Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Những sai lầm phổ biến khi dùng thuốc



Khi bị bệnh, chúng ta thường trông mong vào thuốc để được khá hơn, nhưng nếu sử dụng không đúng, thuốc có thể mang lại những tác dụng hoàn toàn khác. Dưới đây là những sai lầm phổ biến khi dùng thuốc.


1- Uống thuốc khi bụng đói
Phần lớn các loại thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày nếu sử dụng khi đói. Một số loại thuốc cần được uống khi quá trình tiêu hóa đang diễn ra. Bạn nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và chỉ định của bác sĩ để dùng chúng đúng cách.

2- Bẻ nhỏ viên thuốc cho dễ uống
Việc làm này có thể gây vấn đề nếu thuốc bạn đang dùng là loại giải phóng chậm hoặc tác dụng kéo dài. Những loại thuốc này thường được bao trong một lớp vỏ tan chậm để thuốc được giải phóng từ từ. Nếu lớp vỏ này bị phá vỡ, cơ thể sẽ nhận được một lượng thuốc lớn ngay một lúc.

Một trong những thuốc hay bị dùng sai nhất theo kiểu này là thuốc điều trị huyết áp dùng một lần mỗi ngày có chứa diltiazem HCL hoặc isosorbide mononitrate, có tác dụng trong 24h. Nhiều người già thấy viên thuốc to khó uống. Nhưng việc bẻ nhỏ viên thuốc có thể khiến huyết áp tụt đột ngột, gây ngất.
Các thuốc động kinh cũng là một nhóm thuốc tác dụng kéo dài khác mà việc bẻ hoặc nghiền nhỏ viên thuốc có thể dẫn đến ra liều cao gây độc. Nếu ban không thể nuốt được viên thuốc, hãy hỏi bác sĩ xem có dạng nào khác không.

3- Uống thuốc với nước nóng
 Dùng nước nóng đề uống thuốc có thể phá hủy màng sơn và thành phần của thuốc trước khi chúng được hấp thụ tại dạ dày. Tốt nhất bạn nên uống thuốc với  nước đun sôi để nguội. Cách làm này sẽ giúp giữ nguyên thành phần của thuốc mà không hề gây hại.

4- Uống thuốc với nươc trái cây
Acid có trong các loại trái cây có thể làm biến đổi cấu trúc của thuốc và gây ra những phản ứng có hại cho dạ dày. Dù những loại nước trái cây có thể làm át đi mùi vị khó chịu của thuốc, nhưng bạn cũng cần loại bỏ ngay thói quen này để không gây hại cho sức khỏe.
Ngoài ra bạn chỉ nên ăn trái cây sau khi uống thuốc khoảng 2 tiếng là tốt nhất.

5- Uống thuốc và tập luyện
Bất kỳ loại thuốc giảm đau nào dùng trước khi tập luyện cũng sẽ che khuất cái đau và làm tăng nguy cơ chấn thương. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã thấy rằng uống ibuprofen trước khi tập nặng, như chạy nhanh hoặc đua xe, có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

Danh sách những phối hợp “xấu” giữa thuốc và tập luyện còn rất dài. Ví dụ các thuốc chẹn beta (beta blocker)cản trở không cho huyết áp tăng khi tập luyện, thế mà sự gia tăng huyết áp lại rất cần thiết để đưa thêm máu tới các bộ phận trong cơ thể – bao gồm cả não - khi gắng sức nếu không bạn có thể sẽ bị ngất.
Một thí dụ khác là thuốc kháng sinh ciprofloxacin - thường dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc diệt  vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, như salmonella hoặc campylobacter - có thể làm gân bị yếu, dẫn đến tổn thương gân, thậm chí đứt gân nếu bạn thực hiện động tác mạnh hoặc nâng vật nặng.
Việc bắt đầu tập nặng đột ngột khi đang dùng statins (nhóm thuốc điều trị cholesterol cao) có thể làm tăng nguy cơ bị đau cơ. Nguyên nhân có thể là vì thuốc statin phá vỡ các ti thể - nhà máy sản xuất năng lượng cho tế bào của các cơ.

Trong nhiều trường hợp, tập luyện có thể cải thiện tình trạng bệnh mà thuốc đang phải đối phó, vì thế đừng bỏ tập. Nhưng hãy hỏi bác sĩ xem bạn có cần thay đổi việc tập luyện hay không.

6- Uống thuốc giảm đau để trị cảm lạnh hoặc cúm
Cách điều trị như vậy thực sự khiến các triệu chứng kéo dài thêm.

Ibuprofen có tác dụng giảm viêm và với tác dụng này, nó cũng có thể ảnh hưởng tới một phần quan trọng của đáp ứng cơ thể với nhiễm trùng. Ví dụ trong trường hợp cảm lạnh, đáp ứng viêm gây chảy nước mũi nước mắt sẽ rửa sạch nhiễm trùng, vì thế ngăn cản những hiện tượng này có lẽ không phải là điều mà cơ thể mong muốn.

Sử dụng paracetamol để giảm đau nhức và sốt cũng không phải là một ý hay nếu bạn bị cúm. Vi rút không nhân lên được nhanh ở nhiệt độ cao – đó là một trong những lý do mà cơ thể tạo ra cơn sốt để tiêu diệt chúng. Do các thuốc giảm đau thường làm hạ sốt, nên việc dùng thuốc về lý thuyết sẽ làm vi rút lây lan nhiều hơn bình thường. Trên thực tế, một nhóm các nhà nghiên cứu Canada đã tính toán rằng sẽ giảm được 5% số trường hợp bị cúm nếu chúng ta ngừng uống những thuốc này khi bị nhiễm trùng.

7- Uống thuốc giảm đau và sốt  paracetamol quá liều lượng
Lượng paracetamol nhiều nhất mà bạn có thể dùng trong 24tiếng  là 4g – chủ yếu ở dạng viên 500mg uống không quá 2 viên mỗi lần.
Uống quá liều lượng có thể dẫn tới tổn thương gan. Nhiếu người thường nghĩ rằng “thêm một viên thuốc có sao đâu” – nhưng với paracetamol thì lại khác vì thuốc tích lũy trong gan. Một nhiên cứu  của Trường Đại học Edinburgh trên 161 bệnh nhân nhập viện vì uống  quá liều paracetamol cho thấy họ đã  chỉ uống thêm từ 2 tới 3 viên so với liều khuyến cáo tối đa trong 4 hoặc 5 ngày để tự điều trị vì đau răng hoặc đau lưng

8- Dùng thuốc kháng sinh không đúng cách

Điều này có thệ dẫn dến tỉnh trạng kháng kháng sinh :

8.1 Tự kê toa
Việc sử dụng thuốc kháng sinh nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ, bởi ở trình độ của họ mới có thể xác định đúng bệnh, loại kháng sinh, liều lượng dùng và thời gian uống. Trên thực tế, thuôc kháng sinh chỉ được dùng khi bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nhiều người đã lạm dụng thuốc kháng sinh ngay khi hắt hơi, sổ mũi, ho…
8. 2. Kéo dài hay rút ngắn liệu trình
Sau thời gian dùng kháng sinh nhưng không cải thiện, nhiều người quyết định tự ý kéo dài thêm liệu trình, hoặc rút ngắn liệu trình khi tình trạng thuyên giảm mà không tái khám đúng hẹn. Không ít phụ huynh còn tự chữa bệnh cho con mình bằng toa thuốc của bé khác, dẫn đến bệnh trở nặng hơn.
Việc không tuân thủ điều trị kháng sinh nói chung khiến bệnh không hết hẳn, dễ tái phát khiến người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, tăng thể bệnh nặng và dễ có biến chứng.'
8. 3. Dùng kháng sinh thừa từ các đợt kê toa trước
Không ít bệnh nhân khỏi bệnh từ đợt kháng sinh trước, thấy thuốc có hiệu quả nên khi có những triệu chứng bệnh gần giống như vậy liền mang thuốc thừa ra dùng lại. Nguyên tắc là thuốc thừa cần được loại bỏ, không nên giữ lại để dùng cho lần sau.
8.4. Dùng toa thuốc hoặc uống thuốc kháng sinh của người khác
Nhiều người thường uống thuốc theo kinh nghiệm của các “bác sĩ nhân dân”, khi thấy triệu chứng bệnh tương tự nhau. Uống thuốc kháng sinh không đúng có thể gây biến chứng, nặng thêm tình trạng bệnh và làm khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở, góp phần vào tình trạng kháng thuốc thêm trầm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới cho hay, tình trạng đề kháng thuốc kháng sinh hay còn gọi nôm na là “lờn thuốc” ngày một trầm trọng
8. 5. Quan niệm kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày không hiệu quả
Trong khi nhiều bệnh nhân thường không tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị kháng sinh dài ngày thì một số khác lại nghĩ rằng kháng sinh liệu trình ngắn ngày không đủ thời gian để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.,
Kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày đang là xu hướng điều trị nhiễm khuẩn, vì các lợi ích mang lại. Người bệnh sử dụng kháng sinh ngắn ngày (3 -5 ngày) thường dễ tuân thủ liệu trình, không bỏ ngang, mang lại hiệu quả điều trị tối đa.
“Sử dụng kháng sinh có liệu trình ngắn ngày vẫn đủ khả năng khỏi bệnh hoàn toàn và tránh tái phát. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày cũng ít tốn kém chi phí hơn, hạn chế tác dụng phụ và giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải bệnh nào, người bệnh nào, kháng sinh nào cũng có thể áp dụng biện pháp này. Chỉ qua thăm khám và đánh giá đầy đủ, bác sĩ của bạn mới quyết định được điều này”,. 

9- Dán cao, sau đó đi tắm
Miếng dán trên da thường được dùng để đưa nhiều loại thuốc vào cơ thể như thuốc giảm đau, hoóc môn và thuốc chống say tàu xe. Ưu điểm của miếng dán là thuốc được hấp thu chậm và ổn định.
Tuy nhiên, nếu vùng quanh miếng dán bị quá nóng, các mạch máu sẽ giãn ra và thuốc có thể đi vào cơ thể quá nhiều. Trong phần lớn các trường hợp, điều này dẫn tới ngứa xung quanh miếng dán do keo dán kích ứng da ấm, hoặc những tác dụng phụ do tăng nhẹ nồng độ thuốc trong cơ thể, vì dụ như dùng miếng dán oestrogen trong khi phơi nắng có thể gây cơn bốc hỏa.
Trong trường hợp thuốc giảm đau fentanyl, lượng thuốc vào cơ thể quá nhiều một lúc có thể gây chết người. Năm 2011, một phụ nữ 67 tuổi ở Leicester, Anh đã chết sau khi tắm nước nóng trong lúc dán miếng dán fentanyl.
Hãy kiểm tra độ an toàn của nước tắm, phích nước nóng, chăn điện và thậm chí là phơi nắng nếu bạn đang dùng miếng dán trên da.

10- Sử dụng quá nhiều thuốc dạng kem bôi
Kem và nước bôi ít gây tác dụng phụ, nhưng nếu chứa hoạt chất chúng vẫn có thể gây quá liều. Đã có những trường hợp tử vong liên quan với bôi quá nhiều kem chứa thuốc giảm đau tại chỗ như methyl salicylate (một thuốc tương tự aspirin có trong một số sản phẩm xoa bóp cơ), nhất là khi kết hợp với những dạng thuốc giảm đau khác như thuốc viên hoặc miếng dán. Với paracetamol, uống thêm một viên thuốc cũng có thể dẫn đến nguy cơ chết người.
Bôi quá nhiều kem steroid để điều trị những bệnh như chàm (eczema) có thể khiến da bị mỏng và nứt nẻ. Kem estrogen và progesterone cũng khiến nồng độ hoóc môn tăng cao quá mức khi bôi, dẫn đến những triệu chứng đau  vùng nhũ hoa.
Vì thế việc điều trị bằng kem bôi cũng giống như mọi dạng thuốc khác, cần bôi đúng liều lượng và đúng số lần như được hướng dẫn

11- Bôi kem steroid trên da bị xây xát
Bác sĩ thường kê đơn kem bôi chứa steroid (corticoid) để giảm viêm trong những trường hợp phát ban ngứa hoặc côn trùng đốt.
Những nếu bạn cào gãi chỗ ngứa khiến da bị sây xát thì bạn không được bôi thuốc steroid vào vùng đó. Steroid làm giảm miễn dịch vì chúng làm giảm nồng độ của các chất gây viêm. Thế mà cơ thể lại cần những chất này để chống lại vi khuẩn hoặc vi rút, vì vậy nếu da bị trầy xước, bôi kem steroid sẽ làm vết thương dễ bị nhiễm trùng.

 (tổng hợp)

Đọc thêm

Uống thuốc cho đúng