Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

Hơn một tỷ người trên thế giới sẽ mắc tiểu đường vào năm 2050


Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet, số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi trong ba thập niên tới, với 1.3 tỷ người vào năm 2050. Năm 2021 có 529 triệu người mắc bệnh tiểu đường và sự gia tăng số lượng bệnh tiểu đường sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh từ 6% lên gần 10% dân số thế giới vào năm 2050 – The Washington Post cho biết.

Hồi chuông cảnh báo mới
Phát hiện của nghiên cứu mới dựa trên phân tích dữ liệu từ hơn 27,000 nguồn tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, hiện có hơn 37 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường. Tiểu đường là một bệnh mãn tính phát triển khi lượng đường (glucose) trong máu quá cao. Lý tưởng nhất là cơ thể chuyển đổi hầu hết thực phẩm bạn ăn thành glucose và giải phóng nó vào máu, đồng thời tuyến tụy của bạn tiết ra insulin, một loại hormone, giúp đưa glucose vào tế bào để tạo năng lượng.

Hormone do tuyến tụy sản xuất đóng vai trò như “hộ chiếu”, cho phép đường đi từ các mạch máu vào các tế bào của cơ thể. Ở bệnh tiểu đường Loại 1 (Type 1), tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin, trong khi ở bệnh tiểu đường Loại 2 (Type 2), cơ thể ngừng phản ứng với insulin đúng cách. Ở cả hai loại, lượng đường trong máu tăng cao có thể gây hại cho cơ thể, dẫn đến bệnh tim, các vấn đề về thận, về thần kinh, thậm chí mù lòa.

Khoảng 96% số người trên toàn thế giới bị bệnh tiểu đường trong năm 2021 đều thuộc Loại 2 (lưu ý tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường Loại 2 ngày càng tăng trên toàn thế giới chủ yếu là do tăng bệnh béo phì). Nghiên cứu mới nhấn mạnh: “Sự lan rộng liên tục của bệnh tiểu đường trên toàn cầu đặt ra thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng đối với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân”. Hàng triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường nhưng chưa được chẩn đoán. Vì vậy xét nghiệm là cần thiết.

Các xét nghiệm thông thường kiểm tra trực tiếp lượng đường trong máu (đường huyết) hoặc đo mức đường huyết trung bình trong hai đến ba tháng qua (hemoglobin A1c). Xét nghiệm sẽ cho thấy bạn bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường (có lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán bệnh tiểu đường). Tiền tiểu đường nên xem như màu vàng của đèn giao thông: Có nguy cơ đáng kể bệnh tiến triển thành bệnh tiểu đường nếu không thay đổi lối sống.

Vài tuần đầu tiên sau khi chẩn đoán là rất quan trọng để thiết lập các mô hình mới, từ thói quen ăn kiêng đến ghi nhật ký lượng đường trong máu và thuốc uống. Thuốc điều trị bệnh tiểu đường Loại 2 giúp cơ thể bạn sử dụng insulin tốt hơn hoặc loại bỏ lượng glucose dư thừa trong cơ thể bạn. Hầu hết ở dạng thuốc viên (ví dụ metformin) dù insulin và thuốc tiêm cũng được kê đơn, đặc biệt nếu lượng đường trong máu rất cao.

Có thể mất một thời gian để bạn và bác sĩ của bạn tìm ra loại thuốc tốt nhất để điều trị bệnh tiểu đường của bạn nhưng hầu hết bệnh nhân phải dùng thuốc suốt đời. Một số loại thuốc mới cho bệnh tiểu đường đã có bán trên thị trường trong những năm gần đây. Một số liệu pháp dựa trên glucagon-like peptide 1 (như semaglutide, liraglutide và tirzepatide) làm giảm lượng đường trong máu nhưng cũng làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp giảm cân.

Nhưng cũng không quá lo lắng
Không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường, nhưng nó có thể đảo ngược trong một số trường hợp. Giảm cân thậm chí từ 5 đến 10% có thể cải thiện lượng đường trong máu và giảm dùng thuốc đối với bệnh tiểu đường Loại 2. Những thay đổi triệt để hơn về lối sống (xem xét lại chế độ ăn uống, tập thể dục nhiều hơn) và phẫu thuật giảm cân có thể đẩy lùi bệnh tiểu đường Loại 2 ở một số người. Còn bệnh tiểu đường loại 1 gây ra bởi phản ứng tự miễn dịch chống lại một phần của tuyến tụy thì không thể đảo ngược dù các nhà khoa học đang nghiên cứu cách chữa trị.

Một nghiên cứu ở Vương quốc Anh, được gọi là Thử nghiệm lâm sàng thuyên giảm bệnh tiểu đường (DiRECT), cho thấy bệnh nhân có thể giảm lượng đường trong máu xuống dưới mức tiểu đường và khoảng một phần ba số bệnh nhân thử nghiệm giữ được lượng đường tốt trong ít nhất hai năm mà không cần dùng thuốc. Đầu tiên các bữa ăn kiêng thay thuốc chỉ cho 800 calories mỗi ngày, chủ yếu là các loại sữa lắc tốt cho sức khỏe.

Sau đó, thực phẩm được đưa dần dần trở lại với sự hỗ trợ bởi các chuyên gia dinh dưỡng, y tá và sách bài tập phù hợp để duy trì lượng đường. Chế độ ăn Địa Trung Hải là bằng chứng khoa học lâu dài mạnh mẽ nhất điều trị bệnh tiểu đường Loại 2. Chế độ ăn chay và dựa trên thực vật cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường Loại 2. Chế độ ăn kiêng ít carbohydrate và nhịn ăn gián đoạn ít được hỗ trợ khoa học hơn nhưng có hiệu quả đối với một số người và cần thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ.

Giữ lượng đường trong máu ở hoặc gần mức mục tiêu sẽ giúp bảo vệ mắt, thận và dây thần kinh. Giống như kiểm soát huyết áp và mức cholesterol sẽ làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Những lợi ích của việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường là rất đáng quan tâm. Các nghiên cứu ước tính người bị chẩn đoán tiểu đường ở tuổi 40 sẽ giảm thọ sáu năm.

Một chút phòng ngừa đáng giá bằng một cân chữa bệnh! (An ounce of prevention is worth a pound of cure).

Lương Thái Sỹ /https://saigonnhonews.com/quinhon11