Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Lương y như từ mẫu




Lương y như từ mẫu”. Tôi đã nghe đến câu nói này từ tuổi nhỏ, và trong đầu óc, tôi tưởng tượng đến một người thầy thuốc có lòng vị tha không khác gì  “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Bàn tay của một lương y không khác gì bàn tay mềm mại của một từ mẫu doa dịu cơn sốt của con thơ những đêm hè nóng ẩm.

Sau gần 35 năm hành nghề thầy thuốc, tôi tự nghiệm ra một điều, để làm một người thầy thuốc “mát tay”, rất nhiều khi chỉ cần đến những cử chỉ dịu dàng, những lời nói chân thật, nhưng hiệu quả hơn cả thuốc men, mổ xẻ.


Khi mới tốt nghiệp trường y khoa, tôi ít chú tâm đến những gì mình nói với bệnh nhân và những hậu quả đưa đến từ những lời nói nầy. Đối với tôi, chỉ cần cho toa hay mổ xẻ là chữa bệnh. Thật ra, những lời nói dịu ngọt, giải bày những quan tâm đến căn bệnh có thể đem lại những ảnh hưởng tích cực đến cho bệnh nhân, nhiều hơn là cả thuốc men. Những bằng chứng khoa học  cho thấy, bằng cách cho ra sự cảm thông, lòng độ lượng, và những lời nói khuyến khích sẽ làm cho bệnh nhân quan tâm đến chính căn bệnh của mình, không những tự tin mà còn tin tưởng vào người bác sĩ, và dễ đưa đến kết quả tốt đẹp cho sự chữa trị.
Hầu hết những người đã chọn nghề y đều có lòng độ lượng, thương người, nhưng để giải bày tính cách tha  thân ấy cho bệnh nhân biết là điều khó khăn cho nhiều bác sĩ. Đây là một điều thiếu sót mà trong trường thuốc không có một khóa huấn luyện nào chú trọng vào chuyện, làm thế nào để hành xử giống như một người từ mẫu.
Rất nhiều khi, chỉ cần ít hơn một phút đồng hồ để biểu lộ sự đồng cảm với bệnh nhân là đủ. Một khi có sự đồng cảm, tâm sinh lý của bệnh nhân sẽ chuyển biến, giảm đau, giảm viêm, giảm sốt, tăng sức đề kháng, và làm cho căn bệnh thuyên giảm nhanh chóng. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều nầy, cho dù bệnh nhân chỉ được uống… thuốc giả, chỉ có bột và đường.
Thông cảm với bệnh nhân nhưng vẫn phải giữ một khoảng cách tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân đòi hỏi một lằn ranh uyển chuyển. Người bệnh nhân nhìn người thầy thuốc như một cứu tinh nhưng cũng muốn mình được nhìn thấy, và bệnh tình của mình được cảm nhận bởi người thầy thuốc. Ngược lại, nếu người thầy thuốc không bày tỏ một chút cảm xúc của mình, đối với bệnh nhân, có thể sẽ hiểu lầm người bác sĩ ấy rất vô cảm, và sẽ có ác cảm ngay.
Lòng vị tha và cách biểu lộ sự đồng cảm, quan tâm đến bệnh nhân không nhất thiết đòi hỏi ở lời nói, mà còn bao gồm cả cử chỉ, thái độ, và sự hiện diện có mặt trong tình cảnh. Có khi chỉ cần dịu giọng một tí, một ánh mắt, một nụ cười, và lắm khi không cần lời nói mà chỉ im lặng để lắng nghe những gì bệnh nhân muốn giải bày. Khi cần phải nói, lời nói không phải là một lời hứa suông, nên thành thật, cho dù tình huống có lúc đã đến chỗ tuyệt vọng.
Theo tôi nghĩ, trong hai từ “bệnh-nhân”, chữ “nhân” có tầm quan trọng và ưu tiên hơn cả chữ “bệnh”. Người bệnh nhân phải được đối xử với tình người với người trước nhất, và chữa trị bệnh đi kèm sẽ dễ dàng hơn.
Ông tổ Tây Y, Hippocrates có nói: “To cure ooccasionally, to relieve frequently, and to comfort always!” Tạm dịch, “Chữa bệnh thì đôi khi, giảm đau đớn thì thường xuyên, và an ủi, cảm thông thì luôn luôn có.”
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh/nguoivietonline