Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Hướng dẫn cách tập Dịch Cân Kinh


1. Tại sao tập Dịch Cân Kinh có thể chữa được bệnh tật?
- Dịch Cân Kinh chữa được bệnh gì?
Trong các tài liệu ghi nhận các trường hợp được chữa khỏi khi tập Dịch Cân Kinh từ những bệnh nan y như ung thư, phổi, u não, tim, thận, bán thân bất toại, cho tới những bệnh thông thường như hay đầy bụng, trĩ nội, hay mệt mỏi, uể oải.


- Nguyên nhân gây ra bệnh
Bác sĩ Schulze từng chia sẻ trong cuốn sách “Không có bệnh gì là không chữa được” là bất kỳ chỗ nào trên cơ thể thấy có bệnh, hiển nhiên chỗ đó bị tắc nghẽn khỏi phần còn lại của cơ thể.
Lấy một ví dụ cho dễ hiểu, sau một trận lũ lịch sử, một thôn xã nào đó bị cô lập, chia cắt hoàn toàn trong nhiều ngày dài. Thiếu nước sạch, thiếu lương thực, bên ngoài không thể tiếp tế được. Cùng với đó là những thứ dơ bẩn do bùn đất, chất thải chảy tràn vào nơi sinh hoạt. Nguy cơ xảy ra bệnh dịch rất cao.
Cùng với quan điểm đó, trong cuốn “Làm sạch mạch và máu” tác giả Nishi Katsuzo có nói: chỉ có nước đứng yên mới bẩn, còn nước chảy luôn sạch.
Cơ thể chúng ta giống như dòng nước đang chảy, lưu chuyển bình thường thì máu không bị ứ đọng; còn với ứ đọng, bất kỳ bệnh gì cũng sẽ có thể xảy ra.

Tắc nghẽn nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó rất nguy hiểm vì:


- Ngăn cản máu mang oxy và chất bổ dưỡng tới các tế bào để tái tạo
- Hệ bạch huyết không thể mang tế bào miễn nhiễm tới chỗ bị đau
- Không thể mang các chất cặn bã từ các tế bào đến cơ quan bài tiết


- Vậy Dịch Cân Kinh chữa bệnh như thế nào?
Về cơ bản Dịch Cân Kinh lấy sự lưu thông khí huyết là cốt lõi, khí huyết lưu thông sẽ mang máu tốt đi nuôi các bộ phận trong cơ thể, và đẩy đi các chất cặn bã bị ứ đọng. Khi tập Dịch Cân Kinh 5 huyệt (1 huyệt Bách hội trên đỉnh đầu, 2 huyệt Lao Cung ở hai lòng bàn tay, 2 huyệt Dũng Tuyền ở hai lòng bàn chân) hoạt động mạnh hơn bình thường, làm thông suốt mạch Nhâm Đốc và 12 đường kinh, các cơ quan không bị trì trệ, âm dương thăng bằng, cơ thể thịnh vượng.
Nếu bạn chưa biết về 12 đường kinh: gồm 6 kinh âm và 6 kinh dương chạy dọc chân tay và thân mình phía trước và phía sau. Ngoài ra còn có các lạc là những nhánh phân ra từ kinh tạo thành mạng lưới đưa khí năng và sinh lực luân lưu qua mọi bộ phận và các mô bắp.


Hình ảnh 12 đường kinh
(nguồn: theamt.com)
Năm 1992 tại Bệnh viện Necker ở Paris, Tiến sĩ Jean-Claude Darras và Tiến sĩ Pierre de Vernejoul thực hiện 1 thí nghiệm nổi tiếng. Họ tiêm chất đánh dấu phóng xạ vô hại vào huyệt của 300 tình nguyện viên sau đó theo dõi sự di chuyển của nó bằng máy ảnh gamma. Khi tiêm vào các huyệt, các chất đánh dấu di chuyển đều đặn dọc theo con đường kinh, trùng hợp với miêu tả trong sách châm cứu. Nhưng khi tiêm vào chỗ không phải là huyệt thì nó giải ngân và biến mất.
Họ cũng nhận thấy rằng các chất đánh dấu di chuyển chậm hơn xung quanh các cơ quan bị bệnh và nhanh hơn xung quanh cơ quan khỏe mạnh, khẳng định quan niệm về bệnh do tắc nghẽn năng lượng.
Thí nghiệm này đã xác nhận sự tồn tại của mạng lưới kinh lạc, điều mà một số ý kiến của y học hiện đại trước đó đã bác bỏ và chế nhạo.
Mạch Nhâm và mạch Đốc:
Bên cạnh 12 đường kinh liên kết với các nội tạng, còn có 8 kỳ kinh là khoảng giao nhau giữa 12 đường kinh, trong đó có mạch Nhâm và mạch Đốc.

Mạch Đốc là mạch của các kinh dương, nằm ở giữa cột sống, các kinh dương ở tay chân từ 12 đường kinh đều giao hội ở đây.

Mạch Nhâm là mạch của các kinh âm, nằm ở giữa bụng, các kinh âm ở chân giao hội ở đây


Nguồn: khongdungthuoc.com
Nhiều người vẫn nghĩ động tác phải phức tạp mới đem lại hiệu quả, nhưng ở Dịch Cân Kinh dù chỉ có một động tác duy nhất được lặp đi lặp lại, nhưng cái chính là nó giải quyết được sự ứ đọng trong cơ thể.
- Ưu điểm khi tập Dịch Cân Kinh


Không đòi hỏi công cụ kèm theo để tập. Bạn không phải tốn chi phí đầu tư mua dụng cụ.

Bạn hoàn toàn chủ động về thời gian khi tập. Bạn có thể tập vào buổi sáng, buổi trưa, chiều hay tối. Bạn sẽ không cảm thấy áy náy khi phải đột xuất tăng ca và nghỉ tập so với những lịch học TDTM cố định. Rất thích hợp cho những ai hay di chuyển như các bác tài xế lái xe.

Những ai có sức khỏe kém vẫn có thể theo đuổi tập luyện.


2. Cách tập Dịch Cân Kinh

a. Tư thế Đứng
Mình sẽ chia Dịch Cân Kinh thành hai phần cho dễ thực hiện


- Chuẩn bị
- Vẫy

# Chuẩn bị




Mang dép. Tránh không để khí lạnh có cơ hội xâm nhập vào lòng bàn chân.

Chân dang ra rộng bằng vai. Tư thế đứng thoải mái.
Nhíu hậu môn và thót lên. Để việc nhíu hậu môn được duy trì trong suốt buổi tập thì bạn cần gồng cứng hai chân, và bấm các đầu ngón chân xuống.



Mình chỉ bấm phần mềm chỗ đầu ngón chân xuống,
không quặp đầu ngón xuống làm tổn thương ngón.

- Co đầu lưỡi chạm nhẹ vào nướu và chân răng hàm trên, răng khép lại và miệng ngậm.
- Mặt nhìn thẳng về phía trước
- Bàn tay khép các ngón tay lại.

# Vẫy


- Giơ hai tay ra đằng trước cao bằng vai.
- Dùng lực của vai và tay (lực của vai nhiều hơn) vẫy hai tay song song ra đằng sau. Thẳng ra sau hết cỡ.
Nhờ có lực đẩy này mà tay sẽ có quán tính hất ra phía trước. Lúc này tùy vào lực mạnh hay yếu, đánh vòng hẹp hay vòng to mà tay có thể cao bằng hoặc thấp hơn vai.
Sau đó lại dùng lực của vai để đẩy tay ra đằng sau. Lặp lại động tác trên.
Thở bình thường




Dùng sức của vai đẩy tay ra đằng sau mạnh thì lúc hất ra đằng trước nhờ quán tính là sức dùng ở đây dùng nhẹ.

Nếu mới tập hoặc người không khoẻ (buổi sáng dậy còn thấy uể oải), mình có thể đánh vòng tay hẹp, tốc độ chậm, tay hất ra đằng trước thấp. Sau khi đánh được một lúc, cơ thể cảm thấy tươi tỉnh và khoẻ khoắn hơn, mình nên đánh vòng tay lớn hơn, tốc độ nhanh, tay hất ra đằng trước cao.

- Làm sao để biết mình vẫy đúng?


Khi đứng thẳng lưng và đưa tay ra sau hết cỡ, bạn sẽ cảm thấy lúc vẫy phần lưng đằng sau sẽ giựt lên giựt xuống.
Nếu dùng lực tay nhiều hơn lực vai sau một lúc vẫy tay sẽ cảm thấy mỏi. Cái này giống đánh cầu lông, dùng lực của cổ tay hơn là lực của cánh tay.

Trong quá trình vẫy nếu thắc mắc chỗ nào, bạn hãy xem thêm “
Các câu hỏi thường gặp khi tập Dịch Cân Kinh



- Trong lúc vẫy luôn luôn kiểm tra 2 điều sau:


Có đang nhíu hậu môn không
Có đang thẳng lưng không, lúc tay vẫy ra đằng trước nếu chân không gồng cứng và bấm xuống có thể khiến cơ thể hơi chúi về phía trước.


- Sau khi kết thúc buổi tập

Nên xoa nhẹ các ngón tay và ngón chân để máu lưu thông, đây là điều nên làm vì chân sau một hồi bấm xuống sẽ dễ bị tê.

b. Tư thế Ngồi

Đối với ai bị khiếm khuyết ở đôi chân không thể đứng tập, hoặc những người lớn tuổi từng bị tai biến, có thể tập Dịch Cân Kinh bằng cách ngồi trên ghế.
Lựa ghế không quá cao để khi ngồi bàn chân chạm đất, không có phần tựa lưng để tay vẫy từ trước ra sau không bị vướng. Mang dép, thực hiện nhíu mông, co lưỡi và vẫy tương tự với cách đứng.
3. Thực Hành

Trong tài liệu người ta sẽ khuyên bạn tập 1.800 cái, tương đương với khoảng 30 phút. Bạn tập dưới 800 cái sẽ giúp cơ thể khoẻ lên, từ 800 cái trở lên sẽ có tác dụng chữa bệnh.
Tuy nhiên dù bạn tập với số lượng ít hơn, Dịch Cân Kinh vẫn sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng sức khoẻ. Tuần đầu tiên mỗi ngày mình tập 2 lần, mỗi lần 180 cái, mình đã ngủ rất ngon, ngủ thẳng giấc.
Đầu tiên, bạn cần chọn số lượng vẫy phù hợp để vẫy mỗi ngày. Đề xuất của mình là bạn dựa vào thời gian bạn có thể dành ra bao nhiêu, ví dụ như 5 phút, 10 phút hay 15 phút. Tuy nhiên tối thiểu là 5 phút nhé, ít quá sẽ không mang lại nhiều tác dụng đâu.
Kế tiếp quy đổi số phút đó ra số lượng vẫy, dựa trên bảng sau:


5 phút = 300 cái
10 phút = 600 cái
15 phút = 900 cái
20 phút = 1200 cái
25 phút = 1500 cái
30 phút = 1800 cái

Sau đó, mình sẽ lên kế hoạch tập nhé. Ví dụ mục tiêu là vẫy 15 phút = 900 cái. Nếu bạn mới tập, mình đề nghị bạn bắt đầu vẫy vào 2 ngày cuối tuần. Lúc này thời gian dư dả, để vừa xem qua lý thuyết và thực hành. Tốt nhất là nhờ một người đọc cho bạn những bước cần làm và kiểm tra trong lúc bạn thực hiện, cho đến khi bạn ghi nhớ hết và tự tin vẫy.


Tuần 1: vẫy 180 cái/ ngày.
Tuần 2: vẫy 300 cái/ ngày.
Tuần 3: vẫy 600 cái/ ngày.
Tuần 4 – cho đến về sau: 900 cái/ngày.

Đó là kế hoạch vẫy mình đề xuất, bạn có thể linh hoạt sửa đổi, nhưng không được quá dễ (tăng số lượng vẫy từ từ) hoặc quá khó (đùng một cái cố vẫy lên 900 cái) thì sẽ dễ gây nhàm chán hay nản chí. Tăng số lượng vẫy một cách vừa phải cũng là cách để cơ thể dần thích nghi.
4. Tại sao nhiều người lại thất bại trong việc tập Dịch Cân Kinh
Cái khó của tập Dịch Cân Kinh không phải nằm ở động tác. Ban đầu bạn sẽ cảm thấy lọng cọng khi tập. Nhưng chỉ sau một vài lần tập bạn đã có thể thuần thục.
Cái khó nằm ở việc duy trì và không bỏ tập.
Trong hầu hết các tài liệu về Dịch Cân Kinh, nội dung được đề cập tới chủ yếu là cách tập và các thành tựu chữa bệnh của nó. Nhưng chưa nhấn mạnh làm sao để tập thành công và duy trì được lâu dài. Dựa theo kinh nghiệm cá nhân và qua trao đổi với một vài anh chị cũng đang theo đuổi tập, mình rút ra được như sau.
Có 3 yếu tố mà bạn cần có là: Mục tiêu/động lực rõ ràng, niềm tin và sự tập trung
- Mục tiêu/động lực rõ ràng
Trong các tài liệu ghi nhận nhiều người bệnh nan y tập mỗi ngày được 1800-2000 cái, thậm chí hơn. Ngẫm kỹ họ có thể làm được là do họ có động lực mạnh mẽ, họ muốn chiến thắng bệnh tật, họ muốn được sống!
Chúng ta mong muốn có một cái bụng thon gọn, một vòng eo lý tưởng. Còn với mục tiêu để khoẻ mạnh thì nó còn khá mơ hồ, và nhiều người trẻ cảm thấy mình đã “khoẻ” rồi, cần tập gì nữa.
Vì thế trước khi tập hãy tự nhủ với lòng rằng tôi quyết tâm theo đuổi Dịch Cân Kinh vì nó giúp tôi….. (điều mục tiêu của bạn vào dấu ba chấm, càng cụ thể càng tốt nhé. )
Niềm tin
Dịch Cân Kinh là một động tác tập khá đơn giản, chính sự đơn giản như vậy khiến cho nhiều người nghi ngờ về sự hiệu quả của nó. Trong các tài liệu Dịch Cân Kinh mà mình từng đọc không thiếu những câu chuyện thành công, đặc biệt là những người đã chữa khỏi căn bệnh ung thư mà y học hiện đại đôi khi bó tay.
Khi đặt lên bàn cân với công nghệ tiên tiến, Dịch Cân Kinh có vẻ “lép vế”, tuy nhiên chúng ta không nên so sánh bởi theo mình hai bên đi theo hai hướng khác nhau. Dù ra đời từ rất lâu Dịch Cân Kinh vẫn được lưu truyền đến nay và được nhiều người tập. Nếu bạn đang cảm thấy phiền lòng về những cơn ngứa, đau bụng, những cơn rùng mình ớn lạnh… không rõ lý do, đi khám bác sĩ không tìm ra bệnh thì Dịch Cân Kinh sẽ là giải pháp cho bạn (có thể bạn đang nằm trong nhóm sub-health. Xem thêm tại đây)
Trước đây khi còn nhỏ, mình đã từng thử tập Dịch Cân Kinh, nhưng chỉ được vài ngày vì thiếu niềm tin và sự kiên trì. Hiện tại mình đã tập lại, không chỉ có mình mà còn có mẹ và chị gái. Ngoài việc có nhiều người cùng tham gia tạo sự hứng khởi, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả thì giờ đây nhờ có mạng Internet có thể tra cứu thêm nhiều thông tin để giải đáp các vấn đề thắc mắc, đã giúp mình có động lực để luyện tập.
Mình biết là bạn có thể vẫn đang nửa tin nửa ngờ. Tuy nhiên thay vì tiếp tục tự kỷ về tình trạng sức khoẻ của bản thân, sao bạn không thử bỏ ra vài phút để xem cách tập và thực hành. Chắc chắn sau khi tập bạn sẽ không còn thắc mắc tại sao nó lại “vi diệu” như vậy.
- Sự tập trung/tĩnh tâm
Tập Dịch Cân Kinh cũng giống như thiền vậy. Lúc bạn tập, bạn chỉ tập trung vào vẫy, vào hơi thở, vào cơ thể của bạn. Bạn không suy nghĩ về tương lai, không nhớ về quá khứ, mà bạn chỉ biết đến cơ thể của bạn ngay tại phút giây hiện tại.
Nhưng thực tế ngày nay có quá nhiều thứ lôi kéo chúng ta. Đang vẫy nhưng tai vẫn nghe ngóng xung quanh, tiếng tivi, tiếng nói chuyện, tiếng radio, facebook. Mắt vẫn đảo nhìn góc này góc kia, trong lúc đó bạn không nhận ra rằng hậu môn đã không còn nhíu, tay không còn đánh thẳng ra sau….

Để có được sự tập trung không hề dễ, điều cần thiết là bạn chọn cho mình một không gian tĩnh lặng, tránh những điều có thể khiến bạn phân tâm.

Bonus: Cảm nhận lần đầu tiên vẫy 1800 cái
Vẫy đến khoảng 800 cái là vai bắt đầu hơi mỏi, mình vẫy vòng ngắn lại để giữ sức chiến đấu. Bàn chân bên dưới đã hơi run run, nhưng vẫn cố gắng nhíu hậu môn. Đếm thì lúc nhớ lúc quên. Nhưng đến khi vẫy xong thì cảm thấy thật hãnh diện mặc dù lúc đó chân quá mỏi vì gồng nhiều.
- Lời kết
Đừng vội nản lòng nếu bạn chưa đạt được kết quả như mong đợi, có thể bạn chưa làm đúng ở khâu nào đó, hãy xem lại cách tập hoặc tăng thêm số lần vẫy. Chúc các bạn thành công!