Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

Lần đầu tiên trí thông minh nhân tạo được dùng để chẩn đoán bệnh

Lần đầu tiên Hoa kỳ cho phép lưu hành thiết bị y tế sử dụng trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence- AI) để chẩn đoán bệnh mắt ở người bị tiểu đường. Thiết bị này-- tên gọi là IDx-DR-- được thiết kế dưới dạng phần mềm. Bất cứ bác sĩ nào cũng có thể sử dụng nó bằng cách chụp ảnh mắt bệnh nhân bằng máy chụp võng mạc đặc biệt rồi tải lên máy chủ ảo. Nhờ trí thông minh nhân tạo, IDx-DR sẽ xác định hình ảnh có đủ chất lượng hay không rồi tiến hành phân tích.

Hiện nay, IDx-DR chỉ phát hiện và đánh giá bệnh võng mạc do tiểu đường
Hiện nay, IDx-DR chỉ phát hiện và đánh giá bệnh võng mạc do tiểu đường. (Ảnh: IFL).


IDx-DR đưa ra hai kết quả và không cần bác sĩ phân tích. Nếu tình trạng võng mạc do tiểu đường vượt mức nhẹ, AI sẽ giới thiệu bệnh nhân đến chuyên gia nhãn khoa. Trường hợp không đáng lo ngại, AI đề nghị bệnh nhân tái khám sau 12 tháng.

Trước khi phê duyệt IDx-DR, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đánh giá dữ liệu từ hơn 900 bệnh nhân tiểu đường ở 10 cơ sở y tế khác nhau. Cơ quan này ghi nhận IDx-DR đạt độ chính xác 87,4% đối với các ca nhẹ và 89,5% đối với các ca nặng hơn.

Hiện nay, IDx-DR chỉ phát hiện và đánh giá bệnh võng mạc do tiểu đường (diabetic retinopathy). Nó không hiệu quả trên tất cả bệnh nhân. Những người từng điều trị laser, phẫu thuật hoặc có một số vấn đề khác như nhìn mờ không nên sử dụng IDx-DR.

Ngoài bệnh võng mạc do tiểu đường, công nghệ AI còn được ứng dụng để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt và tình trạng mất thị lực do tuổi già. Gần đây, một khảo sát cho thấy hầu hết người Mỹ cảm thấy thoải mái khi sử dụng AI, song công nghệ này làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về đạo đức. Ví dụ ai sẽ chịu trách nhiệm nếu chẩn đoán sai và làm cách nào để bảo vệ quyền riêng tư cũng như ngăn chặn khủng bố sinh học qua công nghệ nano.

Theo VNE-  17/4/2018