Có thực mới vực được đạo. Ăn
thì ai cũng phải ăn. Nhưng lắm khi sinh bệnh không vì miếng ăn mà vì cách ăn.
Nói có sách mách có chứng, ở CHLB Đức rõ ràng không thiếu bệnh viện chuyên khoa
với công nghệ tiên tiến, cũng không thiếu thuốc đặc hiệu. Ấy vậy mà hàng năm vẫn
có cả chục ngàn người tìm các tu viện cổ kính ở tiểu bang Badem-Wurtemberg để học
cách… ăn!
Sở dĩ như thế không dưới 60%
bệnh nhân bên đó quyết liệt đòi hỏi được điều trị bằng liệu pháp sinh học thay
vì với thuốc hóa chất tổng hợp. Thêm vào đó, hơn 70% thầy thuốc ở Đức trước sau
vẫn trân trọng kinh nghiệm của y học dân gian. Đó là lý do tại sao hàng trăm ngàn
bệnh nhân ở Đức thường xuyên tham gia chương trình nghỉ dưỡng trong các tu viện
để được chăm sóc sức khỏe với nước khoáng, dược thảo, món ăn… theo kinh nghiệm
của các thầy thuốc đồng thời là thầy tu. Nhiều bệnh nhân, kể cả không ít thầy
thuốc bên đó, đều nằm lòng nhiều bài thuốc dược thảo gia truyền của nữ tu Hildegard
von Bingen, thay vì chuộng lối dùng thuốc theo kiểu đau đâu chữa đó để rồi trả
giá bằng phản ứng phụ khó lường. Bên mình thì phản ứng phụ của thuốc dường như
vẫn còn là chuyện trà dư tữu hậu!
Nếu tưởng thầy dòng ở xứ làm
xe BMW chữa bệnh mát tay nhờ biết cách “tiếp thị” đặc sản nào đó theo kiểu độc
quyền “made by thầy tu” thì sai. Cái hay của thầy thuốc mặc áo dòng bên Đức chính
là biện pháp hướng dẫn cho “khách hàng” về cách ăn uống sao cho đừng mang bệnh
vào thân. Theo các thầy tu trên quê hương của Goethe, nhiều trường hợp mắc bệnh
một cách oan uổng, dù tính cho cùng chẳng oan chút nào, là vì gia chủ:
1. Ăn quá nhanh đến độ mỗi miếng ăn không được nhai tối thiểu
10 lần. Thức ăn vì thế xuống đến bao tử ở dạng khó được hấp thu. Hậu quả là ăn
có thể nhiều nhưng hưởng chẳng bao nhiêu!
2. Ăn trong trạng thái quá căng thằng vì mang theo công việc
lên bàn ăn nên tuyến yên không trung hòa nổi lượng nội tiết tố thặng dư do
stress. Hậu quả là lượng nước chua trong dạ dày được bài tiết quá sớm trước bữa
rồi sau đó quá trễ sau bữa ăn, nghĩa là lúc bao tử còn trống. Dạ dày vì thế dễ
bị viêm loét. Đã vậy nếu gia chủ ăn khi đang bực bội hay buồn rầu thì không cần
học bói dịch cũng biết sớm muộn cũng gặp hạn “quan lang”!
3. Quên uống ly nước lớn trước bữa ăn ít phút, hay chọn
món canh khai vị, để nhờ nước vừa pha loãng dịch vị, vừa giúp bao tử xay
nhuyễn thức ăn, thay vì lúc nào cũng phải rồ ga vì gặp hàng cứng rồi mau cháy
máy!
4. Ăn một lần quá no khiến trái tim sau đó phải gồng
mình bơm thêm máu đến trục tiêu hóa rồi đành bỏ quên nơi khác như não bộ, thành
tim, đáy mắt… Chính vì thế phải ăn chầm chậm, ăn vừa đủ no nếu đã thiếu máu cơ
tim, đã bị bệnh võng mạc. Với người ăn quá nhanh, đến khi có được cảm giác no
thì lượng thức ăn đã quá tải trong dạ dày.
5. Dùng nhiều thực phẩm sống trong bữa cơm chiều để rồi
suốt đêm khó ngủ vì hiện tượng lên men trong khung ruột. Đó là chưa kể hậu quả
lâu dài trên trục thần kinh – nội tiết – biến dưỡng vì các cơ quan nội tiết như
tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng… ngày nào cũng phải tăng năng suất.
6. Không lưu ý về quân bình giữa thực phẩm gốc động vật và
rau quả tươi theo tỷ lệ món đỏ đừng hơn phân nửa món xanh, thậm chí chỉ 1/3
càng tốt, để độ pH trong máu đừng quá chua rồi kéo theo rối loạn biến dưỡng.
7. Hay tráng miệng bằng món quá ngọt ngay sau bữa ăn
khiến tụy tạng mau mệt nhoài vì đã bù đầu với việc điều chỉnh lượng đường huyết
ngày nào cũng bội tăng mấy chục lần.
8. Không cho cơ quan cơ quan trọng yếu giữ nhiệm vụ giải độc
như lá gan, trái thận, khung ruột có dịp nghỉ xã hơi nhờ không phải đối đầu
với độc chất ngoại lai hay phế phẩm nội sinh từ tiến trình biến dưỡng. Đáng tiếc
vì biện pháp tương đối đơn giản. Đó là nhịn đói ít ngày trong tháng, hay một
ngày trong tuần, hay vài ngày trong tuần chỉ ăn một bữa.
9. Ăn nhậu là tiếng kép. Đừng uống rượu mà không ăn.
Nên nhớ là lượng thức ăn khi “vô” giữ vai trò chất độn để nhờ đó giảm độ hấp
thu của rượu vào máu.
10. Nhậu nhẹt cũng là tiếng kép. Thầy tu bên Đức không cấm nhậu,
miễn là đừng nhậu đến… nhẹt! Trong chương trình dinh dưỡng của các nhà
dòng bao giờ cũng hoan nghênh ly rượu vang đỏ hay cốc bia đen sau mỗi bữa ăn. Kẹt
một nổi là ở xứ mình nhiều người vẫn chưa phân biệt được giữa một ly với một
chai rượu mạnh hay một két bia!
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) ắt
hẳn đã có cơ sở vững chắc khi quả quyết sai lầm trong chế độ dinh dưỡng là
nguyên nhân của tối thiểu 70% bệnh chứng nghiêm trọng. Không cần dông dài, khỏi
cần thống kê cũng hiểu tại sao nhiều bệnh chứng nghiêm trọng như ung thư, cao
huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, dị ứng… lại có tỷ lệ cao đến thế ở nước ta!
Không cần dông dài cũng hiểu tại sao doanh nhân là miếng mồi ngon của nhiều bệnh
chứng chỉ vì mấy ai tránh khỏi ăn uống thất thường, ăn quá nhanh, uống nước
không đủ…
Đáng tiếc vì ăn thì ai cũng phải ăn nhưng do cách ăn mà sinh bệnh thì
đúng là vụng về đến độ đáng trách.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.