, thở nhanh, đi tiểu, giãn mạch ngoài da, tăng hoạt động của tim để đẩy máu ra bề mặt cơ thể nhằm thoát nhiệt... Khi cơ thể người cao tuổi không tự làm mát được (vì mọi chức năng của người cao tuổi đã bị suy giảm), nhiệt độ cơ thể tăng cao gây rối loạn chức năng điều phối hoạt động sống của hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn hô hấp và tuần hoàn, suy giảm lượng máu nuôi não và sẽ dẫn đến đột quỵ.
Trời càng nắng nóng, càng dễ gây ra đột quỵ, nhiệt độ càng cao thì mức độ đột quỵ càng nặng. Nếu nhiệt độ ngoài trời từ 35 - 36oC ít khi gây ra đột quỵ mà chỉ gây ra say nắng và say nóng. Nhưng khi nhiệt độ ngoài trời từ 39 - 40oC trở lên, rất dễ gây đột quỵ não ở người cao tuổi. Vì vậy, hãy coi những ngày nắng trên 39 - 40oC là ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm để có biện pháp bảo vệ cho NCT, phòng tránh đột quỵ.
Nhận biết đột quỵ
Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, thậm chí không nặng nhưng có thể ngày càng trở lên nghiêm trọng hơn. Triệu chứng thường gặp là, xuất hiện liệt vận động hoặc rối loạn cảm giác ở một bên của cơ thể. Có thể là liệt chi trên hoặc chi dưới hay chỉ là tê bì các chi. Hoặc thấy một bên miệng bị trễ xuống, nhân trung lệch, đồng thời nói khó hoặc khó khăn khi tìm từ phù hợp, hoặc không hiểu lời người khác nói; mắt nhìn mờ, giảm thị lực hoặc mù hoàn toàn một bên mắt; có thể đột ngột đau đầu dữ dội, đặc biệt kèm theo buồn nôn, nôn hay chóng mặt; loạng choạng và mất phối hợp động tác. Các triệu chứng này có thể biến mất hoàn toàn sau một vài giây hoặc một vài phút, trường hợp này được gọi là “tai biến mạch máu não thoảng qua”. Tuy vậy, người bệnh cần phải thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa ngay cả khi không còn triệu chứng vì đây là dấu hiệu báo trước cơn tai biến sẽ xảy ra.
Sơ cứu đột quỵ
Cần gọi người trợ giúp và ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Trong thời gian chờ hỗ trợ, xe cấp cứu, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân. Bởi vì, nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Nếu người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở.
Biện pháp phòng đột quỵ ở người cao tuổi
Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng, phải đội nón, mũ rộng vành, mặc quần áo mỏng, thoáng, áo chống nóng, đeo kính, khẩu trang tránh hít phải bụi... Những người cao tuổi còn có sức khỏe lao động ngoài trời nắng nên uống đủ nước, nếu có thêm nước ép trái cây càng tốt (cam, chanh, dưa hấu, lê...) hoặc nước muối nhạt (có pha thêm muối ăn) hoặc uống thêm dung dịch oresol càng tốt. Người cao tuổi khi vừa ở ngoài trời nắng về nhà không nên tắm ngay, không nên cho quạt với tốc độ cao quạt xoáy vào người hoặc không nên vào phòng máy lạnh, nhất là phòng máy lạnh để ở nhiệt độ thấp và không nên uống nước có đá hoặc nước lạnh.