Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Vi khuẩn, virus gây bệnh cho cơ thể như thế nào?



Vi khuẩn (bacteria) , vi-rút (virus) – thường được gọi chung là vi trùng--- chúng ở khắp nơi, có thể tìm thấy trong không khí, thực phẩm, thực vật và động vật, trong đất và nước, trên mọi thứ bề mặt khác, kể cả cơ thể chúng ta.

Hầu hết các vi trùng sẽ không làm hại con người. Hệ thống miễn dịch của cơ thể giúp chúng ta chống lại các tác nhân lây nhiễm. Tuy nhiên, một số vi trùng thuộc loại ghê gớm, chúng liên tục biến đổi để phá vỡ hàng rào miễn dịch, thâm nhập và gây bệnh. Biết được vi trùng hoạt động như thế nào có thể giúp bạn phòng tránh, giảm nguy cơ nhiễm trùng lây bệnh.


Vi khuẩn (bacteria)

                                         Vi khuẩn là một phần của cơ thể

Vi khuẩn là các tế bào đơn bào chỉ nhìn thấy bằng kính hiển vi. Chúng quá nhỏ đến nỗi nếu bạn xếp hàng ngàn con nối nhau thì cuối cùng cũng chỉ vừa với một cái chấm của cây bút chì.

Không phải tất cả các vi khuẩn đều có hại, và một số vi khuẩn sống trong cơ thể là hữu ích. Ví dụ, Lactobacillus acidophilus – một loại vi khuẩn có ích nằm trong ruột của người – giúp bạn tiêu hóa thức ăn, tiêu diệt một số sinh vật gây bệnh và cung cấp chất dinh dưỡng.
Một số loại vi khuẩn gây bệnh rất nguy hiểm, ví dụ bệnh nhiễm khuẩn tụ cầu (Staphylococcus aureus), chứng ngộ độc thịt (Clostridium botulinum), bệnh lậu (Neisseria gonorrhoeae), loét dạ dày (Helicobacter pylori), bạch hầu (Corynebacterium diptheriae) và bệnh dịch hạch (Yersinia pestis)… Chúng có thể gây bệnh thông qua cơ chế sản xuất độc tố, xâm nhập vào các tế bào hoặc máu, hoặc cạnh tranh với chủ thể giành dưỡng chất.

Người ta ước tính số vi khuẩn có trên thân người nhiều gấp 10 lần số tế bào của cơ thể, lên đến cỡ 100 nghìn tỷ, chiếm trọng lượng khoảng từ 1,5 – 2 kg. Ngày nay khái niệm microbiome được dùng để chỉ hệ vi khuẩn có trên thân người, chúng đặc trưng cho mỗi cá thể và thường ở trạng thái ổn định. Khi cân bằng này bi phá vỡ, sức khỏe thể chất và tinh thần của người này lập tức xuất hiện vấn đề.

Vi-rút (Virus)


Virus nhỏ hơn tế bào. Trên thực tế, virus về cơ bản chỉ là những “viên nang” có chứa chất liệu di truyền là ADN hoặc ARN. Để sinh sản, virus xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể, xâm chiếm các tổ chức làm cho tế bào hoạt động.

Virus có khả năng gây bệnh ở người lẫn động vật, thậm chí có thể “nhảy” từ một chủ thể này sang chủ thể kia. Virus có hai cơ chế tồn tại. Một là, bên ngoài tế bào, chúng là vật sống và được gọi là các hạt virion. Và hai là, một khi ở bên trong tế bào, chúng sẽ sử dụng cơ chế để tái tạo và nhân lên. Các tế bào chủ thường bị phá hủy trong quá trình này.

Khả năng lây lan nhanh chóng và tái tạo làm cho một số virus đáng sợ hơn, trong chừng mực nào đó virus còn được xem vũ khí hủy diệt hàng loạt. Một số loài như virus cảm lạnh có thể làm cho người này bị bệnh, không gây tổn hại lâu dài nhưng lại nguy hiểm đối với những người khác.

Ngoài vi khuẩn và virus, còn có một số tác nhân gây bệnh phổ biến khác là vi nấm, nấm men (candida), các ký sinh trùng.

Lây truyền và phòng tránh

Vi trùng có thể lây nhiễm và thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng chủ yếu nhất vẫn là qua tiếp xúc trực tiếp (qua da, dịch, máu…) với người đã bị nhiễm, hoặc qua một đường trung gian khác (dụng cụ dùng chung).

Cách tốt nhất để tránh bệnh tật là gì? Hãy ngăn ngừa nhiễm trùng. Bạn có thể ngăn ngừa nhiễm trùng thông qua các việc đơn giản hàng ngày, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên, cẩn thận với thức ăn và nước uống, dùng thuốc thích hợp, đồng thời chú trọng tăng sức đề kháng thông qua dinh dưỡng, luyện tập.

                                   Chỉ một cái bắt tay, bạn đã trao nhau vô số vi khuẩn

Hãy chịu khó rửa tay. Thường hay bị bỏ qua, nhưng rửa tay là một trong những cách dễ dàng và hiệu quả nhất để tự bảo vệ mình khỏi các vi trùng và hầu hết các bệnh nhiễm trùng. Rửa tay thật kỹ trước khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn, sau khi ho hoặc nhảy mũi, sau khi thay tã cho trẻ em và sau khi đi vệ sinh. Khi không có xà bông và nước, các loại gel có chứa cồn có thể cung cấp sự bảo vệ.


Đồng thời hãy hạn chế dùng tay cạy ngoáy mũi, lỗ tai, dụi mắt hoặc sờ lên mặt, gãi đầu… để hạn chế sự lây nhiễm của vi trùng.

Lưu ý:
Các kháng sinh (antibiotics) được thiết kế để diệt vi khuẩn, không ảnh hưởng đến virus. Việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ có chuyên môn để hạn chế vấn đề vi khuẩn kháng thuốc.

Minh Thành (daikynguyen-26/6/2017)